- Khác với chính thể đa đảng, ở đó việc cử ra người lãnh đạo đảng là việc của mỗi đảng, nhân dân không "mắc mớ" gì mà tham gia, trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo, thì nhân dân không thể đứng ngoài việc bầu cử người đứng đầu đảng - chức danh chính trị quan trọng nhất của thể chế.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> "Không có gì phải né tránh luật về Đảng
>> Chọn nhân sự mà luẩn quẩn thì làm sao đột phá?
LTS: Tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XI, Ban lãnh đạo Đảng có chủ trương chuẩn bị cả phương án Đại hội bầu trực tiếp chức danh Tổng bí thư. Đại hội sẽ quyết định việc này, nhưng ngay từ giờ nó đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đã có sự đồng cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Ban lãnh đạo Đảng trong nỗ lực tìm tòi một cách thức có hiệu quả hơn để bầu ra người lãnh đạo xứng tầm.
Ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương gửi đến VietNamNet bài viết dưới đây, nêu một vài suy nghĩ của mình về vị trí, vai trò của Tổng bí thư. Trên tinh thần tôn trọng tính thông tin đa chiều và không khí tranh luận cởi mở, chúng tôi giới thiệu bài viết này. Mong nhận được ý kiến tranh luận của bạn đọc.
Trong hệ thống tổ chức quyền lực ở những nước theo chính thể xã hội chủ nghĩa, người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền (được gọi bằng các chức danh khác nhau như chủ tịch đảng, tổng bí thư, bí thư thứ nhất… sau đây gọi là tổng bí thư cho gọn) trên thực tế là vị trí chính trị quan trọng nhất.
Đáng chú ý là vị trí quan trọng nhất này của chính thể lại chưa hề được xác định đầy đủ trong luật pháp và điều lệ đảng. Hiến pháp các nước theo thể chế này, dù có hoặc không có điều nói về vai trò lãnh đạo của đảng, cũng không có điều nào nói về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đảng đó; điều lệ đảng cũng không có điều nào đề cập trực tiếp, tập trung về vấn đề này. Nói chung, vị trí của tổng bí thư chỉ được đề cập một số nét trong quy chế làm việc nội bộ của ban lãnh đạo đảng.
Điều này tồn tại đã lâu, đã thành phổ biến, mặc nhiên được coi như một thông lệ. Một sự "lơi lỏng" như vậy về luật pháp và quy chế đảng đối với vị trí quan trọng nhất của thể chế không thể coi là bình thường trong thể chế nhà nước pháp quyền, là việc không thể kéo dài.
Nhân dân không thể đứng ngoài
Trong hầu hết các trường hợp, tổng bí thư đảng cộng sản cầm quyền thường kiêm nhiệm vị trí số một trong bộ máy nhà nước (tùy theo cơ cấu tổ chức cụ thể, có thể là chủ tịch nước, chủ tịch Xô viết tối cao, thủ tướng…). Bên cạnh nguyên nhân khác, có lẽ cũng có cả yêu cầu đảm bảo tính chính danh của cá nhân tổng bí thư đảng trong các mối quan hệ đối nội, đối ngoại, trong quan hệ pháp lý giữa đảng với nhà nước và các cấu trúc chính trị khác.
Thực tế đã chứng tỏ rằng, bản thân việc kiêm nhiệm như vậy không giải quyết được vấn đề một cách thực chất, trái lại nhiều khi còn làm lẫn lộn những vai trò khác nhau trong một cá nhân, tạo thêm tình trạng trách nhiệm pháp lý không rõ ràng, người đứng đầu quan liêu, độc đoán, thoát ly sự giám sát của đảng, của nhân dân và sự ràng buộc của luật pháp.
Chức danh tổng bí thư thường do ban chấp hành bầu ra. Cho đến nay, đảng viên, các tổ chức đảng cấp dưới, nói chung không có tiếng nói trong việc bầu cử người đứng đầu đảng. Nhân dân, cử tri càng như vậy. Điều này rõ ràng không tương thích với bản chất dân chủ của đảng và thể chế. Khác với chính thể đa đảng, ở đó việc cử ra người lãnh đạo đảng là việc của mỗi đảng, nhân dân không "mắc mớ" gì mà tham gia, trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo, thì nhân dân không thể đứng ngoài việc bầu cử chức danh chính trị quan trọng nhất của thể chế.
