(VietNamNet) - Trả lời phỏng vấn của VietNamNet về lộ trình tạo một thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp điện, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải đã cho biết như vậy.
|
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải. Ảnh: Nguyên Vũ |
- Thưa Bộ trưởng, Luật cạnh tranh sắp được ban hành, vậy sẽ có một thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới?
- Tư tưởng xây dựng bộ Luật này là để nhằm tạo một thị trường cạnh tranh về điện lực. Đây là thị trường tương đối khó. Khi xây dựng thị trường này sẽ mất tương đối nhiều thời gian. Vì tính độc quyền tự nhiên của nó, nên khi xây dựng cơ chế cạnh tranh sẽ phức tạp hơn. Chẳng hạn, khi Nhà nước đã xây dựng xong mạng lưới điện để cấp điện đến khu vực nào đấy rồi thì người khác không thể xây dựng thêm vào một lưới điện như vậy để cấp điện nữa, vì như vậy cả hai mạng lưới điện đều không kinh tế. Chính vì vậy mà tinh thần của Luật điện lực là đưa ra một thị trường điện lực cạnh tranh và các bước tiếp theo để thực hiện.
Việc xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh phải theo từng bước của lộ trình khá dài, gồm 3 bước. Đầu tiên là xây dựng thị trường cạnh tranh ở khâu phát điện trước, tức là tất cả các nhà máy điện bán điện trên một hệ thống điện chung theo giá cạnh tranh. Như vậy, bước đầu tiên đó đòi hỏi các nhà sản xuất điện phải cạnh tranh, phải hoạt động có hiệu quả hơn.
Bước thứ hai là xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh ở khâu phân phối. Tức là các nhà bán buôn điện cũng phải cạnh tranh với nhau. Và đến bước thứ ba, bước cuối cùng là xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh ở khâu bán lẻ. Đó là lúc người tiêu dùng được lựa chọn.
Ở các nước khi người ta phát triển đến cấp độ cao thì người ta có thể chọn giá cung cấp điện cho mình với giá cạnh tranh. Lúc đó tất cả các lưới điện từ chuyển tải, đến phân phối, đến bán lẻ đều là những lưới điện cho thuê. Lúc đó người tiêu dùng mới có thể chọn được. Bản chất mục đích cuối cùng của thị trường cạnh tranh là tiến tới người tiêu dùng cuối cùng lựa chọn được nhà cung cấp của mình.
- Báo cáo thẩm định có nêu là Luật chưa thể hiện được tính cạnh tranh và chưa thể hiện được trách nhiệm của nhà cung cấp điện, ông nghĩ thế nào về điều này?
Sẽ có một thị trường điện lực? |
“Luật Điện lực sẽ tạo hành lang pháp lý cho một thị trường điện bình đẳng để các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp nguồn điện”. Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM, đại biểu Quốc hội, đã trả lời VietNamNet về vấn đề này trước khi Quốc hội khóa XI thông qua dự án Luật Điện lực. |
- Trong các văn bản hiện hành đang thực hiện, ví dụ như nghị định 45, và 13 thông tư đi kèm theo nghị định về hoạt động điện lực và sử dụng điện đã nêu rất rõ về quyền lợi nghĩa vụ của bên bán và bên mua. Từ khi ban hành thực hiện các văn bản này chưa có mấy ý kiến phàn nàn về chuyện không công bằng. Vấn đề ở chỗ là người ta vẫn chưa lựa chọn được người cung cấp dịch vụ. Vì vậy, Nhà nước phải cho xây dựng thị trường cạnh tranh.
Tuy nhiên phải đến bước thứ ba, tức cạnh tranh ở khâu bán lẻ khách hàng mới có quyền lựa chọn. Thực tế lâu nay khách hàng chỉ dùng điện của một ông, là ông Tổng công ty điện lực thôi. Cho nên người ta vẫn cảm thấy không công bằng. Hiện tại, Bộ công nghiệp và Tổng công ty điện lực Việt Nam đang chờ ý kiến góp ý thẩm định của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, kết hợp những ý kiến góp ý của Quốc hội tới đây để sửa, nếu chỗ nào thấy còn chưa công bằng thì sẽ đưa vào.
- Lâu nay ta áp dụng một giá thống nhất do Tổng công ty điện lực đề xuất và do Chính phủ quyết định. Sắp tới nếu có cạnh tranh chúng ta sẽ có thay đổi khung giá? Hay phải làm như thế nào để các đơn vị cung cấp điện đưa ra được các phương án cạnh tranh của mình để khách hàng lựa chọn?
- Giá hiện nay Chính phủ ban hành là biểu giá bán lẻ điện. Chính phủ ban hành biểu giá bán lẻ điện vì ngành điện là ngành độc quyền, và giá điện do Nhà nước quản lý. Còn Tổng công ty điện lực Việt Nam là doanh nghiệp độc quyền sản xuất ra sản phẩm điện, đề nghị giá, nhưng chấp nhận mức nào là do Chính phủ. Chính sách giá điện thống nhất cả nước là quan điểm của Chính phủ chứ không phải của ngành điện.
