(VietNamNet) - 2/3 thành viên AmCham muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở VN trong năm tới. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch, chậm trễ, ách tắc trong thủ tục hành chính... còn khiến nhiều công ty Mỹ ngần ngại khi đầu tư vào VN.
|
Giám đốc điều hành AmCham tại HN. |
Đó là một phần câu trả lời của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội cho câu hỏi vì sao sau khi ký BTA, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại số 1 của VN nhưng đầu tư của Mỹ vẫn còn khiêm tốn.
- Các nhà đầu tư Mỹ, cụ thể là các thành viên AmCham đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư ở VN?
- Khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt - Mỹ (BTA) bước sang năm thứ 3, các cơ hội để giới kinh doanh Mỹ ngày càng mở rộng một cách đáng kể. Hiện, Mỹ đã là đối tác thương mại số 1 của VN.
Trong một cuộc điều tra gần đây đối với các thành viên AmCham do viện Gallup tiến hành, 2/3 mong muốn thuê thêm nhân viên người Việt trong năm tới và 82% hy vọng sẽ gia tăng được lợi nhuận.
Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) là một tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư rất hiệu quả của Mỹ với mạng lưới rộng khắp thế giới. Có mặt tại Việt Nam ngay sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận 2/1994, đến nay AmCham có 725 thành viên và hai văn phòng điều hành tại Hà Nội và TP.HCM. |
AmCham hài lòng trước tốc độ tăng trưởng GDP cao, sự tiếp tục mở rộng của khu vực tư nhân cũng như mức độ sẵn sàng của các quan chức chính phủ nhằm xây dựng một môi trường pháp lý ổn định và nền kinh tế cởi mở hơn.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò ý kiến nói trên cũng cho thấy 70% thành viên bày tỏ sự không hài lòng trước mức độ tham nhũng của Việt Nam. Đây là một vấn đề phức tạp và không tiện thảo luận nhưng tôi cho rằng sự lãnh đạo kiên quyết có ý nghĩa mấu chốt trong việc giải quyết vấn nạn này.
- Mặc dù BTA mang lại khá nhiều lợi thế nhưng tại sao đầu tư của các công ty Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn thưa ông?
- Thực ra mà nói thì đầu tư của Mỹ vào Việt Nam trên thực tế ở mức cao hơn nhiều so với các số liệu chính thức. Nhiều nhà đầu tư Mỹ rót vốn vào Việt Nam thông qua một nước thứ 3, chẳng hạn như thông qua Singapore hay Quần đảo Virgin. Cho dù vì lý do thuế, giấy phép hay lý do khác đi nữa thì vẫn tồn tại một thực tế là nhiều dự án đầu tư lớn của Mỹ ở Việt Nam hiện không được tính vào đầu tư của Mỹ.
Tuy nhiên, phải nói rằng trong giới đầu tư Mỹ vẫn còn những mối quan ngại thực sự khi nhìn về Việt Nam. Họ vẫn còn lo ngại về sự thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, những chậm trễ và cản trở trong tiếp cận thị trường và cấp giấy phép, nạn tham nhũng rộng khắp, cơ cấu thuế không theo quy tắc nào cả, vấn đề tạo việc làm và tăng trưởng ở Việt Nam. Chừng nào mà không có tiến bộ trong một số vấn đề này thì khả năng đầu tư Mỹ sẽ tiếp tục chảy sang các nước khác là có thể xảy ra.
Tôi không cho rằng sự suy giảm kinh tế Mỹ giai đoạn 2001-2002 có ảnh hưởng lớn tới đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Các công ty Mỹ vẫn đổ vốn vào các nước khác. Thực tế là dòng đầu tư này luôn chảy đến những nơi mà nó cảm thấy an toàn. Vì vậy Việt Nam cần phải tiếp tục sửa đổi các chính sách của mình và phát triển một khung pháp lý ổn định cho đầu tư nước ngoài. Việc thực thi nhanh chóng BTA sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết nhằm thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài cũng như chuyện gia nhập WTO trong tương lai.
- Ông có nghĩ rằng việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO sẽ giúp tăng đầu tư Mỹ?
- Đương nhiên rồi. Quy chế thành viên WTO sẽ giúp thu hút nhiều hơn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư bao giờ cũng muốn rót vốn của họ vào một quốc gia có hệ thống pháp lý mạnh và đáng tin cậy. Trong khi đó, WTO sẽ tạo ra nhiều bảo đảm và thay đổi mà các nhà đầu tư muốn thấy ở Việt Nam.
Cộng đồng kinh doanh Mỹ ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ trong việc gia nhập WTO vào thời hạn sớm nhất có thể. Chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Mỹ áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn đối với tiến trình gia nhập của Việt Nam. Khẩn trương tham gia WTO có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với giới kinh doanh trong và ngoài nước cũng như với môi trường đầu tư tổng thể của Việt Nam.
Những khu vực kinh tế đang nở rộ như dệt may có thể sẽ bị phương hại nếu các đàm phán về gia nhập tiếp tục bị chậm trễ. Do vậy, việc triển khai kịp thời và hiệu quả BTA sẽ giúp rất nhiều cho tiến trình gia nhập.
Trong khi vòng đàm phán gần đây tại Geneva cho thấy một bước đi mạnh mẽ thì các đối tác vẫn thấy khá nhiều điểm trong bản chào của Việt Nam là chưa đủ. Chúng tôi cảm thấy hứng thú hơn khi đội ngũ đàm phán WTO của Việt Nam đang áp dụng cách thức thực tế hơn trong các nỗ lực gia nhập của họ. Tuy nhiên, kế hoạch gia nhập vẫn còn nhiều thách thức trừ phi các bạn có những nhân nhượng hơn nữa.
- AmCham đã tái khẳng định sẽ giúp đỡ Việt Nam đẩy mạnh tiến trình gia nhập WTO. Ông có thể nói cụ thể hơn về sự hỗ trợ này?
- Năm ngoái, bản thân tôi và một nhóm các thành viên AmCham đã về Washington D.C gặp gỡ nhiều quan chức chính phủ Mỹ để thảo luận về tiến bộ trong quá trình đàm phán gia nhập của Việt Nam và một số vấn đề khác có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương.
Chúng tôi đã gặp các quan chức cao cấp của Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và một số nghị sỹ nhằm vận động cho họ thấy rằng cộng đồng kinh doanh của Mỹ ở Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ ủng hộ Việt Nam hơn nữa trong tiến trình này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt ra một số vấn đề quan trọng khác như hệ thống cấp visa hiện tại cho những người Việt Nam muốn đến thăm Mỹ cũng như sự cần thiết phải có thương mại công bằng giữa hai nước.
|