(VietNamNet) - Đó là con số mà bà Võ Thị Mai, Ban tổ chức Trung ương đưa ra để minh chứng cho tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại và tỏ rõ đồng tình với việc cần thiết phải lồng ghép giới (LGG) trong hoạch định và thực thi chính sách quốc gia tại Việt Nam.
|
Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến - một trong ít ỏi những Bộ trưởng là nữ giới ở VN. |
Theo khẳng định của bà Kristen Pratt, chuyên gia kỹ thuật Dự án VIE 01015 tại Lễ công bố và giới thiệu tài liệu "Hướng dẫn LGG trong hoạch định và thực thi chính sách và "Giáo trình dành cho giảng viên về LGG" (do UBQG Vì sự tiến bộ của phụ nữ đứng ra tổ chức), LGG là phương pháp tiếp cận mới trong công việc hàng ngày của chúng ta nhằm đạt được bình đẳng giới.
Theo bà, bình đẳng giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực phát triển và mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong xã hội.
Cùng quan điểm trên, ông Jordan Ryan, Đại diện Thường trú UNDP - Việt Nam cho rằng: Bất bình đẳng giới là nguyên nhân quan trọng gây ra nghèo đói và cũng là yếu tố cản trở chính đối với phát triển bền vững; gây ảnh hưởng tới phát triển, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, suy dinh dưỡng, ốm đau bệnh tật cũng như các tình trạng bần cùng khác và cuối cùng gây tác hại cho mọi thành viên trong xã hội. Đó là lý do vì sao, cần thiết phải LGG trong hoạch định và thực thi chính sách quốc gia tại Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Kết quả nghiên cứu điển hình về hoạch định có trách nhiệm giới tại Trà Vinh mà bà Tường Vân, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thực hiện cho thấy: sau một thời gian triển khai thí điểm chương trình LGG ở tỉnh này, nhiều lĩnh vực quan trọng ở tỉnh này đã có bước phát triển đáng khích lệ.
Trong đó, điển hình là tỷ lệ cán bộ nữ được đề bạt ở những vị trí cao có chuyển biến thực sự. Trong cuộc bầu cử HĐND các cấp mới đây, Trà Vinh có tới 6 chị em phụ nữ nắm giữ các chức vị quan trọng trong tỉnh, trong đó có một chị là PCT tỉnh, một là Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội. Bốn chị còn lại đều là PGĐ các Sở quan trọng như Thương mại, Công nghiệp, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam...
Bà Võ Thị Mai nêu quan điểm: Hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu của Nhà nước, đặc biệt là của Ban tổ chức Trung ương cũng gắn liền với vấn đề phát triển giới. Chẳng hạn như vấn đề luân chuyển cán bộ. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần quan tâm trong việc LGG, nhất là về cơ chế chính sách. Bởi vì cuối cùng, chúng ta chỉ quan tâm vấn đề quy hoạch, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm và luân chuyển được phụ nữ, tạo ra được công bằng về giới trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề LGG và hoạch định chính sách hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại mà theo khẳng định của bà Mai, đó là tỷ lệ nữ tham gia trong các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương mới chỉ xê dịch trong khoảng từ 10 - 15%. Cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt rất ít. Ngay như Trà Vinh, nơi đầu tiên triển khai thí điểm chương trình LGG, sau một thời gian tiến hành LGG, số phụ nữ làm GĐ, PGĐ các Sở cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để có thể triển khai chương trình LGG thành công ở Việt Nam, góp phần đem lại sự bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, bà Mai cho rằng, cần phải thực hiện nghiêm túc 3 giải pháp: Thứ nhất, thay đổi phương pháp LGG trong hoạch định chính sách. "Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách hiện nay tỷ lệ đàn ông rất là đông. Có 3 nhận thức cần phải đổi mới thì mới có thể thực hiện thành công chương trình LGG, đó là nhận thức của xã hội, nhận thức của nam giới và nhận thức của các nhà hoạch định chính sách" - bà Mai kiến nghị.
Kinh nghiệm để thực hiện thành công chương trình LGG của thế giới, cụ thể là của Oxfam (Bỉ) mà bà Kristen Pratt cho hay là ngoài những cam kết chỉ đạo sát sao của các cấp chính phủ, việc coi LGG là tiêu chí quan trọng bắt buộc để đánh giá thành tích của các cá nhân, tổ chức để bình xét thi đua khen thưởng hay bị phạt, hạ mức lương, thậm chí mất việc làm."Đây cũng là cách làm sáng tạo để thúc đẩy quá trình LGG ở Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn" - bà Mai khẳng định.
|