- Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trở lại Hà Nội trong lịch trình hoạt động khá khít với cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gặp gỡ các cựu quan chức, khách mời và gần 600 sinh viên Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao sáng nay (14/11).
Việt Nam: “vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”
Đây là lần thứ hai ông trở lại Việt Nam trên cương vị cựu Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Qũy Clinton - một Qũy có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam - kể từ chuyến thăm cuối 2006.
Cựu Tổng thống Bill Clinton xuất hiện tại khuôn viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Trường Sơn |
Tiếp nối sau chuyến thăm Hà Nội 2 lần trong vòng 3 tháng của Ngoại trưởng Hillary Clinton vừa qua, sự trở lại Việt Nam của cựu Tổng thống Bill Clinton đã luôn được kỳ vọng như làm đầy đặn, trọn vẹn một cách có ý nghĩa đối với năm 2010, năm đặc biệt kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Cách đây 15 năm, ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên đưa ra quyết định lịch sử, khép lại quá khứ đau buồn của chiến tranh giữa hai cựu thù Việt - Mỹ bằng quyết định bình thường hóa quan hệ song phương, bước đi tiếp theo ngay sau việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam.
Khuôn viên trường Đại học Ngoại thương rực rỡ biểu ngữ chào mừng của các sinh viên. Họ đến từ sáng sớm, mang theo máy ảnh cá nhân và luôn gọi ông là “Tổng thống Bill Clinton” bằng sự yêu mến, kính trọng.
Cũng như trong bài phát biểu với sinh viên tại đây, cựu Tổng thống Mỹ nói 15 năm bình thường hóa quan hệ song phương, hai nước đã làm nhiều việc để “hàn gắn vết thương, tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau” cho một khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước sau quá khứ chiến tranh.
Ông nhắc lại cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ vừa qua ở New York, cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và kỷ niệm 15 bình thường hóa quan hệ, ông vui mừng khi cả hai thành viên của gia đình đều trở lại Việt Nam trong năm nay ở những vai trò đóng góp khác nhau cho tiến trình phát triển quan hệ Mỹ - Việt, vinh danh thành quả hợp tác kinh tế, đối tác, hữu nghị 15 năm qua giữa hai nước.
Cựu Tổng thống Bill Clinton : hai nước đã làm nhiều việc để “hàn gắn vết thương, tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”. Ảnh: Trường Sơn |
15 năm qua, lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Mỹ đã thực hiện 5 chuyến thăm chính thức tới hai nước và đưa ra Tuyên bố chung nhất trí xây dựng khuôn khổ quan hệ “Đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi” |
3 dấu mốc hợp tác đặc biệt được ông nhắc tới đó là 15 năm bình thường hóa quan hệ, 10 năm kể từ khi hai nước ký Hiệp định Thương mại đầu tiên (BTA) và 5 năm Qũy Clinton chính thức hợp tác với Việt Nam trong hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS và ứng phó biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đã cùng làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, nhân quyền, hợp tác an ninh, rà phá, làm sạch bom mìn, giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh… Tất cả được cùng làm để giúp hàn gắn vết thương, tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”.
Ông nhắc lại những buổi đầu của giai đoạn nỗ lực bình thường hóa quan hệ, những nỗ lực đóng góp của nhiều cá nhân như thượng nghị sĩ John Mc Cain, John Kerry, vai trò của cựu Đại sứ Mỹ đầu tiên Pete Peterson trong buổi đầu quan hệ….
Thành quả của nỗ lực hợp tác được cựu Tổng thống nhấn mạnh, đó là sau Hiệp định Thương mại (BTA) đầu tiên, thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng nhanh chóng, Mỹ trở thành một trong những bạn hàng xuất khẩu lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường Đại học Mỹ, xếp thứ 8 trong số các nước quốc tế có sinh viên theo học tại Mỹ…
Kể từ năm 2005, Quỹ Clinton do ông sáng lập đã trực tiếp hỗ trợ hoàn thiện hệ thống chăm sóc điều trị HIV/AIDS và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.
“Đất nước và người dân nơi đây giữ một ví trị đặc biệt trong trái tim tôi”. Ảnh: Trường Sơn |
Sáng kiến Tiếp cận y tế - Quỹ Clinton đã cung cấp thuốc ARV và sinh phẩm chẩn đoán sớm DNA PCR cho hàng nghìn trẻ nhỏ trên toàn quốc. Quỹ cũng đang triển khai Sáng kiến Biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chi Minh.
Trở lại Việt Nam, cùng chứng kiến những đổi thay trong quan hệ giữa hai nước vốn đã “đi rất xa” kể từ những khó khăn của buổi ban đầu bình thường hóa quan hệ, cựu Tổng thống Bill Clinton xúc động kể lại những kỷ niệm gắn bó với Việt Nam, gửi gắm những kỳ vọng về tương lai quan hệ Mỹ - Việt, chia sẻ ước mơ, năng lượng nhiệt huyết đối với các bạn trẻ sinh viên Việt Nam trong việc làm nên những điều khác biệt trong bối cảnh toàn cầu mới với những thách thức, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm.
“Đất nước và người dân nơi đây giữ một ví trị đặc biệt trong trái tim tôi”, ông nói và bày tỏ ở vị trí “công dân”, ông vẫn sẽ tiếp tục những nỗ lực vun đắp cho nền tảng quan hệ hai nước vững chắc hơn như ông đã từng nỗ lực trong vai trò Tổng thống Mỹ trước đây.
Thương mại Việt - Mỹ đạt trên 15 tỉ USD, tăng gấp hơn 30 lần so với trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng hóa Việt Nam và hiện trở thành 1 trong 6 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn cam kết trên 15 tỉ USD. |
Coi trọng hợp tác với Hoa Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp cựu Tổng thống Bill Clinton sau đó tại Văn phòng Chính phủ đã đánh giá cao và cảm ơn sự hỗ trợ của cá nhân cựu Tổng thống Clinton trong quá trình bình thường hoá và thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, cảm ơn tấm lòng và sự hỗ trợ nhân đạo mà ông Clinton và Quỹ Clinton đã dành cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn hợp tác thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới.
Ông đồng thời đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong việc hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề khắc phục hậu quả chất độc da cam, rà phá bom mìn...
Ông Bill Clinton bày tỏ cảm kích trước lòng hiếu khách của người dân Việt Nam đã dành cho ông và ấn tượng sâu sắc về những đổi thay mạnh mẽ ở Việt Nam mà ông chứng kiến kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2005.
Ông khẳng định Quỹ Clinton sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động trợ giúp Việt Nam trong thời gian tới tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS, nhất là đối tượng trẻ em, đồng thời mở rộng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực Mekong.
-
Xuân Linh