- Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương tháng 10/2010 của Ngân hàng Thế giới (WB), sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau khủng hoảng là nhanh chóng nhưng không đồng đều.
Tốc độ tăng trưởng với những chỉ số kinh tế chủ chốt như GDP thực, sản xuất công nghiệp, đầu tư và xuất khẩu có thể sẽ phục hồi như mức trước khủng hoảng, nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao, các hộ gia đình và các công ty vẫn tiếp tục dự trữ vàng và ngoại tệ, gâp áp lực liên tục cho đồng nội tệ.
Ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng mới của WB tại Việt Nam. Ảnh: TC |
Báo cáo cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng quá nóng như một hệ quả của dòng vốn đầu tư đổ vào ngày càng lớn sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Ông Mishra cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bình luận về vấn đề nợ công, vị chuyên gia kinh tế trưởng mới cho rằng Việt Nam vẫn là nước có mức độ rủi ro thấp, dù tỉ lệ nợ trên GDP có tăng trong những năm qua, nhưng vẫn thấp hơn so với tỉ lệ trung bình mà các nước đang khác phải đối mặt.
Báo cáo lần này cũng đề cập đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong sự tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng nhận xét đây là “một nguồn dễ tổn thương có tính dài hạn”. Đặc biệt, sự đổ vỡ của Vinashin do các hoạt động đầu cơ không cốt lõi đang khiến dư luận càng lo ngại về hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế lớn.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB Việt Nam. Ảnh: TC |
Giám đốc WB Việt Nam nhận định các tập đoàn kinh tế chưa gặp phải những hạn chế trong sử dụng vốn một cách thiết thực, dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn không hiệu quả. Bà cho rằng nếu có các cơ chế về hạn mức sử dụng vốn, hiệu quả hoạt động sẽ đi theo.
Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được Ban chấp hành Trung ương xác định là giải pháp đầu tiên cho 2011. |
Báo cáo nhận định tìm ra cách thức cân bằng giữa đóng góp kinh tế của các tập đoàn nhà nước với trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch của chúng, cân bằng giữa lợi ích của các tập đoàn này với những yếu kém của chúng, đang là vấn đề tranh luận sôi nổi trong Đảng và Chính phủ, và là yêu cầu bức thiết đối với Đại hội Đảng sắp tới.
Bà Kwakwa hy vọng, sau khi Đại hội Đảng diễn ra, ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ nhanh chóng tập trung trở lại vào việc bình ổn nền kinh tế.
- Thủy Chung