(VietNamNet) - Đây là con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố sau khi điều tra về thu nhập và mức sống của dân cư thời kỳ 1999-2002. Theo đó, sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và nghèo ngày càng gia tăng.
|
Số hộ nghèo ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khá cao. | |
|
Chênh lệch thu nhập giữa các vùng gia tăng
Tổng cục Thống kê đánh giá, trong năm 2001-2002, mức sống của các tầng lớp dân cư Việt Nam ở các vùng trên cả nước tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, mức độ cải thiện mức sống và kết quả đạt được về xoá đói giảm nghèo không cao bằng giai đoạn 1993-1999.
Trong năm 2001-2002, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng tính chung cả nước theo giá hiện hành đạt 356 nghìn đồng, tăng 20,6% so với năm 1999. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng ở khu vực thành thị đạt 622 nghìn đồng, tăng 18,4%; ở khu vực nông thôn đạt 275 nghìn đồng, tăng 22,3% so với năm 1999. Tuy nhiên, thu nhập của hộ gia đình thành thị vẫn cao hơn nhiều nông thôn. Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 1993, 1999 và 2001-2002 ở khu vực thành thị tương ứng gấp khu vực nông thôn 2,34; 2,30 và 2,26 lần.
Thu nhập bình quân 1 người 1 tháng ở 7 khu vực (Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long) đều tăng so với năm 1999, trừ Tây Nguyên giảm 30,4% do giá cà phê và một số hàng nông sản giảm mạnh, đồng thời do bị ảnh hưởng lớn về hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, thu nhập giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Số liệu từ năm 1994 đến 2002 cho thấy vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Đông Nam Bộ, gấp 2,5 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Tây Bắc.
Tổng cục Thống kê tính toán, nếu cho các hộ điều tra thành 10 nhóm thu nhập, mỗi nhóm 10% số hộ theo độ dốc đi lên của thu nhập bình quân đầu người, thì thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất có khoảng cách lớn và tăng theo các năm. Năm 1999, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất (nhóm 10) lớn gấp 12 lần nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1). Năm 2002 tỷ lệ này tăng lên 13,75 lần.
Hộ giàu chi cho giải trí gấp 95,4 lần hộ nghèo!
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả nước mức chi tiêu cho đời sống năm 2001-2002 bình quân 1 người 1 tháng theo giá hiện hành đạt 269 nghìn đồng, tăng 21,7% so với năm 1999, bình quân mỗi năm tăng 8,6%, cao hơn thời kỳ 1996-1999 (6,6%). Chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người 1 tháng ở khu vực nông thôn đạt 211 nghìn đồng, khu vực thành thị đạt 461 nghìn đồng (gấp 2,2 lần nông thôn).
So với năm 1999, chi tiêu cho đời sống của nhóm các hộ nghèo nhất (chia các hộ thành 5 nhóm theo mức thu nhập) tăng 14%, nhóm các hộ giàu nhất tăng 21,3%. Chi tiêu của nhóm các hộ giàu nhất năm 2001-2002 gấp 4,45 lần so với nhóm các hộ nghèo nhất (con số này năm 1999 là 4,18 lần).
Đáng lưu ý là chi tiêu cho giáo dục, đào tạo bình quân một người đi học một năm đạt 627 nghìn đồng, tăng 14,6% so với giai đoạn 1997-1998. Tuy nhiên, mức chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục có khác nhau giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng và các nhóm thu nhập.
Ở khu vực thành thị chi tiêu cho giáo dục bình quân 1 người đi học 1 năm đạt 1,255 triệu đồng, gấp 3 lần so với nông thôn. Chi tiêu cho giáo dục bình quân một người đi học trong năm của nhóm hộ nghèo nhất chỉ có 236 nghìn đồng, trong khi nhóm hộ giàu nhất là 1,418 triệu đồng, gấp 6 lần. Chi tiêu bình quân 1 người 1 năm cho giáo dục cao nhất ở miền Đông Nam Bộ (1,139 triệu đồng) và thấp nhất là vùng Tây Bắc (278 nghìn đồng).
Trong chi tiêu, tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống giảm nhưng còn ở mức cao. Chi tiêu cho ăn uống giảm từ 66% năm 1993 xuống còn 63% năm 1999 và 57% năm 2001-2002. Trong thành phần chi tiêu cũng thể hiện sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo.
Năm 2001-2002, chi tiêu cho ăn uống trong chi tiêu ở thành thị là 52%, trong khi ở nông thôn là 60%; của nhóm hộ giàu nhất là 50% trong khi nhóm hộ nghèo nhất là 70%. Nhóm các hộ giàu nhất có mức chi không phải ăn uống lớn gấp 7,5 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, trong đó chi về nhà ở, điện nước, vệ sinh gấp 10,4 lần; chi thiết bị và đồ dùng gia đình gấp 7,6 lần; chi y tế sức khoẻ gấp 4 lần; chi đi lại và bưu điện gấp 15,8 lần; chi giáo dục gấp 6 lần, chi văn hoá, thể thao, giải trí gấp... 95,4 lần.
Phân bố thu nhập đang "hướng" đến "bất bình đẳng vừa''
Năm 2001-2002, số giờ làm việc trung bình một tuần ở thành thị cao hơn nông thôn gần 10 giờ (40,5 giờ so với 30,6 giờ); số giờ làm việc trung bình của nhóm các hộ giàu nhất cao hơn nhóm các hộ nghèo nhất 17 giờ (42,4 giờ so với 25 giờ). Số liệu này thể hiện tình trạng thiếu việc làm đang diễn ra ở các hộ nghèo và ở khu vực nông thôn.
Cộng thêm yếu tố tiền công bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn khoảng 44% (số liệu điều tra năm 1998) là nguyên nhân dẫn đến thu nhập thấp và sự phân hoá giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các hộ giàu và nghèo.
Những năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục với tốc độ cao (hơn 7,5%), đồng thời, nhiều vùng, nhiều tầng lớp dân cư đã và đang được hưởng lợi từ các chính sách phát triển kinh tế xã hội, số hộ thoát nghèo tăng lên.
Tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới tính theo số liệu chi tiêu cả nước và các vùng năm 2001-2002 đều giảm. Năm 2001-2002 tỷ lệ nghèo cả nước là 28,9%, giảm so với mức 37,4% của năm 1997-1998. Trong đó tỷ lệ nghèo cao nhất là ở khu vực Tây Bắc từ 73,4% xuống còn 68%, khu vực Đông Bắc từ 62% xuống còn 38,4%, ở Tây Nguyên từ 52,4% xuống còn 51,8%.
Sự chênh lệch về mức sống và phân hoá giàu nghèo trong dân cư còn được nhận biết qua tiêu chuẩn ''40%'' của Ngân hàng Thế giới (WB). Qua đó xét tỷ trọng thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất trong tổng thu nhập của toàn bộ dân cư. Nếu tỷ trọng này dưới 12% là có sự bất bình đẳng cao về thu nhập; nằm trong khoảng 12-17% là có sự bất bình đẳng vừa; trên 17% là tương đối bình đẳng.
Tỷ trọng này ở Việt Nam tính theo số hộ là 20% năm 1994; 21,1% năm 1995; 20,97% năm 1996; 18,7% năm 1999 và 17,98% năm 2001-2002. Theo tiêu chuẩn này, Việt Nam phân bố thu nhập trong dân cư tương đối bình đẳng nhưng đang có xu hướng tăng lên mức bất bình đẳng vừa.
|