- "Chính phủ cần nghiêm túc lắng nghe, rà soát lại các tập đoàn và rà soát tư cách các ông đứng đầu tập đoàn", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nói.
Sáng nay (3/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách và phương án phân bổ năm 2011.
Xem lại chi tiêu của tập đoàn
Vinashin và những món nợ khổng lồ nghiễm nhiên được các đại biểu nhắc tới như một bài học cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc giám sát thu chi, sử dụng hiệu quả và minh bạch đồng vốn ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thẳng thắn: Hàng năm, hai lần, chúng ta ngồi tại đây để nói về ngân sách nhà nước mà ít nói đến bối cảnh ta phải chi trong khủng hoảng kinh tế quốc tế. Không nên vì những con số cụ thể mà đưa ra lời bình.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: Chỉ chi mà không bàn việc tiêu... Ảnh: Hoàng Long
“Chúng ta chi, nhưng không rõ tiêu kiểu gì. Ít thấy địa phương báo cáo nào cho biết, ngân sách chi cho rồi thì tỉnh tôi tiêu như thế nào. Chúng ta chỉ chi mà không bàn việc tiêu nên nhiều năm, vẫn thấy chi không minh bạch”.
Theo ông Đào, đó cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội không hiểu Vinashin nợ 86.000 tỷ đồng là mất vốn Nhà nước hay không, hay còn đó mặt bằng, đất đai. Họ rơi vào khoảng trống quản lý tài chính, ngân sách.
Ông Đào bày tỏ: “Tôi không đồng ý khi có đại biểu đổ lỗi cho Thủ tướng, cho Chính phủ trong vấn đề Vinashin. Đã có đại biểu nào trước khi nói mà đến thăm Vinashin, xem tập đoàn này hoạt động thế nào hay chưa?".
Theo ông, Chính phủ cần lắng nghe, rà soát một cách nghiêm túc nhất các tập đoàn và rà soát lại tư cách các ông đứng đầu Tập đoàn, để họ phải biết, họ đang dùng tài sản mồ hôi nước mắt của nhân dân, chứ không phải tự tung tự tác.
Bên cạnh đó, cần tạo một hành lang pháp lý minh bạch cho tập đoàn hoạt động.
Nhiều nghịch lý trong thu chi ngân sách đã được các đại biểu chỉ ra. Đại biểu Nguyễn Văn Ba, tỉnh Khánh Hòa đặt vấn đề: “Đang có tình trạng tất cả dự án đều kêu thiếu vốn. Hôm qua, từ Bộ Công Thương, Giao thông - Vận tải… đều kêu thiếu vốn. Thậm chí, cả nước thiếu điện thì nói là thiếu vốn. Chúng ta là người phân bổ ngân sách, tại sao lại xảy ra tình trạng thiếu vốn? Do chúng ta phân bổ chi không đúng, hay còn lý do nào?”.
Ông Ba đề nghị "nên đình chỉ tất cả các khoản chi mang tính chất kinh doanh, cho những tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ kinh tế đơn thuần, để dành đầu tư cho công trình đang làm dang dở, đặc biệt là công trình hạ tầng”.
Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đang nằm chờ 3 -5 năm, thậm chí 10 năm là do thiếu vốn.
Giảm bội chi bắt đầu từ giảm hội họp
Đại biểu Phan Văn Vĩnh (Nam Định) cho rằng, những tồn tại trong sử dụng ngân sách được khắc phục chậm, ngân sách phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia… nhiều dàn trải, khiến cho năm nào cũng tăng bội chi.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Nhiều đại biểu đang đề nghị giảm bớt hội họp đi. Anh em ở xã rất ngại họp, sợ họp vì họp nhiều quá, anh em còn không đủ tiền đi họp”.
Ông Vĩnh cũng đề nghị phân bổ ngân sách không dàn trải, hạn chế công trình đầu tư bị kéo dài, là sự lãng phí. Có địa phương xây dựng trường học 78 tỷ đồng, chỉ 2 năm là xong, nhưng có công trình Nhà nước lại kéo dài cả chục năm.
Bên cạnh đó, vấn đề giảm áp lực bội chi, áp lực nợ công được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Hầu hết, các đại biểu sáng nay đều cho rằng, cần giảm bội chi về mức dưới 5%.
Riêng về nợ công, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhắc lại ý kiến trước tại họp Thường vụ Quốc hội, đề nghị làm rõ nợ công bao nhiêu là an toàn, vì hiện nay, lúc thì nói là 30%, 50%, rồi lại 60%.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn về bội chi, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho biết, ngân sách chi kỳ này sẽ rành mạch, thể hiện rõ ở tờ trình của Chính phủ. Ngân sách khoảng 25 tỷ USD mà phải chi cho tất cả các thứ, lĩnh vực nào cũng đòi tăng chi.
Năm 2011, sẽ sắp xếp lại theo hướng chi nhiều cho an sinh xã hội, còn chi đầu tư sẽ theo nhiều hướng khác nhau. Về nhu cầu chi, sẽ đưa ra một số tiêu chí mới, điều chỉnh hệ số để đảm bảo điều hành hợp lý, có nhiều nguồn thu hơn, vượt thu khá hơn.
-
Phạm Huyền