221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1317619
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ có gì lạ?
1
Article
null
Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ có gì lạ?
,

- “Của lạ” thật ra không nhiều, nhưng có hai cái mới: cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 sẽ được bắt đầu ngay từ ngày mai 3/11 và tình thế quân bình chính trị sau bầu cử khiến các dự báo về tương lai nước Mỹ trở nên thận trọng hơn.

Do chênh lệch múi giờ nên vào ngày mai (3/11) ở Hà Nội mới có kết quả của cuộc bầu quốc hội bán nhiệm kỳ, diễn ra ngày 2/11 ở Mỹ. Cử tri Mỹ đi bầu lại toàn bộ dân biểu Hạ viện và một phần ba Thượng viện.

Những ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều huy động tổng lực để thuyết phục cử tri.

Kết quả được dự đoán trước

Trước nguy cơ bị mất đa số, Tổng thống Obama “xắn tay áo” chạy nước rút, hai ngày vận động ở bốn tiểu bang để ủng hộ cho đảng Dân Chủ.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Obama kêu gọi: "Kết quả cuộc bầu cử như thế nào chăng nữa, đã đến lúc nên chấm dứt tình trạng làm việc theo tinh thần đảng phái". Ảnh BBC
Ohio là nơi cuối cùng trong số bốn tiểu bang được tổng thống Mỹ ghé thăm trong cuối tuần trước. Là tiểu bang mấu chốt nên trong chiến dịch vận động tranh cử này, Tổng thống Obama đã qua lại nơi đây tới mười một lần.

Cùng đi với Phó Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Obama đã nhắc lại lời kêu gọi với những cảm tình viên của Dân chủ, những người đã bỏ phiếu cho đảng Dân chủ năm 2008 thì nay, lại một lần nữa, hãy bầu cho các ứng cử viên Dân chủ. Ông nói “Chúng ta sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Tôi tin chắc là như vậy!”

Trong các chương trình ngày chủ nhật, các thủ lĩnh của phe Dân chủ vẫn khẳng định họ sẽ giữ được đa số ghế tại Quốc hội.

Tuy nhiên, niềm lạc quan đó không được xác nhận khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phe Cộng hòa vượt lên trên từ 6 đến 10 điểm.

Trả lời phỏng vấn trên kênh Foxnews, bà Sarah Palin đã dự báo về một thắng lợi vang dội của đảng Cộng hòa. Bà nói: “Đây sẽ là một trận địa chấn. Thông điệp gửi đến cánh tả là họ đã thất bại và nước Mỹ đã thức tỉnh, phương cách duy nhất để vực dậy đất nước đó là phải có một chính phủ gọn nhẹ hơn nhưng có năng lực nhiều hơn”.

Tổng Thống Obama nói với cả Dân chủ lẫn Cộng hòa: “Tôi biết chúng ta đang ở vào những ngày cuối của cuộc vận động tranh cử. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy các ngôn từ nóng nảy. Ðó là chính trị! Nhưng khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất, chúng ta cần gác lại tinh thần đảng phái, dù kết quả có thắng, có thua hay hòa. Kết quả cuộc bầu cử như thế nào chăng nữa, đã đến lúc nên chấm dứt tình trạng làm việc theo tinh thần đảng phái”.

Từ góc độ người quan sát, chúng ta thấy có hai kinh nghiệm gần như thành quy luật trong chính trường hay thay đổi của nước Mỹ.

Thứ nhất là đảng của vị tổng thống đương nhiệm thường mất bớt ghế ở quốc hội trong các cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ. Đơn giản là vì cử tri Mỹ vốn là những người “đã trưởng thành”, họ rất giỏi món “đối trọng và cân bằng quyền lực” giữa hành pháp và lập pháp.

Thứ hai, khi kinh tế trì trệ thì hầu hết các vị dân biểu đương nhiệm đều khó được cử tri bầu lại, đặc biệt là những người thuộc đảng nắm quyền. Căn cứ vào hai kinh nghiệm này thì nếu các ứng cử viên Dân chủ “phơi áo” trong trận chung kết lần này thì không có gì lạ!

Cử tri bỏ đảng Dân chủ thì chính là vì những thành quả kinh tế còn khiêm tốn của chính quyền Obama. Những đại biểu đương nhiệm mất ghế thế nào cũng sẽ than thân trách phận họ là nạn nhân của sự hiểu lầm.

Thật ra theo đúng định nghĩa thì nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu thoát ra khỏi cơn suy thoái rồi. Suy thoái tức là số lượng sản xuất cả nước (GDP) giảm, mà “cái sự giảm” này này đã diễn ra từ hồi cuối năm 2007. Còn từ giữa năm 2009, GDP nước Mỹ đã bắt đầu tăng dần dần. Dựa vào các số thống kê về sản lượng thì trên nguyên tắc kinh tế đã hồi phục .

Nhưng người dân bình thường không xem trọng thống kê. Họ chỉ nhìn vào túi tiền của chính họ. Khi những người thất nghiệp chưa tìm được việc làm, những người có việc làm thì vẫn đang lo trả nợ chứ chưa dám tính chuyện tiêu pha, do đó ai cũng thấy kinh tế vẫn còn trì trệ.

Cuộc suy thoái thực ra là bắt nguồn từ những chính sách thời tổng thống Gorges W. Bush nắm quyền, nhưng khi kinh tế hiện nay vẫn chưa hết bê bết thì cử tri chỉ biết Tổng Thống Obama là người phải chịu trách nhiệm, vì ông đã nắm quyền được gần 2 năm nay.

Ai thắng ai trong đấu trường?

Những lá phiếu trước hết nhằm vào thay đổi động lực vận hành nền chính trị ở Mỹ. Đảng Dân chủ chắc chắn sẽ mất đi khả năng áp đặt của đa số lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện. Còn ở Hạ viện, bất luận kết quả ra sao, cánh Dân chủ sẽ mất khả năng thông qua các đạo luật theo ý muốn chủ quan của lãnh đạo Dân chủ.

Thay đổi quyền kiểm soát tại Hạ viện cũng có nghĩa là chấm dứt 4 năm trong chức vụ Chủ tịch của bà Nancy Pelosi. Người thay thế bà có nhiều phần chắc là ông John Boehner, trưởng khối Cộng hòa hiện nay. Ông này đã tuyên bố là sẽ đảo ngược các chính sách mà ông gọi là chi tiêu thả cửa, kéo thêm nợ nần của Tổng thống Obama.

Nếu đảng Cộng hòa thắng áp đảo ở cả hai viện, họ vẫn không thể nào có được lá phiếu “number one”, đó là “lá phiếu phủ quyết” của Tổng thống để định rõ thắng bại mỗi khi có tranh chấp ngang ngửa. Nghĩa là phe Cộng hòa cũng không thể lập pháp đơn phương.

Rồi đây, nếu bất cứ đạo luật nào được thông qua, đó sẽ là kết quả “mặc cả” giữa Tổng thống và các lãnh đạo của Cộng hòa trong quốc hội.

Khi nhìn lại những khó khăn mà Tổng thống Obama gặp phải lúc ông thông qua luật về cải cách y tế, khi Dân chủ đang chiếm đa số tại cả hai viện, thì rõ ràng là từ nay, Tổng thống càng rất cần sự đồng thuận của đảng Cộng hòa.

Chương trình lập pháp trong hai năm tới của Obama hoặc sẽ bị tắc nghẽn, hoặc sẽ phải lựa chọn một ưu tiên nghị sự rất khác với chương trình chúng ta đã thấy trong hai năm đầu tiên.

Sự đảo chiều lần này cũng không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử gần đây của chính trường Mỹ. Đảo chiều trong vị thế của hai đảng tại bầu cử giữa nhiệm kỳ đã xảy ra với Ronald Reagan và Bill Clinton. Kết quả lần này, vì vậy, không có nghĩa là Obama đã hết cơ hộ để tái cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai!

Có điều là, muốn giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vòng hai để giữ ghế, ông Obama sẽ phải điều khiển nước Mỹ theo một phương cách khác với hai năm vừa rồi. Điều này đồng nghĩa với một thực tế: Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 phải được bắt đầu ngay từ ngày mai, 3/11.

Với các tín chỉ tương đối thấp sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Obama từ nay dễ bị thương tổn hơn. Vì vậy, tranh thủ sự ủng hộ của đảng Cộng hòa càng trở nên rất cần thiết để vận hành cỗ máy lãnh đạo. Khó khăn tới đây của Obama là ông không còn nhiều thời gian để sắp xếp lại nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Thay lời kết

Nếu kết quả bầu cử đúng như thăm dò dư luận thì chúng ta sẽ thấy một thế quân bình chính trị mới, ít nhất là cho đến năm 2012, trong đó đảng Dân chủ vẫn giữ Nhà Trắng, đảng Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện. Ở Thượng viện, hai bên có thể có số phiếu ngang ngửa nhau.

Trong tình thế này khó mà vạch được chính xác hướng đi của nước Mỹ trong vài năm tới.

Có thể hai phe sẽ có thiện chí dung hòa quan điểm, chính sách cấp tiến mạnh tay của Tổng thống Obama sẽ thuyên giảm cường độ, đồng thời cánh bảo thủ trong đảng Cộng hòa cũng bớt cứng rắn để đạt được thỏa thuận với chính quyền. Đây là kịch bản tối ưu và cũng là niềm hy vọng của mọi người.

Nhưng cũng có thể hai bên vẫn giữ vững lập trường, hay tệ hơn, lại có quyết tâm “nâng quan điểm” lên mạnh hơn, do áp lực của các khối cực đoan từ tả đến hữu.

Nếu như vậy thì dĩ nhiên chính quyền sẽ đi vào bế tắc, hành pháp không làm được gì, trong khi lập pháp không ra được những luật mới, tương tự như trong hai năm cuối trào của tổng thống Bush.

Một trường hợp thứ ba là tổng thống Obama sẽ theo gương ông Clinton, tách ra khỏi khối Dân chủ để tạo nên một thế “tam đầu chế” mới, với tổng thống “trung dung” đứng trên hai đảng tả hữu. Trường hợp này khó xảy ra vì thực tế tổng thống Obama chính là người cương quyết nhất, không giống như Clinton tương đối ôn hòa hơn.

Vào thời điểm này rất khó xác quyết sẽ có hợp tác hay bế tắc vì cả hai bên vừa mới hung hãn chỉ trích nhau rất mạnh, chưa có triệu chứng ôn hòa hay thiện chí hợp tác ngay vào lúc này.

Tuy nhiên, có thể dự đoán: với sự bất mãn chống chính sách của tổng thống Obama phản ánh qua thất bại của đảng Dân chủ và sự lớn mạnh mau chóng của khuynh hướng bảo thủ, nhất là sự “trỗi dậy” đáng ngạc nhiên của phong trào “Tea Party”, nước Mỹ nói chung sẽ có điều chỉnh, và đường lối cấp tiến mạnh bạo của tổng thống Obama sẽ bị chậm lại nhiều.

  • TS Đinh Hoàng Thắng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,