- Nói về tham nhũng trong giáo dục, hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TS. Bùi Trân Phượng nhận định: "Không thể sạch một cách tuyệt đối, không nên ảo tưởng có đơn vị vô trùng trong một môi trường nhiễm trùng".
Trở về từ hội nghị chống tham nhũng quốc tế diễn ra tuần trước ở Thái Lan, TS Bùi Trân Phượng chia sẻ về một dự án đang được triển khai tại trường Hoa Sen, nhằm khôi phục thể diện của người thầy.
Làm sao "sạch" tuyệt đối?
- Bà bắt đầu nghĩ về việc phải chống tham nhũng trong giáo dục, phải xây dựng ngôi trường "sạch" từ khi nào?
"Muốn có sự thay đổi toàn diện, vững chắc, phải 2 chiều, phải có ý chí của cấp lãnh đạo". |
Thực ra, một nền giáo dục trung thực là ý nghĩa mà TS. Trần Hà Nam đã chọn cho trường từ buổi đầu thành lập khi lấy tên Hoa Sen.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhà trường ngày càng quy mô lớn, lai luôn là trường tự chủ về tài chính nên nguồn tài chính không lớn, càng cần quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực.
Còn nhắc đến chống tham nhũng, nói thành thật là tôi khá bất ngờ khi được mời tham gia hội thảo tham nhũng trong giáo dục cuối tháng 5 vừa qua. Trước đó, tham nhũng giáo dục là đề tài "cấm kỵ" không ai nói tới, dù ai cũng hiểu tham nhũng đã lan rộng, ăn sâu trong giáo dục.
Bản thân tôi với tư cách phụ huynh đã "đồng lõa" với tham nhũng như đa số phụ huynh để hai con của mình được học trường tốt, không bị thua thiệt với bạn bè. Mình đồng lõa, nhưng mình cứ ém xuống để không phải thừa nhận, nên khi được khơi nguồn thì nó chảy rất ào ạt.
Sau hội thảo đó tôi nhận thức ra rằng, chống tham nhũng trong giáo dục không thể là công việc của một người, một trường, mà cần được tổ chức khoa học hơn, chặt chẽ và lý trí hơn, có tính hệ thống hơn.
- Bà có tự tin rằng trường Hoa Sen "sạch" không?
Không thể sạch một cách tuyệt đối, không nên ảo tưởng có đơn vị vô trùng trong một môi trường rất nhiễm trùng. Nhưng ý thức phòng chống tham nhũng ở trường Hoa Sen là rất rõ ràng, mạnh mẽ, nhất quán, khi có sự việc xảy ra thì xử lý nghiêm minh từ cấp lãnh đạo cao nhất đến cả người bảo vệ. Những trường hợp kê giá cao lên khi mua hàng để hưởng chênh lệch, nếu bị phát hiện bao giờ tôi cũng xử rất nặng, nhẹ nhất cũng là cảnh cáo trước toàn trường. Có một câu chuyện cụ thể tôi muốn chia sẻ. Hồi đó có một vị lãnh đạo trường rất nghiêm khắc, thầy yêu cầu mọi người đều phải trình thẻ sinh viên mỗi khi vào trường. Thấy nhiều bạn tái phạm nhiều lần, thầy quyết định yêu cầu đóng tiền phạt, tất nhiên số tiền rất thấp, và vì chưa có kinh nghiệm nên trường chỉ để chiếc thùng bằng kính ở ngay lối vào, để người bảo vệ trông giữ thôi. Sau đó chúng tôi phát hiện người bảo vệ đã rút tiền từ trong thùng, số tiền không lớn nhưng đó là tham nhũng. Dù không phải tất cả đều đồng tình với cách xử lý của tôi khi cho rằng họ chỉ là bảo vệ, tôi cũng hiểu cách để tiền như vậy "không an toàn" cho người bảo vệ, nhưng tôi vẫn cho người bảo vệ đó nghỉ việc. Sau này có người nói lại rằng đã thấy chú bảo vệ lấy tiền nhưng thương chú nên không nói, tôi đã trách người đó lẽ ra phải nhắc chú từ đầu, bởi ban đầu chú sẽ không dám lấy nhiều, nhưng mình lại bỏ qua nghĩa là dung dưỡng cho hành vi sai trái đó.
- Đó mới chỉ là khi bị phát hiện tham nhũng? Chỉ mới chống, chứ chưa phòng?
Đúng thế, cách làm của tôi lúc trước chỉ thực hiện được khi có sự cương quyết của lãnh đạo nhà trường, nhiều người không hoàn toàn chia sẻ vì cho rằng tôi khắc nghiệt.
Vừa rồi trường Hoa Sen công khai một cách có hệ thống 7 giá trị mà nhà trường đồng tâm theo đuổi, trong đó có sự trung thực và sự liêm chính. Chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ FACE (For a clean education: Cho một nền giáo dục sạch) với mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các nước, khơi dậy lòng tự trọng của người trong ngành giáo dục, khôi phục niềm tin rằng chống tham nhũng là điều có thể, cũng có mơ ước khôi phục thể diện của nhà giáo nữa.
Tất nhiên, như tôi đã nói, đây không thể là công việc đơn độc của trường Hoa Sen. Việc tiếp cận và thuyết phục các trường khác cùng tham gia không phải dễ, nhưng gần đây tôi đã gặp được sự đồng cảm của anh Phạm Văn Luân, đồng nghiệp ở trường cao đẳng Bến Tre, người đã đệ trình dự án chống tham nhũng trong giáo dục. Chúng tôi sẽ kết hợp, vận động khoảng 10 trường cùng chia sẻ mục đích, chương trình hành động chống tham nhũng.
TS Bùi Trân Phượng rất ấn tượng với triển lãm thể hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước chủ nhà Thái Lan. |
- Nhưng cam kết là một chuyện, thực hiện nó mới khó?
Chúng tôi vì giá trị trung thực sẽ không nói cao hơn, xa hơn cái mình làm được. Khi lập ra FACE, cam kết trước hết là xây dựng, bảo vệ môi trường giáo dục trong sạch trong nội bộ trường mình. Nói thế nào nhỉ? Vĩ mô là chuyện cấp vĩ mô, trước hết là dọn dẹp sạch nhà của mình. Thay vì nguyền rủa bóng tối thì thắp lên một ngọn nến. Tôi có một ví dụ làm rõ ý đó. Khi mới sáng lập thì FACE chỉ có 7, 8 thành viên thôi. Sau một cuộc họp bàn, chúng tôi quyết định mở rộng ra kết nạp hội viên đại diện nhiều phòng ban của nhà trường. Tôi có gợi ý mỗi phòng ban chọn một người. Sau đó tôi được nghe kể một nhân viên đã từ chối không dám tham gia, lý do là "vì em có con đi học nên em cũng phải chạy trường cho con", sau đó phòng ban đó phải cử một người trẻ, chưa bị ràng buộc gì. Tới đây tôi sẽ giải thích trong buổi ra mắt CLB FACE, rằng chúng ta không cam kết những điều không khả thi. Tôi sẽ giải thích cho chị nhân viên đó cũng như cho toàn trường rằng, tôi chỉ cần họ cam kết sẽ không có hành vi bất chính khi thi hành nhiệm vụ trong trường Hoa Sen thôi. Tất nhiên bước tiếp theo sẽ vận động để mọi người từ chối việc hối lộ để con mình có kết quả cao hơn cái nó xứng đáng nhận chẳng hạn. Phải thay đổi từng bước thôi. Hãy hành động Đúng là tham nhũng trong giáo dục là hệ quả của tham nhũng trong xã hội. Sở dĩ nhiều người thờ ơ, tự chấp nhận mình bất lực, đầu hàng không đấu tranh chống tham nhũng trong giáo dục vì họ thấy rằng tham nhũng trong các lĩnh vực khác còn liên quan đến những khoản tiền kếch sù. Nhưng tại sao mình bắt đầu trong giáo dục? Trước hết vì mình đang làm giáo dục, thứ nữa là tham nhũng trong giáo dục quá nghiêm trọng vì liên quan đến tất thảy mọi người nên không ai mạnh dạn chống, nên nếu chúng ta làm được thì sẽ khôi phục niềm tin rằng chống tham nhũng là điều có thể. Chưa kể, giáo dục là đào tạo thế hệ trẻ, những công dân của tương lai, trong đó biết đâu sẽ có những lãnh đạo tương lai? Nếu họ đã trải nghiệm một môi trường sạch thì mình có thể hy vọng tạo dựng cho họ nhân cách lành mạch trong xã hội Các bạn sinh viên có chạnh lòng khi xã hội cho rằng cứ sinh viên là phải mua điểm, chạy bằng không? Các thầy cô có chấp nhận khi xã hội cho rằng cứ giáo viên là nhận tiền không? Cái tên FACE còn có nghĩa là khôi phục thể diện, bộ mặt của người thầy, của học sinh, của gia đình, của cộng đồng. Cao hơn nữa là khôi phục diện mạo người Việt Nam trước thế giới. Phải khơi dậy ý chí đó trong từng con người của tổ chức. Tôi không dám nói môi trường của chúng tôi đã hoàn toàn trong sạch, nhưng chúng tôi có ý chí giữ gìn, bảo vệ sự trong sạch. - Bà có cho rằng, chỉ khi có ý chí chính trị mạnh mẽ thì mới có sự cộng hưởng? Tất nhiên, việc chống tham nhũng từ dưới lên là rất cần thiết, nhưng không làm giảm đi tính chất quan trọng, quyết định của chống tham nhũng từ trên xuống. Muốn có sự thay đổi toàn diện, vững chắc, phải 2 chiều, phải có ý chí của cấp lãnh đạo. Nếu chúng ta là một cá nhân, một tập thể nhỏ thì không thể là hiệp sĩ cứu rỗi toàn cầu, nhưng ở cương vị của mình thì hãy làm hết trách nhiệm công dân của mình. Nếu ngày càng nhiều người dân có ý thức rõ ràng về quyền, trách nhiệm của họ thì sẽ tạo ra áp lực xã hội để người lãnh đạo không thể không quan tâm đến, không thể trơ ỳ trước áp lực xã hội được. Mình đang trách nhà nước nói mà không làm, thì trước hết mình hãy hành động. Chỉ có hành động của mỗi người mới thay đổi xã hội. Khánh Linh