Hoặc là cơ chế bù chéo chẳng hạn, cũng do Chính phủ quyết định. Hệ thống bù chéo chúng ta xây dựng từ thời bao cấp đến nay. Bao giờ chúng ta cũng quan tâm hơn đến đối tượng thu nhập thấp nên đang bù từ khối sản xuất sang khối sinh hoạt. Trước đây, lượng điện chiếm đến 60 - 70% là điện sinh hoạt. Khi chúng ta mở cửa thị trường cạnh tranh mới thấy sự bất hợp lý trong khâu bù chéo. Các nhà sản xuất gánh quá nặng về giá điện, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, các nước khác ngược lại, giá điện sinh hoạt bù chéo cho sản xuất. Để làm việc này, phải tiến hành từng bước vì thu nhập dân cư còn rất thấp. Nếu làm nhanh, khu vực sinh hoạt dân cư sẽ bị giá điện rất cao.
- Đến bao giờ đạt đến bước thứ ba là "cạnh tranh bán lẻ"?
- Ở bước thứ ba, phải mất đến 30 năm. Ở bước thứ nhất, tức là bước hình thành thị trường cạnh tranh ở khâu phát điện thì phải mất đến 5 năm, bước thứ hai khoảng 10 - 15 năm. Không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì các nước cũng đều như vậy. Nếu ta làm được trong vòng ba mươi năm cũng là rất nhanh rồi. Muốn đẩy nhanh hơn, đòi hỏi sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống luật pháp, kinh tế, tài chính... Nếu hình thành một thị trường mà các điều kiện không bảo đảm thì nó sẽ không tồn tại.
- Giá điện sẽ giảm theo lộ trình như thế nào?
- Xét trong tổng thể, thì giá điện của chúng ta bình quân có thấp hơn so với khu vực. Cho nên nếu giảm nữa thì hết sức khó. Lý do là chúng ta đang ở giai đoạn đầu của phát triển. Thường khi một hệ thống mà có thể giảm được khi tài sản đầu tư không thay đổi mấy, nhưng doanh thu vẫn cao, khi các chi phí khấu hao giảm dần đi và chi phí đầu tư thấp xuống, thì lúc đó mới có thể giảm giá. Nhưng chúng ta vẫn đang tăng, vẫn 2 tỷ USD đầu tư một năm mà lại không có bao cấp, tất cả phải đều đi vay. Vốn tài sản vẫn rất lớn nên khả năng giảm giá điện là hết sức khó. Vậy nên điều mà ta cần bây giờ là gì? Đó là Nhà nước phải tạo ra giá cạnh tranh. Đây là điều cần thiết nhất khi ta chưa có điều kiện giảm giá.
- Khi Luật cạnh tranh thực hiện thì ngành điện lực có khó khăn gì?
- Luật cạnh tranh ra đời thì những ngành độc quyền sẽ gặp khó khăn hơn. Đối với ngành điện lực thì trước mắt theo nghị quyết Trung ương III, khâu truyền tải vẫn giữ độc quyền nhà nước, khâu phát điện và khâu phân phối khuyến khích cạnh tranh. Để có cạnh tranh, trong Luật điện lực đã nêu là phải xây dựng lộ trình và các điều kiện để hình thành cạnh tranh. Luật điện lực là khuôn khổ pháp lý để chúng ta hình thành các bước cạnh tranh.
- Lâu nay một thực tế rất bức xúc là khách hàng vẫn thường kêu ca về thái độ và chất lượng phục vụ của của ngành điện. Việc Luật điện lực ra chế tài cho ngành điện (ngành điện bồi thường thiệt hại cho người sử dụng điện nếu để xảy ra sự cố mất điện...) có khắc phục được tình trạng này?
- Các văn bản pháp luật hiện hành của chúng ta đã có rất nhiều quy định chi tiết về xử phạt, như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ trong lĩnh vực điện lực, thông tư về giải quyết bồi thường thiệt hại trong quá trình kinh doanh sản xuất điện của Bộ công nghiệp ban hành.
Việc khách hàng kêu ca về chất lượng, thái độ phục vụ... cũng nên nhìn về quá trình của ngành điện. Từ trước đến nay phải thấy rằng, ngành điện đã có tiến bộ rất nhiều. Từ chỗ có thể bị cắt điện một lần kéo dài 4-5 ngày, từ chỗ nhà anh cưới phải đến gặp ông quản lý điện nếu không điện nhà anh sẽ bị cắt đúng vào ngày cưới... thì nay đã đỡ rất nhiều.
Thứ hai nữa là trong các văn bản, thông tư, nghị định mà Bộ Công nghiệp đã ban hành có quy định khi cắt điện phải báo trước. Nếu cắt mà không báo trước, gây thiệt hại, khách hàng có thể khiếu nại. Hoặc nếu ngành điện thao tác chủ quan làm cháy thiết bị điện khách hàng thì phải đền. Trong trường hợp không thỏa đáng, khách hàng có quyền kiện lên Sở Công nghiệp. Hoặc là vấn đề công-tơ, nếu khách hàng nghi công-tơ không chính xác có quyền yêu cầu điện lực là nơi bán hàng xem xét. Sở Công nghiệp sẽ thuê một công ty tư vấn khảo sát, nếu đó là kết quả Sở công nghiệp sai thì phải bồi thường tất cả...
- Cám ơn Bộ trưởng!
|