221
6722
Chống tham nhũng
chongthamnhung
/chinhtri/chongthamnhung/
824172
Cải cách hành chính để chống tham nhũng
1
Article
null
Cải cách hành chính để chống tham nhũng
,

Tái cơ cấu bộ máy và lực lượng công chức hành chính, cải cách chính sách và hệ thống tiền lương, công khai hóa thu nhập. Đây là các nhiệm vụ cơ bản của cải cách hành chính nhằm tạo môi trường chống tham nhũng ở nước ta.

 

 

Soạn: AM 850473 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Thủ tục hành chính rườm rà là lực cản lớn đến phát triển kinh tế. Ảnh: VG
Trước tiên, tôi xin cám ơn bài trả lời phỏng vấn với tiêu đề "Giảm nửa số công chức để chống tham nhũng“ của TS Lê Kiên Thành trên VietNamNet. Những ý kiến của ông chính là cảm hứng ban đầu giúp tôi hâm nóng lại nhiệt tình tham dự vào diễn đàn cải cách hành chính và chống tham nhũng ở nước ta. Trong bài của mình tôi cũng xin trao đổi tiếp về hai vấn đề cơ bản mà ông Thành đặt ra, đó là:
 

1. Tái cơ cấu bộ máy và lực lượng công chức hành chính, ông Thành gọi là "giảm số người ăn lương“.


2. Cải cách chính sách và hệ thống tiền lương, theo TS Lê Kiên Thành gọi là "Tăng lương“ và đa dạng hóa về loại và thang bậc lương.

 
Tái cơ cấu bộ máy và lực lượng công chức hành chính


Cũng như ông Thành và nhiều người khác, tôi tin rằng đây là vấn đề trung tâm của cải cách hành chính ở nước ta và đây chính là biên pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu "giảm một nửa số người ăn lương“ theo như cách nói nôm na của ông Thành.

 

 Để thực hiện tái cơ cấu bộ máy và lực lượng công chức hành chính, theo tôi cần thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:
 

"Giảm nửa số công chức để chống tham nhũng"

...Cái khó là làm sao chúng ta có một “đầu lọc” tốt để chọn ra những người thực sự làm việc có hiệu quả để giữ lại và trả lương không những để họ đủ sống mà còn tâm huyết và nguyện cống hiến hết khả năng của mình. Những người ra khỏi hệ thống công chức vẫn phải trả lương cho họ cao hơn mức đủ sống. Tôi cho đây là sự hi sinh cần thiết để chúng ta có một bộ máy hành chính mạnh và sạch....

Thứ nhất là cải cách triệt để quan hệ giữa bộ máy hành chính nhà nước và các tổ chức chính  trị xã hội. Cần làm rõ những người làm việc chuyên trách trong bộ máy tổ chức chính trị xã hội có phải là công chức hay viên chức hành chính nhà nước? Nếu xác định không mang tính quản lý nhà nước thì việc thanh toán chi phí hoạt động dành cho bộ máy quản lý của các tổ chức này cần lấy từ nguồn thu khác không lấy từ ngân sách  nhà nước. Ngân sách nhà nước chỉ trả lương cho các đảng viên, đoàn viên, hội viên là công chức bầu cử hay chuyên nghiệp hoạt động trong Quốc Hội (HĐND), Chính phủ (UBND), và Tòa án các cấp.
 
Thứ hai là doanh nghiệp hóa các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội như trường học, trường nghề, cơ sở khám chữa bệnh, đài phát thanh truyền hình, báo chí nhà nước. Người lao động trong các cơ sở này không còn là công chức hay viên chức nhà nước nữa mà thực hiện chế độ như lao động trong các doanh nghiệp. Việc nhà nước duy trì một mạng lưới trường học, bệnh viện công, phát thanh truyền hình đồng nghĩa với việc duy trì mạng lưới doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước, hoạt động theo luật doanh nghiệp, để cung ứng các dịch vụ xã hội chứ không phải là duy trì một hình thái tổ chức không ra doanh nghiệp không ra nhà nước như hiện nay. Việc thực hiện chính sách xã hội đối với giáo dục và y tế được thực hiện trực tiếp giữa chính phủ và người dân qua hệ thống trợ cấp xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng tuyệt đối không thông qua các cơ sở cung ứng dịch vụ xã hội như hiện nay nữa.


Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh việc tinh giảm bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Ví dụ, có thể ghép chung Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giáo dục & Đào tạo làm một cơ quan; hoặc là giải thể Bộ Kế hoạch Đầu tư và đưa trả các chức năng hiện nay của Bộ Kế hoạch Đầu tư về Văn phòng Chính Phủ, Bộ Tài Chính và các bộ chuyên ngành khác; phục hồi mô hình Bộ Văn hóa -Thể Thao và Thanh Niên như trước kia...


Thứ tư là rà soát lại các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội bắt buộc (thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng...) để giảm thiểu số lượng các đối tượng lĩnh trợ cấp thường xuyên dưới dạng lương từ ngân sách, khuyến khích nhằm gia tăng số lượng các đối tượng nhận trợ cấp một lần.


Thứ năm là tiếp tục tinh giảm số lượng quân nhân và sĩ quan quân đội và công an nhân dân.

 
Nếu thực hiện quyết liệt và triệt để 5 nhiệm vụ trên, có lẽ lượng công chức hưởng lương trực tiếp từ ngân sách nhà nước sẽ giảm được từ 1/2 đến 2/3 như yêu cầu của ông Thành. Nhưng có lẽ sẽ không có ai phải hy sinh như ông Thành yêu cầu mà chỉ đơn giản là sắp xếp lại bộ máy, tổ chức lại lực lượng và định danh lại cho các loại hình nhân lực trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công và các tổ chức chính trị xã hội. Theo tôi, các công việc trên có thể thực hiện theo đúng thứ tự ưu tiên từ 1 đến 5.


Cải cách chính sách và hệ thống tiền lương


Việc này không kém phần quan trọng và chính là chìa khóa thành công của công cuộc  đấu tranh chống tham nhũng. Ông Thành có nói nguyên nhân cơ bản của hiện tượng "người người hối lộ, nhà nhà tham nhũng“ đó là kẽ hở của luật pháp. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến tính bất hợp lý của hệ thống và chính sách tiền lương. Theo tôi, đây mới là vấn đề cơ bản cần phải giải quyết bên cạnh việc cải cách tư pháp. Có thể khẳng định, chính sách tiền lương bất hợp lý là ngọn nguồn của đại dịch tham nhũng, ăn cắp và lãng phí của công ở nước ta hiện nay.

 

Trong dân gian có câu "bắt phạm pháp thì hết nhân dân, bắt tham ô thì không còn cán bộ“. Việc một ông bác sĩ với hơn 20 năm kinh nghiệm nhận mức lương và các khoản phụ cấp khác không quá 1,8 triệu đồng một tháng hay một sĩ quan cảnh sát giao thông nhận mức lương khoảng 1,2 triệu đồng một tháng như hiện nay trong khi chỉ riêng tiền điện thoại để phục vụ cho công việc của họ cũng hết khoảng 150 đến 200 ngàn đồng/tháng, tiền học hành của một đứa con cũng hết 200-300 ngàn đồng/tháng thì họ không tìm cách tham nhũng hay ăn cắp mới là điều lạ lùng. Khi mức lương bình quân của công chức ở thành phố lớn hiện nay mới là 1,4 triệu đồng/tháng thì việc họ không cố tình bày vẽ ra các hoạt động để lấy thêm tiền từ ngân sách cho nhu cầu cá nhân mới là lạ.


Việc cả xã hội hồn nhiên chấp nhận người công chức nói riêng và lao động nói chung có thu nhập từ các nguồn phi pháp (tham nhũng, ăn cắp) có thể nói là điều đáng sợ nhất. Tham nhũng và ăn cắp, hay nói cách khác là các giá trị phi đạo đức đang được mặc nhiên chấp nhận như là chuẩn mực đạo đức thông thường trong đời sống xã hội ta. 


Như vậy, cải cách chính sách và hệ thống tiền lương là nhiệm vụ cấp bách nhất trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần xây dựng lại hệ thống phân loại, thang bậc và mức lương của công chức, viên chức hành chính như sau:
 

Thứ nhất: Xây dựng riêng hệ thống thang bậc lương dành cho các công chức bầu cử theo nhiệm kỳ (do Quốc hội và hội đồng nhân dân bầu).
 

Thứ hai: Xây dựng riêng hệ thống thang bậc lương dành cho các viên chức chuyên nghiệp theo hợp đồng trong các cơ quan nhà nước.
 

Thứ ba: Mức lương tối thiểu của viên chức và công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương luôn cần phải đảm bảo đủ để nuôi sống bản thân và một người phụ thuộc trong độ tuổi đi học và có thể dành ra để tiết kiệm theo mức sống bình quân tại địa phương có giá sinh hoạt cao nhất nước. Thực hiện điều này để khuyến khích nhân lực có trình độ cao về làm công chức, viên chức tại các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa.
 

Công khai hóa thu nhập của công chức và viên chức


Có một câu hỏi mà bây giờ hình như không nhiều người muốn hỏi, vì câu trả lời quá rõ về bản chất, nhưng lại không rõ về pháp luật, đó là "Tại sao ông Bí thư A, ông chủ tịch B, ông Giám đốc Sở C lương không quá 3 triệu một tháng mà ông xây hết nhà này, biệt thự kia, mua hết xe máy này ô tô kia, con ông đi du học Anh Quốc, Hoa Kỳ, vợ ông đi thẩm mỹ viện như đi chợ?“. Đây chính là yêu cầu bức bách đòi hỏi cần phải công khai hóa thu nhập của công chức và viên chức nhà nước. Theo tôi, có 3 nhiệm vụ cơ bản cần được thực hiện để công khai hóa thu nhập của công chức hành chính như sau:


Thứ nhất: Tất cả các công chức bầu cử đều có nghĩa vụ công khai mức và nguồn thu nhập hàng năm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được vào bất kỳ lúc nào.


Thứ hai: Tất cả các mức lương, bậc lương, thang lương và hệ số lương cho các chức danh được hưởng lương từ ngân sách trong các cơ quan hành chính nhà nước cần phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được vào bất kỳ lúc nào.


Thứ ba: Lương và các thu nhập từ ngân sách cần được chi trả thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng.
 

Trước mắt, cần công khai thu nhập năm 2005 và 2006 của các vị lãnh đạo. Áp dụng trước trong năm 2006 việc trả lương qua tài khoản ngân hàng cho các chức danh công chức bầu cử từ cấp tỉnh trở lên. Việc áp dụng thí điểm trả lương hưu qua tài khoản ở TP HCM cho thấy rằng việc này là hoàn toàn khả thi.


Cuối cùng, tôi xin được cám ơn ông Lê Kiên Thành vì tác động tích cực của bài trả lời phỏng vấn của ông đã giúp tôi hâm nóng lại nhiệt tình để tham gia vào diễn đàn cải cách hành chính và chống tham nhũng. Chúc ông mạnh khỏe, tiếp tục làm tốt công việc hữu ích của một doanh nhân, người tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, và tạo nên động lực phát triển cho nền kinh tế, tạo tiền đề vật chất để gìn giữ và phát triển những giá trị đạo đức, tinh thần của xã hội. 

  • Khuất Việt Hùng, Darmstadt, CHLB Đức 

    Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,