- Không ngoài dự đoán, phiên thảo luận kinh tế - xã hội toàn thể sáng nay (1/11) được truyền hình trực tiếp đã trở thành cuộc "truy" trách nhiệm quyết liệt, dồn dập của các ĐBQH liên quan đến vụ Vinashin.
Đề xuất lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm
Thường phát biểu gần như cuối cùng ở các phiên thảo luận, nhưng riêng lần này, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết bấm nút khá sớm và đề xuất của ông ngay sau đó đã nhận được sự cộng hưởng của nhiều đại biểu khác.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Không thể nhận trách nhiệm chung chung |
Vị Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng QH nói, vụ Vinashin đã trút lên vai đồng bào mình món nợ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh có thu khoảng 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, không ăn uống, xây dựng gì trong suốt một thế kỷ mới có thể trả được. Còn với đồng bào nhiều nơi, nhất là tỉnh nghèo thì để trả món nợ này có nghĩa là chậm làm đường, xây cầu, công trình, xây trường học, bệnh viện.
Sai phạm trong chỉ đạo điều hành đã rõ nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp, đó là ngoài lãnh đạo Vinashin, còn ai có trách nhiệm.
Theo ông, "các thành viên Chính phủ cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội là cơ quan đại diện của người dân bầu ra mình chứ không thể nhận trách nhiệm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là xong".
Nhắc lại vụ án Lã Thị Kim Oanh vì thất thoát 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân đã phải xin từ chức và hai Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa, ông Thuyết kết luận: "Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh như vậy nhưng phóng đại gấp 1.000 lần".
Ủy ban Tư pháp nói có dấu hiệu bao che, nhưng ai bao che, bao che thế nào, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm gì thì Ủy ban chưa có điều kiện kết luận. Nếu QH không làm rõ được điều này thì không hoàn thành trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
"Căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, tôi trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH biểu quyết để QH lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm thành viên Chính phủ khi để xảy ra sai phạm ở Vinashin. Cuối kỳ họp QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị QH tạm đình chỉ chức vụ các vị có liên quan", ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.
ĐB Lê Văn Cuông: Phải giải quyết dứt điểm mọi chuyện ngay tại kỳ họp Quốc hội này |
Đồng tình với đề xuất này, ĐB QH Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) khẳng định, mọi chuyện phải được giải quyết dứt điểm ngay kỳ họp QH này. Ông Cuông nhẩm tính, mỗi người dân Việt Nam phải gánh cho Vinashin 1,5 triệu đồng trả nợ.
QH cũng phải chịu trách nhiệm
Đề xuất của ĐB Thuyết nhận được sự tán đồng của các ĐB như Lê Văn Cuông, Phạm Thị Loan, Huỳnh Ngọc Đáng...
Nhiều ĐB thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm "liên đới" của chính Quốc hội vì đã dung dưỡng tình trạng sai phạm quá lâu và không kịp thời "lấp" lỗ hổng pháp lý.
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nhận định, Thủ tướng đang trực tiếp quản lý 19 tập đoàn, các tổng công ty 91, "bận trăm công nghìn việc nhưng sao Thủ tướng vẫn cứ phải quản lý các doanh nghiệp lớn như vậy".
ĐB Phạm Thị Loan: Những người làm sai phải có lời xin lỗi nhân dân |
Theo ĐB Loan, những người làm sai phải có lời xin lỗi với nhân dân để nhân dân còn có niềm tin.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại cho rằng lấy lý do Vinashin hoạt động trong tình trạng chưa có khuôn khổ pháp lý là chưa hợp lẽ vì mọi thể chế đều do con người đặt ra. "Chúng tôi quan tâm đến hậu Vinashin và tân Vinashin. Khắc phục sai phạm như thế nào, những cá nhân và tập thể có liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm ra sao? Đề nghị QH có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này".
Đặt trách nhiệm quá nặng lên vai Chính phủ là chưa hợp lý
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga có cách nhìn toàn diện hơn khi phân tích cơ sở pháp lý của việc thí điểm và lập tập đoàn.
Bà Nga nói: "Chúng tôi hoan nghênh những cố gắng của Thủ tướng và Chính phủ trong thời gian qua, nhất là việc Chính phủ kịp thời tái cơ cấu Vinashin. Việc sai phạm của Vinashin vừa qua có trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội. Chủ trương của Đảng về lập tập đoàn là phù hợp quốc tế và bước đi thận trọng. Thí điểm nên phạm vi hẹp, thành công mới làm diện rộng. Mô hình tập đoàn rất phức tạp. Những nước lập tập đoàn không phải nước nào cũng thành công".
