- Chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại thế giới, các vấn đề được Hội nghị thượng đỉnh G20 đưa ra sẽ có tác động lớn đối với việc điều hành nền kinh tế thế giới.
Ra đời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh G20 bàn thảo vấn đề liên quan đến sự phối hợp trong chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô.
Là sự tiếp nối của các hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trước đó, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul (11-12/11) đưa vào chương trình nghị sự 3 vấn đề lớn: sự hợp tác trong chính sách kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới;, cải tổ hệ thống điều tiết tài chính quốc tế và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế.
Ảnh: Reuters
Giảm bất đồng?
Đánh giá cao những sự phối hợp trong chính sách kinh tế vĩ mô giữa các nước trong thời gian qua, tuy nhiên, giữa các nền kinh tế lớn trong G20 hiện vẫn tồn tại một số bất đồng xung quanh việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô.
Hội nghị thượng đỉnh lần này ở Seoul được kỳ vọng sẽ làm giảm những bất đồng giữa các nền kinh tế lớn nhằm tránh một “cuộc chiến tranh tiền tệ” giữa các nước này.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương diễn ra tại Hàn Quốc trong các ngày 22 và 23/10 đã diễn ra trong bối cảnh khá căng thẳng khi một số nước thành viên G20 chỉ trích lẫn nhau.
Đề xuất của Mỹ đưa ra giới hạn thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai ở mức 4% GDP, bị coi là nhằm vào Trung Quốc, đã không được một số nước hưởng ứng.
Theo Cao ủy của EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ, ông Olli Rehn, “EU ủng hộ việc thiết lập các tiêu chí liên quan đến mất cân đối trong thưong mại thế giới nhưng việc ấn định các mục tiêu được số hóa cụ thể có thể sẽ phản tác dụng”.
Theo Mỹ, một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Brazil bị chỉ trích đang cố gắng giảm giá trị đồng tiền của họ để hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu, gián tiếp làm gia tăng thâm hụt thương mại của nhiều nước. Theo đó, hệ quả là sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới nói chung.
Ngược lại, Mỹ cũng bị Trung Quốc và Đức chỉ trích khi vì lợi ích kinh tế của mình đã “bơm” quá nhiều tiền vào thị trường tiền tệ thế giới, gián tiếp gây mất cân bằng hệ thống tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, nếu tại Hội nghị Washington, các nước G20 đã không thành công trong việc giải toả những căng thẳng liên quan đến các chính sách tỷ giá và tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại thì tại Hội nghị ngày 22 và 23 vừa qua, họ đã cam kết “thúc đẩy hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định”.
Các nước G20 cũng đã cam kết theo đuổi một chính sách nhằm giảm sự mất cân đối thái quá trong trao đổi thương mại và cố gắng duy trì mức thâm hụt thương mại ở mức “có thể chấp nhận được”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, “đây là lần đầu tiên các nền kinh tế G20 thừa nhận việc mất cân đối thái quá trong trao đổi thương mại có thể đe dọa sự tăng trưởng và sự ổn định tài chính phải là mục tiêu trong việc điều chỉnh chính sách của các nước G20”.
Cải tổ
Các nước đều thống nhất được một điều, với những gì diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua thì việc tiếp tục cải tổ hệ thống điều tiết tài chính quốc tế là việc làm cần thiết.
Đây được coi là một cuộc cải tổ được chờ đợi từ rất lâu và là một thay đổi thực sự trong việc cân bằng cán cân quyền lực giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, kể các các nước mới nổi.
Việc tăng cường tính minh bạch, tính trách nhiệm của nền công nghiệp tài chính là cách duy nhất để lấy lại niềm tin từ công chúng. Những quy định quốc tế về mức vốn riêng của các ngân hàng đang được xây dựng và sẽ được thực hiện từ nay đến cuối năm 2012 (theo quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Toronto).
Theo sự ủy nhiệm của G20, Diễn đàn ổn định tài chính sẽ tiếp tục xây dựng các chuẩn mực cho các hệ thống ngân hàng có nhiều nguy cơ nhất. Hội nghị thượng đỉnh Seoul sẽ kiểm tra tiến độ của công tác này và xác định các lộ trình tiếp theo.
Cùng với cải tổ hệ thống điều tiết tài chính quốc tế, yêu cầu cải tổ Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã được đặt ra từ lâu. Các nền kinh tế mới nổi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới tỏ ra không chấp nhận vị trí hiện tại của họ tại IMF. Việc tăng thêm quyền cho các nước này là việc làm cần thiết.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương trước đó, các nước G20 đã nhất trí về kế hoạch cải tổ IMF. Theo đó, 6% quota - hạn ngạch đóng góp tài chính và đi kèm với nó là quyền bỏ phiếu - sẽ được chuyển cho các nước năng động nhất như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu hiện nắm giữ 9/24 ghế tại Hội đồng quản trị IMF sẽ nhường lại 2 ghế.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan phát biểu trước báo giới: "Tuy ở đâu đó ở mỗi nước chúng ta vẫn thấy những điểm yếu và thiếu nhưng nhóm G20 và Hội nghị thượng đỉnh G20 đã cho thấy niềm tin vào khả năng giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu thông qua những hợp tác mang tính hòa bình, hợp lý giữa các nước phát triển và đang phát triển. Điểm này cũng là điểm quan trọng nhất, ý nghĩa quan trọng nhất của hội nghị G20 tại Seoul".
Tuy nhiên, khả năng về một cuộc cải tổ thực sự và hóa giải những bất đồng trong G20 vẫn còn để ngỏ.
-
Việt Thành