Thiếu những cơ sở pháp lý, những cơ chế đủ rõ ràng để giám sát, điều chỉnh hoạt động của vị trí quan trọng nhất của thể chế, thì chỉ còn cách đặt mọi hy vọng vào "tính tự giác", tức là phẩm chất cá nhân người đứng đầu. Một vị trí "siêu quyền" đòi hỏi người đảm nhận có tính cách vĩ nhân, những phẩm chất của lãnh tụ, của thiên tài chính trị toàn diện. Mong muốn có người đứng đầu siêu phàm tuy cũng là chính đáng, nhưng nhiều khi không thực tế. Thiên tài, lãnh tụ, người lãnh đạo xuất sắc là của hiếm, không phải lúc nào cũng có. Xem xét nguyên nhân trực tiếp của những sai lầm, những thất bại của mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội mấy chục năm gần đây, ít nhiều đều có bóng dáng yếu kém của người đứng đầu. Một số nét dễ thấy ở họ là:
Lớp người lãnh đạo thuộc thế hệ đầu tiên vốn là những chiến sĩ cách mạng xuất thân từ nhân dân, có bản lĩnh dày dạn được tôi luyện trong thử thách; nhưng do nắm giữ quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát quá lâu, dễ thoái hóa thành những người cầm đầu xa rời thực tế, độc đoán, bảo thủ, mắc sai lầm nghiêm trọng, gây tổn thất lớn.
Thế hệ tiếp theo, phần lớn là công chức của bộ máy, được nâng đỡ, cất nhắc theo các nấc thang công vụ, dần trở thành lãnh đạo. Con đường trưởng thành như vậy không thể không in dấu lên lối tư duy và phong cách của họ: thành thạo công việc quan liêu, bàn giấy, chấp hành, thỏa hiệp, hòa hoãn, nhưng lại thiếu bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán, thiếu sức hấp dẫn quy tụ của người đứng đầu. Những yếu kém đó trở nên đặc biệt tai hại trong tình huống khủng hoảng, phức tạp.
Đảm bảo đảng viên có tiếng nói
Trong thể chế nào người đứng đầu cũng có vai trò quan trọng. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên duy trì một thể chế, trong đó sự an nguy của đất nước, sự mất còn của chế độ phụ thuộc vào cá nhân một con người. Điều này quá nguy hiểm, không sớm thì muộn sẽ vấp phải một thực tế là không có con người hiện thực đủ sức gánh vác một trách nhiệm lớn như vậy.
Hợp lý hơn là xây dựng một thể chế, trong đó người đứng đầu được luật pháp ấn định quyền hạn hợp lý, rõ ràng, cụ thể, gắn với chế độ trách nhiệm tương ứng và được kiểm soát tốt. Trong thể chế đó, người đứng đầu không nhất thiết phải là lãnh tụ, có phẩm chất siêu phàm, hiếm có. Trái lại, luôn luôn có hàng loạt những chính khách có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn làm "ứng cử viên" trở thành người đứng đầu. Qua bầu cử dân chủ họ sẽ được lựa chọn. Họ sẽ được ghi nhận nếu làm tốt, sẽ bị thay thế kịp thời nếu tỏ ra yếu kém. Những chuyển động như vậy là bình thường trong đời sống chính trị của đất nước.
Việt Nam tuy có những nét riêng nhất định, nhưng những điều nói trên cũng không phải không phù hợp.
Mời bạn đọc gửi góp ý cho các dự thảo văn kiện của Đảng về địa chỉ banchinhtri@vietnamnet.vn |
2- Luật pháp và Điều lệ Đảng cần quy định rõ ràng, cụ thể phạm vi quyền hạn gắn với trách nhiệm, những việc được làm của Tổng bí thư Đảng. Một khi Tổng bí thư Đảng được giới thiệu đảm nhận đồng thời chức danh nhà nước, thì phải chịu trách nhiệm cá nhân trước luật pháp và nhân dân về mọi hoạt động trong chức danh đó.
3- Điều chỉnh, đổi mới quy phạm luật pháp và quy chế sinh hoạt Đảng, đảm bảo cho đảng viên và nhân dân có tiếng nói trong việc bầu cử chức danh Tổng bí thư Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền.
Đại hội Đảng lần thứ XI đã đến gần, chưa thể nghiên cứu và ban hành những đổi mới cơ bản, thì việc thực sự phát huy dân chủ trong việc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương và Tổng bí thư có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong điều kiện hiện nay, phương án Đại hội bầu Tổng bí thư là việc làm tích cực theo hướng đó.
-
Bùi Đức Lại