Theo bà Nga, tuy thí điểm nhưng các tập đoàn đều được thành lập chính thức, là chủ thể quan trọng nên lẽ ra phải thể chế hóa hoạt động cả về mô hình tổ chức, địa vị pháp lý.
ĐB Lê Thị Nga: Nên kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động các tập đoàn còn lại, nhất là EVN |
Nhưng từ 2005 ngay giai đoạn đầu tiên thí điểm lập tập đoàn, chúng ta đã bỏ qua bước thể chế này mà chỉ dùng các quyết định mang tính lẻ tẻ, đến 2009 Chính phủ mới ban hành Nghị định. Như vậy 4 năm sau ngày thành lập ta mới có hành lang pháp lý ở tầm Nghị định cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế này.
"Nhiều luật gia cho rằng, việc thí điểm liên quan đến hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn nhà nước mà về mặt pháp luật, ngay từ đầu không ràng buộc trách nhiệm QH với thiết chế quyền lực nhà nước cao nhất để chia sẻ trách nhiệm mà chỉ đặt trách nhiệm quá nặng nề lên vai Chính phủ là chưa thật sự hợp lý", bà Nga phân tích.
Theo bà Nga, cử tri đặt câu hỏi Quốc hội khóa 11, 12 có trách nhiệm gì trong việc thành lập các tập đoàn, nắm giữ những nguồn lực kinh tế lớn của đất nước. Để bây giờ khi xác định trách nhiệm trong Vinashin và các tập đoàn khác thì phải chăng QH chỉ còn trách nhiệm của cơ quan giám sát?
Ngoài ra, QH cũng có phần trách nhiệm khi xác định khâu quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu có nhiều bất cập và lúng túng. Ngay lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư nói cũng khó khăn khi làm việc với tập đoàn vì không có cơ sở pháp lý.
"Từ 2005, Chính phủ chưa kịp thời đề xuất Quốc hội sửa luật, nhưng chúng ta là cơ quan giám sát cũng chưa chủ động để khắc phục", bà Nga nói.
Để chia sẻ trách nhiệm hai bên, bà Nga kiến nghị, nên kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động các tập đoàn còn lại, nhất là Tập đoàn Điện lực (EVN). Đồng thời, phải sửa luật để tạo hành lang pháp lý. Chính phủ hàng năm báo cáo vốn nhà nước tại DNNN.
Đồng thời, sớm báo cáo mô hình SCIC và kết quả thực hiện nghị quyết của QH về giám sát tập đoàn.
Thiếu điện: EVN phải giải trình trước QH
Từ Vinashin, các ĐB tiếp tục đặt câu hỏi về điều hành, quản lý các tập đoàn kinh tế hiện nay, đặc biệt EVN.
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng, hơn 10 năm qua, năm nào cũng thiếu điện, điện đang là bức tranh ảm đạm, nay ngành điện đã phải cung cấp điện giữa mùa mưa, cử tri nói các vị đừng tranh luận nữa mà hãy làm đi cho dân nhờ. "Kỳ họp này nên yêu cầu lãnh đạo EVN phải đến báo cáo và giải trình trước QH để tìm giải pháp", ông Đáng nói.
Từng chất vấn quyết liệt chuyện thiếu điện, lần này, ĐB Lê Văn Cuông tiếp tục nêu kiến nghị, EVN là doanh nghiệp độc quyền sản xuất, nhiều năm qua là con cưng của nền kinh tế, khi có thành tích thì vơ vào, thử hỏi vai trò đầu tàu ở đâu khi mà thiếu điện triền miên nhưng cứ hứa tới hứa lui.
"Để thiếu điện nhiều năm liên tục, ai là người chịu trách nhiệm chính, cần báo cáo trước QH để có gì vướng mắc thì cùng tháo gỡ", ông Cuông nói. Bà Phạm Thị Loan cũng khẩn thiết yêu cầu làm rõ trách nhiệm của EVN khi họ có tiền để đầu tư chứng khoán, tài chính, có hàng ngàn tỷ đồng thưởng Tết nhân viên, hà cớ gì không có tiền đầu tư các dự án điện và liên tục đòi tăng giá.
Phía dưới hội trường, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng ngồi chống cằm trầm ngâm.
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sẽ kéo dài hết ngày mai (2/11).
-
Lê Nhung - Ảnh: Hoàng Long