Đừng để "24 miếng vá làm thành chiếc áo"
08:08' 21/08/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch và xây dựng của địa phương, các đại biểu HĐND TP.HCM trong ngày 20/8 lại có thêm một buổi làm việc bàn về vấn đề này.

Vẫn là những bức xúc về việc "đường phố bỗng là dòng sông uốn quanh" mỗi khi có mưa lớn, trong buổi tiếp xúc giữa HĐND TP.HCM với Viện quy hoạch Xây dựng, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách đã thẳng thắn hỏi: “Từ ngày thành phố chủ trương về cốt san nền, Sở làm được gì?”.

"Phố bỗng là dòng sông uốn quanh"!

Với cương vị Phó viện trưởng Viện quy hoạch Xây dựng, bà Phan Thị Thanh Hải không ngần ngại trả lời: “Lâu nay thành phố vẫn có cốt san nền. Tất cả các dự án đều có bản đồ nền, quy hoạch thoát nước, nhưng khi xây dựng người ta không thực hiện”. 

Bà Hải còn cho biết, đến năm 2000, tình hình ngập nước trở nên bức xúc, hàng loạt các dự án nhỏ làm phá vỡ liên kết, thành phố đặt lại vấn đề cốt nền. Tuy nhiên, không thể lấy quy hoạch từ năm 1998 (được quy hoạch dựa trên những thông số khảo sát từ năm 1984) ra thực hiện, mà phải điều chỉnh lại. Hiện tại thành phố làm thí điểm cốt san nền quận Tân Bình và quận 2, sau đó sẽ làm các quận khác, theo mô hình cuốn chiếu”.

Trước những thông tin bà Hải đưa ra, đai biểu Lê Văn Trung, giảng viên trường Đại học Bách khoa, ngay lập tức có phản ứng: “Chị Hải nói đó là nói đó mặt bằng dự án, chứ không phải là cao độ. Nếu chị nói là có cốt san nền, chị dám công bố cốt đó không? Là không chứ gì?”.

Đại biểu này nói tiếp: “Chúng ta là cơ quan chuyên môn, phải nhận lỗi chuyên môn về mình, chứ không nên đổ hết cho Ủy ban”. 

Ông Huỳnh Minh Trí cũng đồng ý với ý kiến của ông Trung bằng việc nhắc lại lời nhận lỗi này trước dân của Phó Chủ tịch TP Nguyễn Văn Đua tại cuộc họp HĐND vừa qua, về việc không có cốt san nền. Ông Đua đã nói trước ống kính truyền hình trực tiếp rằng, thành phố không có cốt san nền, ông là Phó Chủ tịch nhận với dân lỗi này.

Ông Trung cảnh báo: việc quy hoạch cốt san nền thời gian tới đây, nếu làm không đến nơi đến chốn, sẽ cho ra một kết quả tồi tệ hơn. Ông tính toán và cho rằng, chỉ cần phải nâng 1 tấc, sẽ tốn đến 90 tỷ đồng. Ông Trung cũng bày tỏ sự bất bình về kiểu quy hoạch cuốn chiếu: “Quy hoạch không thể cuốn chiếu, mà phải toàn bộ, tổng thể mới đồng bộ. Cuốn chiếu sẽ xảy ra chắp vá ngay. Sai một chi tiết, thiệt hại vô cùng lớn”.

Đồng ý với ông Trung, ông Lê Văn Nin hài hước: “Quy hoạch thoát nước không thể theo khu vực hành chính, vì nước không thoát theo khu vực hành chính. Liệu quận 2 và quận Tân Bình có đóng cửa dạy được nhau?”.

Ông Nin cho rằng, tắc đường, tắc xe còn ít cực hơn tắc nước. Ông ví thành phố “như cái bánh tráng, ban đầu phẳng, nướng nhiều lần bị lồi lõm lung tung”, nước không biết chảy đi đâu. “Vì vậy khi quy hoạch, tính hệ thống phải chặt, không phải đắp cao lên là được. Không thể ngứa đâu gãi đó” - Ông Nin nói.

Quận huyện quy hoạch:  24 miếng vá làm thành chiếc áo

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến Trúc cho biết, 6 tháng đầu năm Sở lập quy hoạch chi tiết được phê duyệt 33.000ha. Sở này đã duyệt và điều chỉnh 66 hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/2000 và 1/500 với tổng diện tích 489ha. Sở đã thỏa thuận và giao 40 đồ án quy hoạch về cho quận huyện theo phân cấp của thành phố. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành quy hoạch phải thực hiện quy hoạch 35.000ha, trong đó có 22.000ha UBND thành phố giao.

Theo đánh giá của ông Dũng, khối lượng quy hoạch so với yêu cầu vẫn còn thiếu, nhất là quy hoạch chi tiết 1/500 còn thiếu nhiều. Công tác lập quy hoạch chưa đạt được yêu cầu đặt ra, là quy hoạch phải đi trước một bước. Công tác quản lý kiến trúc đô thị thời gian qua làm chưa được tốt.

Ông Nguyễn Minh Hoàng tỏ ra sốt ruột: “Công việc này chậm, sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều việc khác, vậy trách nhiệm của cơ quan chuyên môn ra sao?”. Ông Hoàng đặt vấn đề: Như vậy từ nay đến cuối năm, ngành quy hoạch có bảo đảm được sẽ hoàn thành quy hoạch 22.000ha theo chỉ đạo của UBND thành phố?

