- Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật tố cáo được các ĐBQH thảo luận tại tổ chiều nay (11/11) là người dân có thể gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, điện thoại và fax.
Tuy nhiên, nhiều ĐB băn khoăn cách thức xác minh tên họ và địa chỉ của người tố cáo trong những trường hợp này. "Nếu không có cơ chế xác minh thì các tố cáo gửi qua các hình thức này cũng không khác gì tố cáo nặc danh" là nhận định chung của đa số ĐB.
Bên cạnh đó, giải trình của cả ban soạn thảo và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật tố cáo về việc không chấp nhận các đơn thư không có tên họ, địa chỉ người tố cáo chưa thuyết phục được tất cả các ĐBQH, nhất là khi trong thực tế, tình trạng tố cáo nặc danh vẫn diễn ra phổ biến.
Quá dễ cho cơ quan chức năng
Thảo luận tại tổ Hà Nội, hầu hết các ĐB đồng tình với việc đơn thư tố cáo phải đầy đủ tên họ, địa chỉ của người tố cáo vì tố cáo là việc lớn, hệ trọng, liên quan đến danh dự và uy tín của người bị tố cáo. Điều này cũng là để đảm bảo người tố cáo chịu trách nhiệm với nội dung trong đơn thư của mình, hạn chế tình trạng cứ đến kỳ bầu cử, thay đổi nhân sự là có một "làn sóng tố cáo" như ĐB Chu Sơn Hà nói.
ĐB Đặng Huyền Thái: Có ai không lo ngại khi tố cáo lãnh đạo, thủ trưởng của mình? Ảnh: TC
Riêng ĐB Đặng Huyền Thái cho rằng quy định như trong dự luật chưa phù hợp thực tế, chưa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Bà đặt câu hỏi: "Có ai, cả người dân và các ĐBQH, không lo ngại khi tố cáo lãnh đạo, thủ trưởng của mình?". Chưa nói đến chuyện bị trả thù, trù úm thì ngay khi đứng lên tố cáo, công việc và cuộc sống của người tố cáo đã bị ảnh hưởng ngay rồi.
Bà e ngại nếu không xem xét những tố cáo "nặc danh", nguy cơ bỏ sót tội là rất cao, trong khi tỉ lệ tố cáo "nặc danh" có nội dung đúng cũng không thấp. Nếu quy định cứ "nặc danh" là không xem xét thì "quá dễ, quá nhẹ" cho các cơ quan chức năng, bà Thái nhận định.
Tại đoàn TP.HCM, ĐB Trần Du Lịch cũng thấy "những lý lẽ đưa ra trong dự Luật không thuyết phục". Ông phân tích: "Một đơn nặc danh nhưng nêu sự việc cụ thể, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra, xác minh so với một đơn ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung chỉ toàn ’nghe nói’, ’hình như’, không có chứng cứ gì cụ thể, thì cái nào tốt hơn?"
Trong khi cơ chế bảo vệ người tố cáo còn chưa hiệu quả thì rất cần nghiêm túc xem xét các đơn thư "nặc danh" nhưng tố cáo sự việc cụ thể, rõ ràng, ông nói. Còn để hạn chế việc tố cáo sai, mượn quyền tố cáo để vu khống, bôi nhọ như nhiều ĐB khác lo ngại, thì phải có quy định, chế tài, biện pháp thật cụ thể để xử lý, không thể lơ lửng, mơ hồ.
Theo ông Lịch, "cách tốt nhất là quy định rõ tiêu chí một đơn tố cáo phải đầy đủ những điều kiện gì để cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm xem xét".
Lòng vòng, kéo dài: ai chịu trách nhiệm?
Đối lập với việc tố cáo "nặc danh", ĐB Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) lại thấy một tình trạng bức xúc không kém là "tố cáo ghi rõ tên họ, nhiều người cùng ký", gây áp lực không cần thiết lên các cơ quan chức năng. Ông Nhâm cho rằng luật nên quy định rõ ràng việc không khuyến khích những đơn tố cáo ký tên nhiều người.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn thấy cần làm rõ để người dân hiểu rằng đơn chỉ cần một chữ ký là đủ để cơ quan chức năng xem xét. Bà Khánh nhận định hiện tượng này cho thấy người dân còn thiếu tin tưởng vào cơ quan nhà nước nên có tâm lý "cậy đông" để tạo sức ép. Vì vậy, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết tố cáo của nhân dân, bà Khánh nói.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: Ngọc Thắng |
Bên cạnh đơn tố cáo nhiều người ký, các đại biểu cũng nêu hiện tượng một đơn tố cáo gửi đến nhiều nơi. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng chính vì giải quyết tố cáo của dân không rốt ráo, không đến nơi đến chốn, nên dân phải gửi đến nhiều địa chỉ. "Thậm chí biết thừa gửi đến nhiều địa chỉ để rồi bị lòng vòng nhưng người ta vẫn làm theo cách như thế", ông Hưng nói.
Vậy mà trước thực trạng "có những người dân phải theo kiện cả đời", theo cách nói của ông Hải, vẫn chưa thấy người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm vì giải quyết tố cáo chậm.
Một nguyên nhân khác dẫn tới việc đơn thư tố cáo của người dân bị lòng vòng, kéo dài là hiện tượng "song trùng quản lý", theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội). Ông Hà phân tích không ít người bị tố cáo vừa là cán bộ trong bộ máy hành chính, vừa là đảng viên, không phân rõ trách nhiệm xem xét của cấp ủy và cơ quan quản lý nhà nước, khiến người tố cáo không biết đâu là đầu mối để đưa đơn.
ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) thấy "thời gian qua, người tố cáo bị trù dập, quyền lợi bị thiệt thòi, ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mà đến cả gia đình". ĐB Lê Thanh Bình (TP.HCM) còn cho biết thực tế ở TP.HCM, nhiều người tố cáo còn bị hành xử theo kiểu xã hội đen. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) thì nêu ví dụ thực tế trong đó công an địa phương trả lời người tố cáo rằng "không có bằng chứng về sự đe dọa, người tố cáo chỉ là công dân bình thường, không cần bảo vệ". Các đại biểu đều cảm thấy "chưa an tâm" với những điều khoản quy định còn chung chung trong dự thảo luật. Dành hẳn một chương cho vấn đề này nhưng dự luật vẫn chưa chỉ rõ cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, mức độ, phạm vi bảo vệ đến đâu, khi họ phát sinh nhu cầu đi lại hoặc thay đổi công việc thì bảo vệ ra sao... Ông Vũ Hồng Anh e "quy định thế này không bảo đảm trong việc bảo vệ người dân", còn theo ĐB Huỳnh Phước Long, dù người tố cáo yêu cầu hay không yêu cầu, họ vẫn phải được "bảo vệ tuyệt đối". Thủy Chung - Xuân Linh