221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1317431
Bộ trưởng Công thương giải trình chuyện thiếu điện
1
Article
null
Bộ trưởng Công thương giải trình chuyện thiếu điện
,

- Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã được dành ít phút sáng nay (1/11) trong phiên thảo luận của QH về kinh tế - xã hội để giải trình chuyện thiếu điện và "vỡ" quy hoạch thép.

Cùng với câu chuyện Vinashin, hàng loạt ĐBQH sáng nay đã tiếp tục "truy vấn" chuyện thiếu điện.

Thiếu điện do thiếu vốn

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, "việc chưa đảm bảo cung ứng điện trong thời gian vừa qua có phần trách nhiệm của Bộ Công thương".

Mô tả ảnh.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Khó khăn đến mấy, trong năm 2011 - 2012 phải đảm bảo đủ điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ đời sống nhân dân. Ảnh: Hoàng Long

Năm 2010, đặc biệt là mùa khô từ tháng 5 - 7, tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Trước hết, chúng tôi thấy có trách nhiệm về mặt chỉ đạo, đó là, việc thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 6 từ năm 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2015. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch 6, chúng ta đã không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa rồi. Các kịch bản về tăng trưởng phụ tải điện đã dự báo trong tổng sơ đồ cho đến ngày hôm nay vẫn thể hiện dự báo đúng đắn".

Ông Hoàng cho rằng, theo tính toán, từ năm 2006 đến 2015, bình quân mỗi năm tăng phụ tải điện khoảng 16 đến 17%.

Trên thực tế, trong các năm qua từ năm 2007 đến năm 2010 cũng tăng ở mức khoảng 15 - 16%, năm nay dự báo sẽ tăng 15,7%.

"Dự báo về nhu cầu điện là tương đối phù hợp với diễn biến nhưng thực tế việc huy động các nguồn điện vào sản xuất và cung ứng bị chậm trễ", ông Hoàng nói.

Lý do quan trọng nhất, theo Bộ trưởng Công thương là do thiếu vốn. Khủng hoảng kinh tế, thắt chặt đầu tư làm chậm trễ nhiều công trình ngành điện, ảnh hưởng dài hạn đến năm 2010 và các năm về sau.

Chính phủ có chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực (EVN) và một số nhà phát điện độc lập, trong trường hợp này có Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than - Khoáng sản, đây là 3 đơn vị chủ lực tham gia vào việc xây dựng và cung ứng điện.

Theo đó, giải pháp quyết liệt nhất và quyết định nhất là phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo Tổng sơ đồ 6 và sắp tới đây là Tổng sơ đồ 7. Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các ngành phải nhanh chóng đưa những công trình nhiệt điện mới xây dựng đã đi vào hoạt động phải hoạt động ổn định.

Thứ hai là tái cơ cấu ngành điện, trong đó có tái cơ cấu EVN.

Ông Hoàng cho hay, năm 2009, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, các ngành xây dựng đề án về tái cơ cấu ngành điện. Do một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu nên vừa qua Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các bộ, các ngành và EVN để hoàn chỉnh đề án, cuối năm 2010 trình Chính phủ.

Ngoài ra, Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng các phương án để chủ động cung ứng điện trong bất cứ tình huống nào.

Mục tiêu là khó khăn đến mấy, trong năm 2011 - 2012 phải đảm bảo đủ điện cho các nhu cầu sản xuất thiết yếu và phục vụ đời sống nhân dân.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu rà soát lại các công trình sử dụng điện không hiệu quả hoặc lãng phí, hoặc công nghệ lạc hậu, ở đây có cả các dự án thép, một số dự án trong lĩnh vực công nghiệp để cắt giảm.

Cũng theo ông Hoàng, Chính phủ đang tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá trị trường, đồng thời tích cực vận động bà con sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Đình chỉ dự án thép ngoài quy hoạch

Người đứng đầu Bộ Công thương cũng thừa nhận tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch, cũng như một số dự án xi măng.

Ông Hoàng giải thích, những địa phương còn nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cũng rất mong muốn có các dự án đầu tư để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp. Chính vì thế, không tránh khỏi tình trạng chỗ này, chỗ kia, thời điểm này, thời điểm khác có thể có những dự án chưa nằm ở trong quy hoạch và vì thế ảnh hưởng đến quy hoạch đã định hướng.

Bộ Công thương vừa qua cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch.

Tuy nhiên, quy hoạch ngành thép không phải là một quy hoạch mềm, nghĩa là đối với ngành thép thì phải xác định ngay từ đầu một quy hoạch cứng, các dự án chỉ nằm trong quy hoạch thì mới được phép triển khai.

Qua rà soát kiểm tra, nếu phát hiện thấy những dự án thép nằm ngoài quy hoạch và không hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng thì phải yêu cầu thay đổi về công nghệ, hoặc là thay thiết bị, nếu không đáp ứng được yêu cầu đó thì phải đình chỉ và thậm chí chấm dứt hoạt động.

Sắp tới chỉ tập trung vào sản xuất các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm. Vừa qua, cũng đã tập trung thực hiện một số dự án sản xuất phôi thép, như dự án thép ở Vũng Áng ở Hà Tĩnh, công suất khoảng hơn 1 triệu tấn/năm. Rồi đang mở rộng dự án phôi thép ở Thái Nguyên công suất từ 500.000 tấn lên 1 triệu tấn phôi/năm. Dự án sản xuất phôi thép tại Lào Cai, ở mỏ Quý Sa vào khoảng 500.000 tấn /năm.

ĐBQH Lê Như Tiến: "Bành trướng thái quá"

Do thiếu tầm nhìn nên quy hoạch ngành thép có nguy cơ bị đổ bể. Bộ Công thương đã phải soạn thảo đề án trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch ngành thép, nguyên nhân là do nhiều địa phương xé rào quy hoạch.

Trong 65 dự án sản xuất thép có tới 32 dự án được các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư song chưa được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc thỏa thuận của Bộ Công thương, đó là hiện tượng "tiền trảm hậu tấu".

Đến nay, tổng công suất thép cả nước hơn 20 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ ở mức 11,5 triệu tấn. Ở một tỉnh miền Đông Nam Bộ có tới 18 dự án thép thì 9 dự án nằm ngoài quy hoạch, các nhà máy thép này ngang nhiên xài tới trên 60% sản lượng điện cả tỉnh.

Ngành điện hụt hơi vì ngành thép, các ngành công nghiệp khác và các khu dân cư cũng bị vạ lây do cắt điện bởi sự bành trướng thái quá của quy hoạch ngành thép.

  • Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,