(VietNamNet) - "Đó là mục đích của luật phá sản! Luật thực hiện là để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ và người lao động. Bên cạnh đó Luật chú trọng đến việc khôi phục DN, tạo điều kiện cho lãnh đạo DN có cơ hội làm lại và phát huy năng lực" - Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách của QH đã trả lời VietNamNet trong giờ giải lao bên hành lang kỳ họp Quốc hội.
- Thưa ông, Luật phá sản chưa đặt vấn đề về bảo về quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản?
|
"Quyền lợi người lao động trong DN phá sản cũng như một chủ nợ". |
- Trong trường hợp này, người lao động cũng là một chủ nợ. Luật phá sản có mục đích lớn nhất là lành mạnh hóa nền kinh tế, còn nhiệm vụ trực tiếp là nhằm để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ, trong đó có người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã này. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi của chủ nợ cũng chính là bảo vệ quyền lợi của người lao động.
- Hoạt động kinh doanh được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng các thành phần kinh tế. Vậy tại sao DN phải hoàn trả lại giá trị tài sản cho Nhà nước trước khi thực hiện phân chia tài sản, trả nợ cho các thành phần kinh tế khác?
- Luật phá sản không phân biệt ưu tiên cho thành phần kinh tế nào, kể cả Nhà nước. Ở đây chỉ phân biệt ưu tiên lớn nhất cho 2 trường hợp, đó là các chủ nợ có bảo đảm, tức có tài sản thế chấp trong DN, và quyền lợi của người lao động, rồi mới đến các khoản nợ không có bảo đảm. Quyền lợi và sự phân chia trả nợ cho các chủ nợ tương đương nhau, kể cả chủ nợ đó là Nhà nước, ngân hàng hay doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này cũng có ý kiến cho rằng, nên ưu tiên trả cho thuế Nhà nước và Ngân hàng. Chúng tôi cho rằng, thuế Nhà nước là nộp theo pháp luật, nhưng trong trường hợp giải quyết theo Luật phá sản, thì vẫn bình đẳng với các thành phần khác.
DN nợ thuế quá hạn là vi phạm luật, xử lý theo luật, cơ quan thuế, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu pháp luật truy tố DN về tội trốn trách trách nhiệm về thuế, lậu thuế, gian lận, nợ tồn đọng thuế... Còn hiện tại, khi đang thực hiện các thủ tục phá sản thì việc thanh toán cho các chủ nợ được thực hiện bình đẳng. Luật phá sản cố gắng đến mức tối đa bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ, làm sao để khi thanh lý vẫn còn để trả được nợ cho các chủ nợ. Trong Quốc hội cũng có đưa ra thêm một số tiêu chí, chẳng hạn tiêu chí lỗ nhiều năm. Thực ra để đến lúc đó mới thực hiện thủ tục phá sản thì DN sẽ không còn gì để trả nợ, thiệt cho chủ nợ. Vì vậy Luật đưa ra tiêu chí khi thấy dấu hiệu mất khả năng thanh toán, vỡ nợ là đưa vào thủ tục phá sản.
- Sắp tới đây các DN thua lỗ có Luật phá sản đảm bảo về mặt pháp luật. Vậy từ trước đến nay các DN làm ăn thua lỗ, đã giải quyết theo hướng nào, có pháp luật nào hỗ trợ?
Theo xu hướng phát triển của kinh tế thị trường, sự phát triển đã đến lúc thấy cần thiết phải có Luật phá sản. Nền kinh tế thị trường giống như một cơ thể sống, những tế bào mới sinh ra, những tế bào già chết đi. Trong nền kinh tế phát triển, hàng ngày vẫn có những bố cáo thành lập DN, đồng thời cũng có DN đóng cửa.
Việc chấm dứt hoạt động của DN có nhiều cách, có thể là giải thể, có thể là tạm ngừng hoạt động, và phá sản chỉ là một trong những hình thức ngừng hoạt động có trả nợ. Có điều, khi tuyên bố phá sản thì tình trạng trầm trọng hơn, vì vậy lúc đó có các cơ quan tư pháp tham gia vào giúp thực hiện việc đòi nợ một cách có trật tự. Làm như vậy, nền kinh tế có trật tự hơn, tránh tình trạng hỗn loạn.
