Ra văn bản sai có thể bị truy cứu trách nhiệm HS
21:44' 08/06/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Bên hành lang QH khi các đại biểu chuẩn bị thảo luận về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu về việc trong thời gian qua, hầu hết các địa phương đều có tình trạng ban hành văn bản sai luật.

Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu khẳng định: "Nếu họ ban hành trái thẩm quyền buộc họ phải ra quyết định tạm đình chỉ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. Cơ quan ban hành văn bản sai trái phải chịu trách nhiệm kỷ luật, thậm chí truy tố hình sự nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng".

Bộ trưởng Uông Chu Lưu trả lời phỏng vấn của báo chí.

Ông Lưu nhấn mạnh: Hiện chúng tôi đang có kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ tư pháp của HĐND và UBND. Sau khi Luật này có hiệu lực sẽ tổ chức tập huấn để cán bộ tư pháp những quy định của Luật, phương pháp soạn thảo văn bản để bảo đảm khi mà xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND đúng theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

- Thưa Bộ trưởng, lâu nay chúng ta phải đối mặt với một thực trạng là một số văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục, nội dung văn bản... Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự điều hành của các cấp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND có khắc phục được những vấn đề trên?

- Tôi nghĩ, Luật sẽ đóng góp phần quan trọng trong việc khắc phục thực trạng đó. Tuy nhiên, để tuyệt đối không còn hiện tượng này thì tôi không dám chắc. Bởi vì trên thực tế, không thể có việc một văn bản ban hành ra rồi sau này có thể xử lý tất cả những tồn tại trước đó. Điều đó phụ thuộc rất nhiều khâu như trình độ người soạn thảo, hay khi thông qua vẫn còn nhiều trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn, trái với cơ quan nhà nước cấp trên. Có khi sai cả về thẩm quyền, nội dung mà những ví dụ điển hình như việc HĐND được quy định về thu lệ phí ở địa phương, thế nhưng UBND lại đứng ra làm thay.

- Lâu nay chúng ta có một cơ chế làm việc giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành là các văn bản quy phạm pháp luật phải được gửi cho Bộ Tư pháp thẩm tra, nếu phát hiện sai trái thì Bộ tư pháp sẽ yêu cầu sơ quan soạn thảo tiếp thu, sửa chữa. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo vẫn không nghe thì  Bộ Tư pháp có ý kiến cuối cùng gì về những trường hợp này, thưa Bộ trưởng?

- Hiện nay theo Nghị định 135/NĐ-CP về kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp được giao kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Chúng tôi đã phát hiện ra một số văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, thủ tục... Chúng tôi đã có những công văn kiến nghị những cơ quan đó tiếp thu, sữa chữa, thu hồi. Trong trường hợp họ không đồng ý, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng áp dụng quyền luật định của mình nhằm đình chỉ, bãi bỏ văn bản đó.

- Nhưng thưa ông, để làm được quá trình đó phải mất rất nhiều thời gian, trong khi đó những đối tượng bị điều chỉnh, áp dụng thì tiếp tục bị thiệt hại?

- Đây không chỉ là vấn đề của riêng các địa phương mà ngay của các Bộ, ngành cũng vậy. Nếu họ ban hành trái thẩm quyền buộc họ phải ra quyết định tạm đình chỉ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề đó xong xuôi thì văn bản đó mới tiếp tục có hiệu lực.

- Vậy những người ban hành văn bản sai trái sẽ bị xử lý ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản sai trái. Đó là phải chịu trách nhiệm kỷ luật, thậm chí là truy tố hình sự nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

- Trên thực tế chúng ta đã xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm này nhiều chưa, thưa ông?

- Hiện tại đến nay chúng ta cũng chưa xử lý hình sự trường hợp mà chủ yếu là nhắc nhở, răn đe, xử lý hành chính mà thôi.

- Thưa ông, lần này chúng ta không trao quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Chủ tịch UBND có phải là hạn chế bớt quyền của Chủ tịch UBND trong điều hành, quản lý không?

- Việc dự thảo không trao thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho Chủ tịch UBND không có nghĩa là chúng ta hạn chế quyền năng điều hành chính quyền của Chủ tịch UBND. Hiện nay, Chủ tịch UBND vẫn có quyền ban hành các quyết định, chỉ thị, thông báo... để điều hành công việc hàng ngày theo thẩm quyền. Văn bản quy phạm pháp luật phải do tập thể UBND vì đấy là những vấn đề liên quan đến những chính sách lớn, chức năng, nhiệm vụ của cả tập thể UBND nên cần một trí tuệ tập thể xem xét kỹ càng với một quy trình chặt chẽ khi ban hành.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

  • Linh Chi

Tại buổi sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về công tác tư pháp do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 8/6. Báo cáo của Thường vụ Thành ủy tại hội nghị cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08 công tác tư pháp thành phố đã có chuyển biến rõ rệt nhất ở chất lượng điều tra khám phá án, xử lý vi phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Riêng năm 2003 cả ba ngành công an, kiểm soát, tòa án đã kết thúc điều tra đưa ra truy tố xét xử hình sự sơ thẩm 5.304 vụ với 7810 bị cáo đạt tỉ lệ xét xử 98,39%. Trong đó, ba ngành phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương đưa đi xét xử lưu động 447 vụ án về các tội ma túy mại dâm. 

Theo báo cáo của các ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án ở Hà Nội, 2 năm qua không có trường hợp nào bị xử oan. Tình trạng quên hồ sơ, mất hồ sơ như những năm trước không còn. Hoạt động tranh tụng cũng như các hoạt động tố tụng khác được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới dân chủ hơn.

  • B.T

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Phải công khai quỹ nhà chung cư! (05/06/2004)
Luật bình đẳng nhưng chính sách lại bất bình đẳng? (03/06/2004)
Đảng viên có thể làm kinh tế, nhưng lãnh đạo không nên! (03/06/2004)
Khó xử khi ''anh em mình cùng một bộ''? (02/06/2004)
Sản xuất công nghiệp đang chững lại, giá cả tăng cao (02/06/2004)
"Không nên tư nhân hoá ồ ạt, thiếu cân nhắc" (01/06/2004)
30 năm nữa mới có thị trường điện cạnh tranh! (01/06/2004)
Diện tích đất ở sẽ được tăng thêm hơn 40.000ha (31/05/2004)
Lạm dụng ''vị trí thống lĩnh'' mới là vi phạm! (30/05/2004)
Khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản (30/05/2004)
Giảm độc quyền nhưng phải có tập đoàn kinh tế mạnh! (29/05/2004)
Tòa sẽ không còn "muốn xử thế nào cũng được"! (28/05/2004)
QH thông qua Luật Phá sản DN, Luật Thanh tra (26/05/2004)
Cán bộ dùng ôtô vượt tiêu chuẩn thì tự bỏ tiền đền! (26/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang