- Hàn Quốc là một trong những xã hội có truyền thống “nam trị” trên thế giới. Tuy nhiên, thị trưởng thủ đô Seoul Oh Se-hoon, một cánh mày râu xịn, lại muốn thay đổi hình ảnh này. Ông đang cùng chính quyền Seoul tích cực triển khai dự án "Một Seoul thân thiện với phụ nữ" (Women Friendly Seoul - WFS).
WFS là dự án với hàng loạt sáng kiến nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống thường nhật cũng như tạo cơ hội chính trị lâu dài cho các nữ công dân. Nói một cách văn hoa, nó mang lại “sự trỗi dậy của nữ quyền”.
Theo tờ The Korea Times, cách đây hơn 3 năm, từ những lời phàn nàn của nhân viên nữ về việc giày cao gót của họ hay bị lọt xuống khe rãnh vỉa hè Seoul, ông Se-hoon - khi đó đang giữ chức thị trưởng Seoul nhiệm kỳ đầu tiên - chợt nhận ra rằng niềm hạnh phúc của chị em không chỉ đến từ sự bình đẳng giới mà còn từ những điều tưởng chừng vặt vãnh trong cuộc sống.
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon. Ảnh: Reuters
Tháng 7/2007, ông quyết định xây dựng và khởi động dự án WFS với tham vọng biến Seoul thành một nơi “chiều chuộng phụ nữ” nhất quả đất, khiến phái đẹp luôn nức lòng đón nhận sự hỗ trợ từ cộng đồng. Dự án này tiêu tốn khoảng 104 triệu USD với khẩu hiệu vô cùng tươi đẹp “Phụ nữ hạnh phúc, Seoul hạnh phúc”.
Từ đó đến nay, khoảng 90 chương trình thuộc WFS đã được triển khai, trong đó có một số “dự án con” gây tiếng vang như cải tạo hệ thống bãi đỗ xe công cộng rộng rãi hơn, có đèn sáng hơn, lắp đặt camera và sơn vạch màu hồng để ưu tiên cho tài xế nữ ở quận Gwangjin; lát vỉa hè “đạt chuẩn” với những chiếc giày cao gót giúp chị em tung tăng shopping; xây thêm hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng cho nữ giới; thay đổi tay nắm treo trên xe buýt cho hợp với chiều cao trung bình của phái yếu…
Ngoài ra, trong dự án “Bà mẹ sôi động”, WFS đặt ra mục tiêu tạo hơn 28.000 việc làm (công nhân, thợ gội đầu…) cho các chị em nội trợ, bằng cách đào tạo tay nghề cho họ ở các trung tâm giáo dục của thủ đô.
Một số chuyên gia xã hội học cho rằng, bất chấp một số tranh cãi xung quanh tính hiệu quả và vấn đề tài chính của dự án WFS, phải thừa nhận rằng chính quyền Seoul đã rất “cởi mở” trong việc tạo dựng bình đẳng giới ở xứ sở Kim chi. Chính vì vậy, năm 2010, WFS đã nhận được giải thưởng Sự phục vụ công chúng của Liên Hợp Quốc vì những nỗ lực cải thiện các điều kiện “thiếu tiện lợi, thiếu an ninh và bất bình đẳng” trong cuộc sống xã hội của giới nữ thành thị.
Sau khi tái đắc cử chức thị trưởng Seoul trong cuộc bầu cử cách đây 4 tháng, đầu tuần này, ông Oh Se-hoon có cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí uy tín Newsweek (Mỹ) xung quanh dự án WFS.
Ông tự hào với điều nào trong dự án “chất lượng cuộc sống”?
- Những thay đổi có thể không đáng kể nhưng đáng phải suy nghĩ. Ví dụ ở cách tổ chức các nhà vệ sinh công cộng… Luôn có những hàng dài người đợi chờ trước cửa toilet nữ. Điều đó có nghĩa là lượng toilet dành cho nữ giới ít hơn cho nam giới. Đó chính là lý do chúng tôi xây dựng thêm toilet cho phái nữ ở các địa điểm công cộng. Ngoài ra, khi xây dựng toilet nữ ở các khu vực tàu điện ngầm, chúng tôi luôn tìm vị trí thích hợp, có đủ điều kiện an ninh, ánh sáng để các “bóng hồng” có thể dễ dàng tiếp cận và không lo ngại khi bước vào.
Ông luôn quan tâm tạo thêm nhiều việc làm cho nữ giới. Xin ông nói rõ hơn về dự án “Bà mẹ sôi động”?
- Kinh nghiệm việc làm của phụ nữ thường bị gián đoạn khi họ lập gia đình và sinh nở. Lúc những đứa trẻ đủ lớn để có thể nhờ người khác trông nom thì các bà mẹ lại rất khó khăn để trở lại công việc cũ. Mục đích của dự án này là “đánh thức” các kỹ năng chuyên môn đang “ngủ quên” của các bà mẹ, đồng thời trang bị thêm cho họ kiến thức, công cụ để đạt tới khả năng mà các nhà tuyển dụng yêu cầu.
Ông có gặp bất cứ sự phản đối nào từ chính quyền thành phố không?
- Mọi người đều hiểu rằng dự án này tiêu biểu cho một sự chuyển dịch cần thiết và kiểu mẫu, trong lúc Hàn Quốc tiến lên thành một xã hội thành đạt trong tương lai. Vấn đề duy nhất hiện nay là một số quan chức chưa bắt kịp với các quan niệm và lối suy nghĩ mới. Chúng tôi có khoảng 15.000 người làm việc cho chính quyền thành phố, với hơn 130 cơ quan. Ở vị trí cao hơn cấp giám đốc, phần lớn là nam giới.
Tỷ lệ giới tính nắm giữ chức vụ sẽ thay đổi nhưng hiện tại các “sếp” nam giới vẫn chưa biết thay đổi chính sách như thế nào để giúp họ có cái nhìn thiện cảm hơn với phụ nữ trong công việc. Để giải quyết vấn đề này, tôi đã ủy quyền cho một nhóm cố vấn giúp cán bộ chính quyền nắm bắt và phản ánh mong muốn, quan điểm của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách.
Còn có những cách nào khác để xử lý tính nhạy cảm giới?
- Ở các khu chung cư, chúng tôi phải thiết kế không gian sống giúp phụ nữ cảm thấy an toàn, nhất là khi họ bước vào khu liên hợp hoặc thang máy. Điều này khó có thể đạt được nếu người ta thiếu trách nhiệm trong chính sách còn các nhà thiết kế xây dựng quên mất tầm quan trọng của việc làm cho phụ nữ cảm thấy được che chở. Trước đây, nhiều nhà hoạch định chính sách không nghĩ rằng để phụ nữ thấy an toàn và thoải mái là một phần quan trọng trong công việc của họ. Chúng tôi phải thay đổi lối suy nghĩ đó.
Trong nấc thang từ 1 đến 10 điểm, ông đánh giá tiến bộ của phụ nữ trong việc tham gia chính trị đang ở mức nào?
- Tôi đánh giá quá trình này ở mức điểm 5, tức là mới đi được nửa chặng đường. Nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện tình hình. Nếu nhìn vào Tòa thị chính Seoul và Quốc hội Hàn Quốc, có thể thấy chúng tôi đã thay đổi một cách có hệ thống nhằm khuyến khích sự tham gia chính trường của nữ giới. Hiện trong tổng số nhân viên ở hai cơ quan này, nữ giới chiếm từ 20% đến 30%.
Ông nói rằng ngày càng nhiều nữ giới làm việc ở cấp độ phổ thông. Vậy ông có nghĩ sớm có thêm phụ nữ tham gia việc quản lý ở cấp độ trung và cao cấp?
- Vâng, tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra trong vòng 10 năm tới. Tuy nhiên, các trợ lý thị trưởng hiện cho rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa, một nửa số quan chức trên cấp giám đốc sẽ là phụ nữ.
-
Võ Giang