Theo các đại biểu, ngoài lý do lâu nay đã nêu, có một nguyên nhân mới khiến cho công tác quy hoạch bị chậm lại, là do công tác quy hoạch đã giao về cho quận huyện. Ông Phạm Minh Trí, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý thành phố băn khoăn: “Giao cho quận huyện quy hoạch yên tâm chưa?”. 

Ông Trí chỉ ra: trước mắt, nếu để quận huyện làm quy hoạch sẽ chậm, kém hiệu quả. Lý giải nguyên nhân này, ông Huỳnh Hồng Hớn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Bến Thành cho rằng vì "quận huyện không có người, chuyên môn yếu". 

Tuy nhiên, đại biểu Hớn và Lê Văn Trung đều phản đối: “Không thể đá trái banh này về cho quận huyện”. Theo ông Hớn, công việc quy hoạch phải là của sở QHKT: “Phải phân biệt cái nào phân cấp cho quận huyện, cái nào không nên. Không phải “phân cấp mạnh” là việc gì cũng giao cho quận huyện”.

Đồng tình với ý kiến này, quan điểm của ông Trương Trọng Nghĩa là quận huyện chỉ nên hành chính, không nên biến quận huyện thành cấp đa năng. Ông Nghĩa dự báo: “Giao cho 24 quận huyện quy hoạch, không khéo TP.HCM giống như 24 mảnh vá làm thành chiếc áo”.

Theo ông Lê Văn Nin, trong công tác phân cấp quy hoạch về cho quận huyện, Sở QHKT phải chỉ đạo chứ không phải phối hợp với quận huyện, và phải có sự phối hợp của các ngành khác như Giao thông công chính, Xây dựng. “Nếu sở Giao thông công chính làm không tốt, thì sở QHKT phải chịu cảnh quýt làm cam chịu”.

"Đường chấm chấm": nỗi khổ cư dân hẻm nhỏ

“Đường chấm chấm", đó là đường vẽ lộ giới mở rộng con hẻm trong hồ sơ nhà đất nhưng không biết bao giờ thực hiện. Trong buổi làm việc, các thành viên nói nhiều đến cái đường chấm chấm, và xem đó là cái án tai ác khiến người dân khốn khổ. “Sơ đồ nhà mà có đường chấm chấm là người dân không làm gì được. Chỗ đó không hề có giá trị. Không thể mua bán, sang nhượng, thậm chí sửa chữa, xây dựng”, ông Hoàng trăn trở.

Ông Lê Trường Tùng cho rằng, quy hoạch hẻm người dân chấp nhận được, vì con đường trước nhà sẽ rộng lớn hơn. Điều người dân bức xúc là quy hoạch hẻm treo. “Nếu không có kế hoạch triển khai thì đừng vẽ vào, lãng phí và dân kêu” - Ông Tùng nói.

Quan điểm của ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhà đã có chủ quyền, nếu áp đặt hồ sơ vẽ có “dấu chấm chấm” là xâm phạm quyền sở hữu của công dân. Cũng như ông Tùng, ông Nghĩa  đề nghị sửa lại nội dung quy hoạch hẻm: “Hẻm nào có luận cứ rõ ràng thì mở, không có thì bỏ quy hoạch, không để dân khó khăn và không yên tâm”. Ông Nin tiếp lời: “con hẻm chứ có phải cây mía đâu mà róc tuốt tuồn tuột từ trên xuống dưi như vậy?

Hầu hết các thành viên đều cho rằng, không nhất thiết phải mở hẻm từ 4m lên 6m, vì hẻm 4m xe chữa cháy đã vào được.

Những bức xúc của việc quy hoạch khu công viên Đầm Sen quận 11, khu công nghiệp Bình Hòa được phân lô bán đất định cư, việc quy hoạch làm thiệt hại đến nhân dân… cũng đã được các thành viên HĐND đặt ra với ngành chức năng. Quan điểm của các đại biểu là khi quy hoạch, tuyệt đối không được để dân thiệt thòi.

  •  Đặng Vỹ

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tỷ lệ lãnh đạo nữ mới "xê dịch" từ 10 - 15% (21/08/2004)
Cổ phần hoá DNNN: "Ách tắc" từ nhận thức (20/08/2004)
DN tham gia dự án “Hậu cai nghiện” kiến nghị cơ chế (18/08/2004)
"Không nên để Bộ Thương mại phúc thẩm cạnh tranh" (17/08/2004)
Kiểm toán Nhà nước sẽ thuộc Quốc hội hay Chính phủ? (17/08/2004)
Hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài không chịu thuế (13/08/2004)
Chính phủ cấp 119 tỷ đồng đào tạo nhân lực cho DN (12/08/2004)
Mua sắm hàng hoá bằng ngân sách nhà nước phải đấu thầu (12/08/2004)
Thanh niên đóng vai trò gì trong phát triển kinh tế? (12/08/2004)
Miễn giảm thuế thu nhập cho một số DN mới thành lập (11/08/2004)
Hà Nội: Hơn 300 đơn vị đã nhận các chứng chỉ ISO (10/08/2004)
Quá nhiều giấy phép trong lĩnh vực xuất bản! (09/08/2004)
"Kiềm chế tăng giá không để trở lại cơ chế bao cấp" (06/08/2004)
Người lao động tại KCN sẽ bớt khó khăn về nhà ở (06/08/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang