- Tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội chiều nay (1/11), Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã phải nhắc lại câu hỏi "việc tổ chức lễ hội thời gian qua có lãng phí không?", nhưng trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh vẫn chưa trả lời thấu đáo.
>> Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Nói chi cho Đại lễ 10% GDP là không có căn cứ"
Không ai nghĩ đến lợi nhuận
Bộ trưởng nhấn mạnh "ngành Văn hoá - Thể thao - Du lịch coi việc đóng góp cho đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một vinh dự lớn chứ không phải thông qua hoạt động đó để có lợi ích gì, ngoài lợi ích tinh thần là đem những gì tốt nhất để cống hiến, biểu hiện tấm lòng đối với đất nước".
Trước những "thông tin trên mạng" cho rằng Đại lễ tiêu tốn đến 4.000 - 5.000 tỉ đồng, ông Tuấn Anh khẳng định "điều này hoàn toàn không phải".
Ông cam đoan rằng riêng ngành VH-TT-DL, trực tiếp tổ chức mít tinh, diễu binh, diễu hành, "không ai nghĩ rằng có cái gì đó để thu lại lợi nhuận".
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Tất cả hoạt động từ đầu năm đến giờ so với dự toán mới là 57,5%. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Từ đầu năm nay, ngoài Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ còn được giao tổ chức kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 120 năm ngày sinh Chủ tịch HCM, 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ông Tuấn Anh cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin về chi phí cho các hoạt động này, cụ thể "tất cả các hoạt động từ đầu năm đến giờ so với dự toán mới là 57,5%, tại thời điểm báo cáo xuất chi là 88 tỉ đồng".
Còn chi phí của các bộ khác cũng như các địa phương, ông cho rằng các bộ và địa phương phải tổng hợp lên cho Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cung cấp thêm thông tin rằng "các địa phương, các đơn vị đã tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành 2 tháng trời, các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên luyện tập đến 2-3 giờ sáng rất nhiệt tình" trong khi "chi tiêu cho mỗi người do Bộ Tài chính quy định chỉ có 25.000 đồng/buổi, sơ duyệt là 35.000 đồng, tổng duyệt 50.000 đồng/buổi".
Ông cho biết "nói như vậy là để khẳng định hoàn toàn không có việc gì "ẩn nấp" đằng sau, chúng tôi cũng hết sức tiết kiệm".
Bộ trưởng nói thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng, khoảng một chục hoạt động đã bị cắt, tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng. Ông kể: "Thủ tướng khi họp với thành phố Hà Nội, các Bộ VH-TT-DL, Công an, Quân đội đã yêu cầu xem xét lại quy mô mức độ như thế nào cho vừa phải, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vừa nối lại truyền thống nhưng cũng nhớ là đồng bào ta hiện nay đang hết sức khó khăn, phải làm sao thiết thực hiệu quả".
Ngoài ra, Thủ tưởng còn yêu cầu các địa phương có tổ chức hưởng ứng thì tự lấy kinh phí của địa phương hoặc huy động xã hội hoá, Bộ trưởng cho biết.
Lễ hội: Sẽ chấn chỉnh tiêu cực
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói khá nhiều về tác dụng của Đại lễ nghìn năm đối với hình ảnh đất nước và ngành du lịch, nhưng Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Kiên chưa hài lòng, ông yêu cầu Bộ trưởng "trả lời rộng ra là công tác tổ chức lễ hội nói chung thời gian qua có lãng phí không, chứ không chỉ tập trung vào Đại lễ với những công việc cụ thể mà Bộ được giao".
Ông Tuấn Anh cho biết, qua lắng nghe ý kiến của các ĐBQH và thảo luận với địa phương, ngành ông sẽ cho tổ chức các lễ hội văn hoá, thể thao, du lịch 4-5 năm một lần thay vì 2 năm như trước kia. Các ngày kỷ niệm lớn bao gồm ngày thành lập Đảng, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng được thống nhất là 10 năm mới tổ chức một lần.
Theo ông Bộ trưởng, sau khi có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, lễ hội ở một số địa phương sẽ được tổ chức với quy mô vừa phải, nhưng cũng không thể không tổ chức vì đó là sinh hoạt đời sống và nhu cầu tất yếu của nhân dân.
Trước băn khoăn của dư luận về những biểu hiện tiêu cực trong các lễ hội dân gian ở các địa phương thời gian vừa qua, ông Tuấn Anh chỉ nói: "Sắp tới đây, chuẩn bị đến mùa lễ hội, Bộ VH-TT-DL cùng với địa phương sẽ chấn chỉnh những tiêu cực này".
- Thủy Chung