(VietNamNet) - Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được chính phủ nước ngoài trợ cấp gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước sẽ bị xem xét áp dụng biện pháp chống trợ cấp.
|
Nhiều loại hàng hoá nhập vào Việt Nam bị nghi là được nước ngoài trợ cấp nhưng không thể tiến hành điều tra vì thiếu cơ sở pháp lý. |
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết như vậy khi trình dự thảo Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/7. Dự kiến Pháp lệnh này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2005.
Mức trợ cấp dưới 1% là không đáng kể!
Trợ cấp, theo dự thảo Pháp lệnh này, được hiểu ''là sự hỗ trợ về tài chính của chính phủ hoặc cơ quan của chính phủ dành cho tổ chức, cá nhân và đem lại lợi ích cho tổ chức cá nhân đó''. Có 5 hình thức trợ cấp: chính phủ hoặc cơ quan chính phủ chuyển vốn cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức cấp vốn hay chuyển giao cổ phần, cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc bảo lãnh để được vay lãi suất thấp hơn khi không có bảo lãnh; bỏ qua hoặc không thu những khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp; cung cấp hàng hoá hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở chung, hoặc mua hàng vào với giá cao và bán ra cho tổ chức, cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường; đóng góp tiền vào một cơ chế tài trợ, hay giao hoặc lệnh cho một tổ chức tư nhân thực thi một hay nhiều hình thức vừa nêu trên; và các khoản trợ cấp khác.
''Nhiều nước e ngại sử dụng công cụ chống trợ cấp vì chính bản thân các nước đó cũng trợ cấp rất nhiều. Chẳng hạn EU trong giai đoạn 1997-2001 đã tiến hành điều tra 157 trường hợp chống bán phá giá những chỉ có 34 trường hợp chống trợ cấp'', Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết. |
Dự thảo Pháp lệnh quy định mức trợ cấp không đáng kể là mức thấp hơn 1% giá trị sản phẩm. Khi cơ quan điều tra của Bộ Thương mại kết luận mức trợ cấp không đáng kể thì Bộ trưởng Bộ này sẽ quyết định chấm dứt điều tra chống trợ cấp. Có ý kiến cho rằng mức trợ cấp được coi là không đáng kể dưới 1% là quá thấp. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, quy định này là phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời cũng giúp Việt Nam có thể mở rộng diện điều tra chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt thắc mắc: ''Trong các hình thức trợ cấp có tính đến trợ cấp gián tiếp không? Ví như EU xuất khẩu sữa vào Việt Nam, không trợ cấp cho sản phẩm sữa nhưng trợ cấp cho người chăn nuôi bò sữa''. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển trả lời: ''Các hình thức trợ cấp trong dự thảo Pháp lệnh đã bao gồm hình thức trợ cấp này. Bộ Thương mại cũng sẽ có hướng dẫn tính toán cụ thể mức độ trợ cấp từng trường hợp cụ thể''.
Thuế trợ cấp không vượt quá mức trợ cấp!
Theo dự thảo Pháp lệnh, việc điều tra chống trợ cấp dựa trên đơn yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% khối lượng, số lượng, trị giá hàng hoá tương tự của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, khối lượng, số lượng, trị giá hàng hoá của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ chống trợ cấp phải lớn hơn của các nhà sản xuất trong nước phản đối. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ có thể chủ động điều tra và áp dụng biện pháp chống trợ cấp để bảo hộ cho DN trong những trường hợp cần thiết.
Kết luận hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được trợ cấp gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể, Bộ trưởng Bộ Thương mại sẽ quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp. Đây là khoản thuế nhập khẩu bổ sung nhưng không vượt quá mức trợ cấp đã được xác định trong kết luận điều tra. Khi chính phủ nước ngoài cam kết chấm dứt hoặc cắt giảm sự hỗ trợ đó xuống mức độ cho phép thì Bộ trưởng Bộ Thương mại có thể ra quyết định không áp dụng thuế chống trợ cấp. Bỏ thuế chống trợ cấp còn có thể áp dụng khi các nhà sản xuất, xuất khẩu cam kết tăng giá xuất khẩu để triệt tiêu khả năng cạnh tranh do trợ cấp tạo ra.
Không phải lúc nào cũng áp dụng biện pháp chống trợ cấp!
Băn khoăn của một số đại biểu là việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp, người tiêu dùng và người tiêu thụ (các nhà máy) sử dụng hàng nhập khẩu làm đầu vào cho sản xuất sẽ phải mua hàng hoá, vật tư với giá cao hơn giá không có trợ cấp. Trên thực tế, việc áp dụng các biện pháp chống trợ cấp sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chính phủ nước ngoài và thị phần của các nhà sản xuất của họ ở Việt Nam. Do vậy có thể dẫn tới sự khiếu nại từ phía chính phủ nước ngoài, thậm chí khi tham vấn liên chính phủ không thành công có thể dẫn đến bị trả đũa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp không phải bắt buộc lúc nào cũng phải áp dụng mà tuỳ thuộc vào những trường hợp cụ thể, việc sử dụng hay không sử dụng thuộc quyền chủ động, linh hoạt, ứng xử khôn ngoan của cơ quan quản lý. Trường hợp xét thấy việc quyết định chống trợ cấp có lợi cho Việt Nam thì áp dụng các biện pháp chống trợ cấp. Ngược lại có trường hợp đã xác định rõ hàng hàng hoá được chính phủ nước ngoài trợ cấp nhưng đem lại lợi ích cho Việt Nam thì không áp dụng các biện pháp chống trợ cấp. Ngoài khả năng áp dụng thực tế, việc sử dụng công cụ chống trợ cấp còn mang tính chất ''răn đe'' trong việc đàm phán thương mại.
Cho đến nay Việt Nam chưa có văn bản luật nào giải thích về trợ cấp và điều chỉnh việc điều tra, xác định trợ cấp và áp dụng các biện pháp chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, nhiều trường hợp hàng hoá nước ngoài xuất khẩu vào Việt Nam với giá rẻ và bị nghi là được nước ngoài trợ cấp những không thể tiến hành điều tra vì thiếu cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, thuế chống trợ cấp đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1890, trước cả thuế chống bán phá giá (năm 1904) và các biện pháp tự vệ. Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO thừa nhận các biện pháp chống trợ cấp là một công cụ hỗ trợ ngành sản xuất của một nước khi có hiện tượng hàng hoá nước ngoài được hưởng trợ cấp nhập khẩu vào và gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của nước đó. |
|