(VietNamNet) - Hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh của DNNN là cần thiết song nên tránh tư tưởng "cứ thấy độc quyền là phê phán". Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong buổi trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội sáng 11/5.
- Trong báo cáo sáng 11/5, Phó Thủ tướng có nói đến sự cần thiết phải hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh của DNNN. Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết, thưa Phó Thủ tướng?
|
PTT Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí. |
- Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng, độc quyền không hình thành một cách tự nhiên mà có quá trình lịch sử của nó. Nếu như trước đây, ta không có thép Thái Nguyên thì sẽ ra sao? Ai đầu tư phôi thép cho Việt Nam. Trong hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận, chúng ta không còn cách nào khác là tự lực cánh sinh. Khi trong nước bắt đầu sản xuất thì bước đầu phải do các doanh nghiệp Nhà nước.Còn khi đã ổn định thì chúng ta sẽ từng bước phải cổ phần hoá. Bưu chính viễn thông cũng vậy! Trước kia, ai có thể xây dựng cho chúng ta hệ thống bưu chính viễn thông hiện đại như thế này? Chúng ta phải tự lực làm lấy.Bưu chính viễn thông là một trong những ngành đầu tiên tiếp nhận công nghệ thông tin khu vực và thế giới. Và đây là ngành đầu tiên nhà nước giao cho doanh nghiệp tự gây dựng, tự chi trả và đến nay các dịch vụ viễn thông đã mở rộng ra nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng được tham gia vào lĩnh vực này. Với việc tham gia Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và sắp tới là Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta sẽ mở cửa thị trường này cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, muốn mở cửa và cạnh tranh được thì bản thân chúng ta phải mạnh lên. Vì thế, những gì chúng ta đã trải qua là những bước đi cần thiết.
Về viễn thông hiện có hai vấn đề. Một là phí kết nối và phí mạng đường truyền. Trong báo cáo của tôi trước Quốc hội lần này có một ý là đối với những loại hình cần phải có độc quyền Nhà nước thì phải sớm nghiên cứu tách khỏi các Tổng công ty kinh doanh trong lĩnh vực này, thực hiện cơ chế dịch vụ công ích. Tôi lấy ví dụ như, mạng phân phối đường trục và truyền tải điện, đường trục viễn thông. Chúng ta phải nghiên cứu để tách khỏi các Tổng công ty đang quản lý, thực hiện hạch toán theo cơ chế công ích. Cũng giống như đường cao tốc, Nhà nước đầu tư xây dựng và ai đi thì chúng ta thu phí.
- Có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp độc quyền (ví dụ như Tổng công ty Thép) đã không làm tròn trách nhiệm của mình, vì thế phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước độc quyền. Phó Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?
- Công bằng mà nói, các doanh nghiệp độc quyền có những mặt làm tốt và dĩ nhiên có những mặt chưa thực hiện tốt. Nhưng chúng ta cũng cần tránh tư tưởng hay gặp phải, đó là nỗi "ám ảnh" cứ nói đến độc quyền là phê phán. Tổng công ty Thép có công suất chiếm 20% tổng công suất thép của cả nước nhưng khi giá thép tăng, Tổng công ty đã bán ra thị trường 40%, tức là tăng gấp đôi công suất.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu một mạng lưới phân phối thép. Đây không chỉ là khuyết điểm của Tổng công ty Thép. Sản xuất cố gắng bán ra với mục đích là để ổn định thị trường nhưng sản phẩm lại tập trung trong tay một vài người. Những người này găm lại để chờ giá cao hơn. Rốt cục những người vốn làm nhiệm vụ lưu thông lại biến thành độc quyền. Trong khi đó, Tổng công ty Xi măng không những sản xuất mà có cả một hệ thống phân phối nên đã đảm bảo nhiệm vụ. Chính phủ đã nhận thức được vấn đề này và đã giao cho Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại quản lý sản xuất và tổ chức lại lưu thông.
- Trong báo cáo của Chính phủ có nói sẽ điều chuyển siêu lợi nhuận của các Tổng công ty độc quyền. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?
"Tôi cũng muốn lưu ý, trong quá trình thanh tra các doanh nghiệp, có những con số chưa phải là con số kết luận, cho nên khi chúng ta đưa tin cần hết sức thận trọng. Đưa tin phải khách quan, đúng sự thật, vừa đảm bảo được lợi ích quốc gia. Đưa cái gì không đúng, ảnh hưởng đến uy tín của một doanh nghiệp sẽ có hậu quả tai hại. Mặt khác, trong quá trình thanh tra cũng phải đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp".
(Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) |
- Cụ thể là phải hình thành lợi nhuận bình quân. Tức là không thể hạch toán giá thành để thu lợi nhuận cao trong khi ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Vấn đề này Chính phủ sẽ phải kiểm soát, từ hình thành giá thành C1, C2, V... thế nào để xác định giá bán cho hợp lý, chấp nhận được với nguyên tắc, giá đó không được cao hơn khu vực và thế giới. Chính phủ đã giao cho Ban Vật giá Chính phủ kiểm soát và xác định giá cả một số loại trước hết là với giá xi măng, điện...
- Thưa Phó Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về chi phí kinh doanh quá cao mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp chỉ đạo. Vậy xin Phó Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?
- Chính phủ đang hết sức quyết tâm làm giảm các loại chi phí này. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, mong muốn là một chuyện còn thực tế lại đòi hỏi phải có đầu tư và thời gian.
Trước hết là các chi phí dịch vụ. Về chi phí viễn thông, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện các biện pháp giảm giá đồng thời nâng cao chất lượng. Thứ hai, đúng là chi phí giao thông vận tải đường bộ và hàng hải vẫn còn rất cao do thiếu hệ thống đường cao tốc và cảng biển đáp ứng được tàu trọng tải lớn. Thí dụ, phần lớn các hàng hoá xuất khẩu sang Châu Âu, Châu Mỹ đều phải trung chuyển qua Singapore, từ đó đi xuống các tàu lớn. Còn các cảng của chúng ta chưa đáp ứng được các loại tàu lớn đến 60.000 hay 100.000 tấn. Ngay cảng Cái Lân gọi là cảng nước sâu cũng chỉ có tàu 3 chục ngàn tấn. Vì thế, muốn giảm chi phí loại này, Chính phủ đã chỉ đạo gấp rút xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Cảng đó phải đảm bảo cho tàu vào có thể đưa hàng qua Việt Nam đến các cảng trên thế giới với trọng lượng lớn. Riêng vận chuyển hàng không, Việt Nam chưa có một cảng trung chuyển hàng không nào trong khi có những loại hàng hoá rất cần vận tải bằng hàng không. Vì thế, Chính phủ cũng đang cố gắng chỉ đạo xây dựng một cảng như vậy.
Về giá điện, hiện đang tồn tại một nghịch lý. Trong khi ở các nước khác, giá điện cho sản xuất thấp, giá tiêu dùng cao thì ở Việt Nam, giá điện sản xuất cao, giá tiêu dùng thấp bởi chúng ta còn có mục tiêu xã hội. Chính phủ cũng đã xây dựng lộ trình để từng bước giảm giá điện cho sản xuất.
- Một số doanh nghiệp Singapore nói rằng chi phí vận chuyển từ khu công nghiệp đến Vũng Tàu bằng chi phí vận tải từ Vũng Tàu đi Singapore, chứng tỏ chi phí vận chuyển rất lớn. Liên quan đến chi phí đường bộ, Chính phủ đã có quy định cứ 70km mới được đặt một trạm thu phí. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay, chưa một trạm thu phí nào không đảm bảo quy định trên bị gỡ bỏ?
- Tất nhiên, trong điều hành cụ thể không phải tất cả đều hợp lý. Ví dụ, tại sao chúng ta không dỡ bỏ trạm thu phí trên quốc lộ 13 lên Bình Dương? Khi xây dựng quốc lộ 13, chúng ta không có tiền nên phải giao cho doanh nghiệp đầu tư. Họ đầu tư thì họ được thu phí. Bây giờ chúng ta xoá trạm thì lấy đâu ra kinh phí trả cho doanh nghiệp?
Mặt khác, chúng tôi cũng cố gắng quán triệt quy định của Chính phủ trên mấy quốc lộ chính như quốc lộ 1 và 5. Còn những quốc lộ mà doanh nghiệp đã đầu tư thì chúng ta phải tính toán kỹ từng bước chứ không thể phá bỏ cam kết với doanh nghiệp.
- Theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nhà nước, các lĩnh vực dịch vụ ở nước ta vẫn còn kém và mấy tháng đầu năm nay chưa có cải thiện gì. Chính phủ sẽ có chương trình gì để phát triển các lĩnh vực dịch vụ, thưa Phó Thủ tướng?
- Có tới hàng trăm loại hình dịch vụ. Đối với các dịch vụ then chốt như thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng... Chính phủ đang tiến hành rà soát lại từng lĩnh vực. Trước hết là vấn đề chính sách. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện về chính sách, về hạ tầng cho các lĩnh vực này phát triển, trong đó thúc đẩy mạnh loại hình du lịch. Lợi thế, tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn nhưng phát triển còn chậm. Những tháng cuối năm 2003, chúng ta đã thử nghiệm miễn visa ngắn hạn cho khách du lịch. Tới đây, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát và thực hiện những biện pháp cụ thể như thế!
|