Thứ hai là luật này có từ năm 1993, lúc đó gọi là Luật phá sản doanh nghiệp. Nhưng vì có 2 lý do, thứ nhất là lúc đó tiêu chí để xác định DN phá sản không rõ, và có những nội dung không xác định được. Ví dụ như tiêu chí xác định DN đó thua lỗ: Ai là người xác định DN đó thua lỗ? Làm sao người công nhân, chủ nợ biết được? Điều đó chỉ có DN xác định, mà thậm chí có những DN không xác định được mình có lỗ hay chưa, vì lúc này không có cơ quan kiểm toán đánh giá.
Còn lần này thì tiêu chí rõ ràng, cho phép các cơ quan, những người có trách nhiệm, có nghĩa vụ cùng giải quyết, và sẽ giải quyết tốt hơn quyền lợi của chủ nợ và người lao động. Ngoài ra là để dễ dàng hơn, khả thi hơn. Mà vấn đề này rất nặng nề, vì tâm lý xã hội xem đây là việc không bình thương, liên quan đến uy tín, danh dự, cơ hội làm ăn sau này. Ngay cả chữ "phá sản" cũng làm cho người ta e ngại, một số nước gọi tên là "Luật mất khả năng thanh toán".
- Luật quy định khi người lao động yêu cầu phá sản phải có sự tham gia của công đoàn, hoặc đại diện người lao động. Ai là người chấp nhận đại diện đó? Nếu DN không muốn mở thủ tục phá sản, không công nhận đại diện thì làm thế nào?
Người lao động tự bầu ra đại diện có thể có danh sách chữ ký. Mục đích của việc tham gia của công đoàn nhằm tránh tình trạng thù hằn cá nhân, mục đích cá nhân... Tuy nhiên điều này phải có hướng dẫn cụ thể vì hoàn toàn không đơn giản. Đưa ra một quy định là như vậy, nhưng làm sao để có lực lượng là 30, 50 hay 60% là chuyện phải tính toán thủ tục cụ thể.
- Ngoài việc quy định Giám đốc, Tổng Giám đốc DN bị phá sản trong vòng từ 1 đến 3 năm không được giữ chức vụ cũ, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào, hiện chưa thấy Luật đề cập?
Luật phá sản không xem xét nguyên nhân của tình trạng phá sản mà do những cơ quan khác đánh giá và xử lý. Luật phá sản chỉ đưa ra biện pháp thực hiện thủ tục phá sản để DN giải quyết quyền lợi của chủ nợ. Còn đằng sau đó, nguyên nhân là gì, có thể do năng lực yếu kém, do quyết định phương thức kinh doanh sai lầm, do khách quan dẫn đến; hoặc do người tiền nhiệm, hoặc có thể do tiêu cực, sai phạm liên quan đến các yếu tố cấu thành tội phạm nếu có... sẽ được xử lý ở những bộ luật khác, chẳng hạn như Luật hình sự.
Việc quy định GĐ, TGĐ không được giữ chức vụ lãnh đạo DN trong thời hạn từ 1 đến 3 năm, hay DN tư nhân trong thời hạn 1 đến 3 năm không được thành lập lại DN, vấn đề này có 2 dụng ý.
Một là TGĐ, GĐ, Chủ tịch HĐQT trong các DNNN. Dứt khoát không được giữ các chức vụ này ở bất cứ DNNN nào khác, nhưng vẫn có quyền giữ chức vụ này ở các DN tư nhân. Thứ hai là cũng có thể do hoàn cảnh dẫn đến phá sản, có thể không phải do người ta kém, mà do nguyên nhân khách quan. Chẳng hạn vừa rồi do dịch cúm gà, giá vàng tăng, giá dầu cao, hay chiến tranh, tai nạn, cháy cơ sở... là những lý do bất khả kháng. Nên luật quy định từ 1 đến 3 năm để người ta có cơ hội làm lại. Cũng có đại biểu đề nghị quy định là 3 năm, nhưng như vậy là quá cứng nhắc, và có thể làm mất cơ hội của nhiều nhà DN thật sự giỏi, mà do không gặp may.
- Xin cám ơn ông!
|