Sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển
(VietNamNet) - Đúng 8h30 sáng nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng cộng sản Việt Nam - Đại hội của ý chí và nguyện vọng của toàn dân - đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội sẽ diễn ra từ 18 đến 25/4.
>> Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khoá IX
>> Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành TW khóa 9
>> Đại hội của Đảng và Ước vọng của Dân
>> Đại hội Đảng X đi vào thực chất hơn
>> Mọi ánh mắt đều hướng về Đại hội Đảng
>> Kì vọng của người dân vào ĐH Đảng X
Lễ khai mạc Đại hội (ảnh: Phạm Tuấn) |
Sáng nay, những người dân Hà Nội dường như dậy sớm hơn; cờ đỏ tung bay trên đường phố, công sở, và các ngôi nhà. Mọi người cố thu xếp thời gian, đến công sở thật sớm hoặc thật muộn, để theo dõi lễ Khai mạc Đại hội Đảng được tường thuật trực tiếp trên truyền hình.
Đúng 8h30, bài hát Quốc tế ca vang lên từ các máy thu hình khắp nơi, các cơ quan và các gia đình.
Tại Hội trường, ngay sau Lễ chào cờ là lời đề dẫn khai mạc của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Phan Diễn.
Đoàn Chủ tịch của Đại hội gồm có các vị: Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Phan Diễn, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, Phạm Văn Trà, Trương Quang Được, Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Văn Chi, Phạm Thế Duyệt, Hà Thị Khiết, Cù Thị Hậu, Đào Ngọc Dung, Nguyễn Hữu Mai, Trần Hanh, Ivêng, Đặng Vũ Minh, Đinh Huy.
Dự Đại hội có các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Đại hội triệu tập 1.180 đại biểu chính thức, gồm 146 đại biểu đương nhiệm là các Ủy viên Trung ương khóa IX theo qui định của Điều lệ Đảng, 1.025 đại biểu do các đảng bộ trực thuộc Trung ương bầu và 9 đại biểu được chỉ định, hoạt động ở các đảng bộ ngoài nước.
Dự Đại hội có 1.176 đại biểu chính thức do 2 trường hợp là đại biểu xin rút khỏi danh sách đại biểu đã được Bộ Chính trị đồng ý, 1 trường hợp bị bác tư cách đại biểu, và một đại biểu bị ốm không tham dự được.
Trên hàng ghế đầu tiên, nhìn từ phải qua trái là các vị lão thành cách mạng, các đồng chí đã từng trải qua các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Quân đội... như Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Sau lời đề dẫn của ông Phan Diễn là diễn văn khai mạc Đại hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đọc.
Trong diễn văn khai mạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mark - Lê nin ''mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng VN, là tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc. ''Tư tưởng đó dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước. Là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng VN, là sức mạnh tập hợp đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau''.
Toàn cảnh Lễ khai mạc |
''Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm và đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu, những yếu khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005, chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010 và nhìn lại 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm định ra phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới 2006-2010, phương hướng nhiệm vụ xây dựng Đảng, bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng, bầu BCH TW Đảng khoá X thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, về đạo đức cách mạng, có đủ năng lực lãnh đạo, thực hiện thắng lợi Đại hội X''.
''Đặc biệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới''.
''Đại hội X nêu cao ý chí sắt đá của toàn Đảng toàn dân, toàn quân đưa đất nước ta sớm ra khỏi tình trạng nước kém phát triển vươn lên trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng ta nhất định làm hết sức mình cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng văn minh, vững bước đi lên CHXH, sánh vai với các nước trên thế giới''.
Sau lời chào mừng của đại biểu thủ đô, Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước cám ơn những đóng góp quý báu của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đã góp ý cho Báo cáo Chính trị và các văn kiện trình Đại hội X. "Những đóng góp đó đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa IX tiếp thu và ghi nhận" - ông Khải khẳng định.
"Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển" -- đó là một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về các Văn kiện Đại hội X của Đảng do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày ngay sau đó.
Sau khi nêu những thành tựu kinh tế, xã hội mà toàn Đảng, toàn dân đã đạt được trong nhiệm kỳ qua của Đảng, bản báo cáo cũng chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém.
"Những khuyết điểm nói trên, trước hết thuộc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm của mình trước Đại hội và trước nhân dân" - Bản báo cáo ghi rõ.
Nội dung về chống tham nhũng của bản báo cáo được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm.
"Tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta".
Bản báo cáo chỉ rõ những biện pháp khắc phục, đó là: Khẩn trương và nghiêm chỉnh thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung, sửa đổi Luật khiếu nại và tố cáo. Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xử lý nghiêm những người bao che cho tham nhũng, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương và nhân rộng những gương cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư...
Bản báo cáo chỉ rõ những biện pháp để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có hai nội dung quan trọng được nhiều người cho là điểm đột phá, đó là:
- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra. Mọi cán bộ, đảng viên có quyền bàn bạc, tham gia quyết định công việc của Đảng, đồng thời có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết của Đảng. Lãnh đạo các cấp phải lắng nghe ý kiến của cấp dưới, của đảng viên và nhân dân. Xây dựng quy chế ra quyết định của Đảng, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể; hoàn thiện quy chế kiểm tra, giám sát trong Đảng; kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát của Nhà nước và giám sát của nhân dân.
- Đổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Sắp xếp, đổi mới tổ chức, bộ máy của Đảng, đặc biệt là các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ khối ở Trung ương và cấp uỷ các địa phương gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm tinh gọn, hoạt động thiết thực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu không rõ. Xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ, có cơ cấu hợp lý, chất lượng tốt, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế tiếp vững vàng. Có cơ chế, chính sách bảo đảm phát hiện, đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài, dù là đảng viên hay người ngoài Đảng. Cụ thể hoá, thể chế hoá nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, quan điểm, các nghị quyết; lãnh đạo thể chế hoá, cụ thể hoá thành Hiến pháp, pháp luật; bố trí đúng cán bộ và thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay Nhà nước; trái lại, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; đồng thời phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của Mặt trận và các đoàn thể trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của mình.
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng do ông Phan Diễn, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng đọc sau đó đã kết thúc phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X sáng 18.4.2004.
Chiều nay, Đại hội tiếp tục chương trình nghị sự: thảo luận tại từng đoàn Đại biểu.
Về cơ cấu đại biểu, 11,5% là nữ, 13,2% là người dân tộc thiểu số, đại biểu dự Đại hội lần đầu chiếm 64,68%, có 0,5% số đại biểu dự liên tục 5 - 6 kỳ Đại hội. Đại biểu ở các Đảng bộ cấp huyện, quận, cơ sở chiếm 22,2%; ở các Đảng bộ tỉnh, thành phố 63%; các Đảng bộ cơ quan Trung ương 14,7%. |
Đặc biệt, Đại hội sẽ bàn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, gắn bó với mật thiết hơn với nhân dân, xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Đại hội sẽ xem xét sửa đổi một số điều của Điều lệ Đảng. Đại hội phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm trước Đảng trước nhân dân; bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X (nhiệm kỳ 2006-2010) đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh để lãnh đạo đất nước thoát khỏi một nước kém phát triển trở thành nước phát triển, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vững bước tiến lên CNXH.
Đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Đinh Huy, 30 tuổi, Huyện ủy viên, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện KBang - Gia Lai. Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đỗ Quang Hưng, 77 tuổi, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh. Về trình độ của đại biểu, 99,4% có trình độ trung học phổ thông, trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 94%, lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chính trị 96,5%. |
Một trong những nội dung Đại hội quan tâm là trao đổi, thảo luận vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ hàng đầu là phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả hơn, tạo chuyển biến cơ bản trong thời gian tới. Chống tham nhũng là một nội dung quan trọng nhưng không phải là nội dung duy nhất được trao đổi tại Đại hội.
Ưu tiên số một của Đại hội là xác định những định hướng chiến lược để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện hơn, đi vào chiều sâu, để công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra.
-
VietNamNet
Bạn kỳ vọng gì ở Đại hội Đảng và các đại biểu dự Đại hội Đảng X?