- Từng sống và làm việc tại nhiều thủ đô các nước châu Á song Đại sứ Úc Allaster Cox ấn tượng với thủ đô lịch sử nghìn năm tuổi của Việt Nam, qua những giá trị độc nhất, khác biệt. Nhưng thành phố “đáng yêu” theo cách ông cảm nhận đang đứng trước áp lực phát triển, đô thị hóa lớn.
Đại sứ Allaster Cox: Xuôi từ đường Nguyễn Chí Thanh xuống khu Mỹ Đình, thực lòng có khá nhiều tòa nhà không mấy đẹp |
Thách thức lớn nhất Đại sứ Allaster Cox không ngần ngại chỉ ra, đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị với nạn tắc đường.
Ông cho hay: Thủ đô đông nghẹt xe máy di chuyển như Hà Nội sẽ làm bất cứ ai đến đây lần đầu tiên đều cảm thấy kinh ngạc.
Nhìn những bức ảnh cũ của Hà Nội trước, có thể thấy xe điện từng được sử dụng như phương tiện giao thông công cộng chính. Hiện nay, một hệ thống giao thông công cộng tốt là rất cần thiết để giảm tải áp lực giao thông, giải quyết tắc đường.
Một điều phải thú nhận tôi không thích lắm là cơ sở hạ tầng đô thị. Đây thực sự là thách thức lớn, chất lượng có thể đã trở nên quá tải đối với người dân. Hà Nội cần quy hoạch, mở những con đường cánh, không nhất thiết phải đi qua trung tâm thành phố, mà đi ra ngoài trung tâm, ra khỏi ngoài những khu vực thực sự đông đúc, tắc đường.
Hòa nhịp cùng bữa tiệc sinh nhật 1000 năm của Hà Nội, ngay từ tháng 4, Đại sứ quán Úc đã bắt đầu khởi động một chương trình có tên gọi “Món quà văn hóa Australia tặng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Món quà với hàng loạt các sự kiện giao lưu văn hóa cũng như triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu di sản văn hóa thổ dân đặc sắc của Úc. |
Hà Nội trong quá trình đô thị hóa đã hình thành nhiều khu vực mới như Đại sứ nói, ông có nhận xét gì?
Tôi không thích thú lắm với một vài khu vực mới của thành phố. Có những khu vực có kiến trúc tốt, nhưng không ít nơi kiến trúc không hấp dẫn lắm. Những tòa nhà đã được thiết kế, xây dựng quá nhanh chóng.
Nếu xuôi từ đường Nguyễn Chí Thanh xuống khu Mỹ Đình, thực lòng có khá nhiều tòa nhà phải nói không mấy đẹp. Thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị, không chỉ là vấn đề giao thông. Như trận lụt lịch sử của Hà Nội năm 2008 cho thấy vấn đề nghiêm trọng đối với hệ thống thoát nước thành phố.
Đừng quên công viên
Vậy bài học từ những khu vực đi “mở đường” quy hoạch để lại có thể thấy là gì, nhất là kết nối với thách thức lớn mà ông nêu ra là giao thông đô thị?
Cần đảm bảo ở các khu vực mới được xây dựng, những tòa nhà được xây lên không chỉ là nơi để ở mà không có các vệ tinh xung quanh cộng đồng dân cư. Điều quan trọng phải đảm bảo khu vực đó có cơ sở hạ tầng hỗn hợp, có nơi là khu làm việc, học tập, không gian sống, công viên, vườn, các công trình công cộng….
Không thể quy hoạch theo cách giãn dân ra ngoài nhưng ngày ngày họ lại lái xe kéo vào trung tâm, khu vực cũ làm việc, mua sắm, đưa con cái đi học... Như vậy không thể giảm nạn tắc đường.
Và cũng cần đảm bảo có đường xá tốt từ khu vực chính của thành phố đến các khu vực mới mở rộng, phát triển. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng phải để mọi người có thể đến và đi, sử dụng một phương tiện cộng cộng nào đó mà không phải là xe máy nữa.
"Không thể quy hoạch theo cách giãn dân ra ngoài nhưng ngày ngày họ lại lái xe kéo vào trung tâm làm việc, mua sắm" |
Hà Nội muốn phát triển thành một thành phố xanh. Các khu vực mới cây xanh dường như ít ỏi hơn?
Xanh là lợi ích của thành phố. Hãy nhìn các khu vực cũ được quy hoạch từ xưa, khu xung quanh Hồ Gươm, gần quảng trường Ba Đình, dọc đường Trần Phú. Những con phố xanh luôn có giá trị và hấp dẫn. Với những khu vực mới cần bảo đảm không gian xanh đó. Tuy nhiên, các khu phố xung quanh quận trung tâm Hoàn Kiếm, khu phố cổ, quận Ba Đình, đường đều rất hẹp và tình trạng tắc đường nhiều giờ. Đôi khi trên đường lại bắt gặp giờ tan học, trẻ con ùa ra đường với mũ bảo hiểm và mọi người đi xe máy, xe hơi trông thật không an toàn.
Bỏ qua những áp lực, sống và làm việc tại đây, những ấn tượng về Hà Nội của Đại sứ là gì ?
Nhìn chung, tôi có một ấn tượng tốt đẹp về cuộc sống ở Hà Nội. Nơi tôi làm việc và trung tâm của thành phố thật đáng yêu, luôn diễn ra đầy ắp các hoạt động sống động của người dân. Nó không giống như các trung tâm thành phố ở Úc. Ở Việt Nam, trung tâm đô thị, thành phố như Hà Nội đặc biệt ở chỗ có nhiều người làm việc, học tập, sinh sống trong cùng khu vực, họ quần tụ khiến dễ cảm nhận một thành phố luôn bận rộn.
Điều đó đặc biệt và khác biệt với nhiều thành phố phương Tây và thậm chí ở châu Á, như Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta. Những trung tâm thành phố, các quận kinh doanh hay như họ gọi là trung tâm thương mại lại khá trật tự, yên tĩnh trong khi Hà Nội lúc nào cũng có cảm giác bận rộn, người dân nườm nượp. Khu phố cổ Hà Nội là một không gian đặc biệt và khác biệt với các nơi khác. Ở đây có những phố hàng, người dân sinh sống, buôn bán…
Trên tất cả, tôi nghĩ điều tốt đẹp nhất về nơi này, đó là bạn cảm nhận sống trong không gian mọi thứ luôn diễn ra bận rộn. Gần khu tôi ở, mọi người ngồi ở những quán hàng ngoài đường, họ uống bia, có quán phở, quán bia Huế…
Buổi sáng sớm, mọi người tập thể dục ở những khu vực công cộng quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực gần phố Điện Biên Phủ, bảo tàng Quân đội, quảng trường Ba Đình… Và tôi thấy rất ấn tượng, gắn kết, có lúc tôi dậy lúc 5h30 và đến những nơi đó tập thể dục cùng mọi người.
-
Xuân Linh