221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
522422
Tổng thống Pháp: VN là đối tác ưu tiên đặc biệt
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Tổng thống Pháp: VN là đối tác ưu tiên đặc biệt
,

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN từ Pari, nhân dịp sắp sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac nhấn mạnh rằng Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng người dân Pháp và là đối tác ưu tiên đặc biệt của Pháp trong thế kỷ XXI.

 
 
Soạn: AM 161325 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Tổng thống Jacques Chirac

- Ngài đánh giá như thế nào về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong những năm qua cũng như triển vọng của mối quan hệ đó trong tương lai?

- Trước chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai của tôi tới Hà Nội, tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng người dân Pháp. Mối quan hệ giữa hai nước chúng ta trong lịch sử đã hết sức gắn bó và giờ đây, chúng ta phải làm cho mối quan hệ đó phát triển hơn nữa. Các hoạt động hợp tác giữa hai bên mang tính tin cậy, mạnh mẽ và đều đặn, nếu không muốn nói là thật tự nhiên. Từ hơn mười năm nay, Cộng hoà Pháp luôn giúp đỡ Việt Nam trong nỗ lực hội nhập vào cộng đồng quốc tế và môi trường khu vực. Pháp sẽ còn tiếp tục giúp đỡ Việt Nam dù là trong quá trình đối thoại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu hay về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới mà chúng ta mong rằng sẽ sớm diễn ra.

Trong 12 tháng gần đây, hai nước đã trao đổi bảy đoàn cấp bộ trưởng. Đó là sự thể hiện cụ thể thành công của chuyến thăm Pari của Chủ tịch Trần Đức Lương tháng 10 năm 2002. Các cuộc tiếp xúc của chúng ta ở cấp Chính phủ còn được bổ sung thêm bởi nhiều đoàn nghị viện (sáu đoàn trong năm 2003) và sức sống mãnh liệt của quan hệ hợp tác giữa các xã, các huyện và các tỉnh của hai nước. Hiện nay, có 60 địa phương của Pháp đang hoạt động tại Việt Nam. Cộng đồng đông đảo người gốc Việt ở Pháp là một nhân tố không thể thay thế tạo nên sự năng động và thông hiểu trong mối quan hệ giữa hai bên. Nói vậy có nghĩa là sự phong phú và dồi dào các mối quan hệ con người đã gắn bó chúng ta lại với nhau.

Pháp mong muốn tích cực ủng hộ cho các hoạt động cải cách và cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Pháp hiện là đối tác phương Tây chủ chốt của Việt Nam. Trong vòng mười năm qua, trao đổi mậu dịch giữa hai nước đã tăng lên gấp ba và lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Pháp đã tăng lên gấp bốn. Các doanh nghiệp Pháp, dù là các tập đoàn công nghiệp lớn hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều tin tưởng vào tương lai của Việt Nam và vào quá trình cải cách đang tiếp diễn, đặc biệt trong lĩnh vực Nhà nước pháp quyền. Các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư vào Việt Nam hơn 2,4 tỷ phrăng. Nhà nước cũng ủng hộ cho sự năng động này và Pháp hiện là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác ưu tiên đặc biệt của Pháp trong thế kỷ XXI. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới trong tương lai. Chúng ta cùng nhau thực hiện một chiến lược cho phép Việt Nam thông qua Pháp thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường châu Âu và vào thế giới Pháp ngữ, và đồng thời cho phép Pháp dựa vào Việt Nam để mở cửa vào châu Á.

Pháp chia sẻ những khát vọng của Việt Nam. Là đối tác trong quá trình phát triển của Việt Nam, Pháp ủng hộ hết mình cho các chính sách phát triển đô thị ở miền Trung, cho Hà Nội thông qua việc xây dựng tuyến xe điện và cho thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc hiện đại hóa lĩnh vực chiếu sáng công cộng. Ý thức được tầm quan trọng của việc đào tạo thế hệ trẻ ở Việt Nam, Pháp đã coi giáo dục là một ưu tiên trong chính sách hợp tác của mình. Pháp mong muốn giữ được vị thế là "lò" đào tạo những cán bộ ưu tú cho Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi sẽ thành lập tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh các trung tâm đại học của Pháp nằm trong Trường đại học quốc tế của Việt Nam.

Mặt khác, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp đón những sinh viên xuất sắc nhất sang Pháp học tập. Chúng tôi tin tưởng rằng việc lớp trẻ Việt Nam được đào tạo các kiến thức khoa học có chất lượng trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động hợp tác giữa hai nước chúng ta trong các lĩnh vực công nghệ cao như vệ tinh hay năng lượng nguyên tử vì mục đích dân sinh, vốn là những lĩnh vực mà khả năng của Pháp đã được thế giới thừa nhận cả trên lĩnh vực thể chế lẫn trên khía cạnh công nghiệp.

- Theo ngài, Việt Nam và Pháp cần phải làm gì để phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy mối quan hệ Á-Âu trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và văn minh?

- Những công việc mà Việt Nam và Pháp đã cùng nhau thực hiện để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) là một ví dụ tuyệt vời về việc hai nước có thể cùng nhau thực hiện để vượt qua các trở ngại và giúp cho quá trình đối thoại vốn dĩ cần thiết này giữa châu Á và châu Âu trở nên thực chất.

Bởi lẽ chúng ta đã biết cách nói chuyện với nhau và lắng nghe nhau để vượt qua gánh nặng của quá khứ, bởi lẽ chúng ta là minh chứng cho sự hoà hợp, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có quyền gửi tới thế giới một thông điệp hoà bình, hợp tác và bác ái. Đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh đối với hai nước chúng ta không phải là một khái niệm trừu tượng và là thực tế thường nhật.

Việt Nam và Pháp thực tế cùng có chung lòng thiết tha không nhạt phai với bản sắc của mình, với nền văn hóa của mình, với di sản lịch sử của mình và đặc biệt với ngôn ngữ mà chúng ta cùng sử dụng. Nhân đây, tôi xin được hoan nghênh sự gắn bó của Việt Nam với phong trào Pháp ngữ. Việc tăng cường các hoạt động hợp tác vượt ra ngoài khu vực châu Á, đặc biệt là các dự án phát triển trong lĩnh vực y tế mà chúng ta khởi sướng ở khu vực Tây Phi, đã chứng tỏ hai nước chúng ta cùng có quan điểm mở cửa ra thế giới.

- Pháp là một trong những nước tiên phong trong việc thúc đẩy trao đổi văn hóa Đông-Tây, xin Ngài cho biết những ưu tiên của Pháp trong tiến trình này nói chung và trong các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Pháp và Việt Nam nói riêng?

- Pháp rất quan tâm đến trao đổi văn hóa giữa các châu lục và đặc biệt là giữa châu Âu và châu Á. Đó là một tiến trình vun đắp và khám phá lẫn nhau, nhưng cũng là một quá trình chấp nhận những sự khác biệt của nhau trên cơ sở tôn trọng những giá trị chung của Tuyên ngôn về Nhân quyền. Trong khuôn khổ đó, chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình nhằm làm nổi bật những kho báu còn ít được biết đến của các đối tác của mình. Triển lãm về Nghệ thuật Chăm của Việt Nam tại Pari vào năm 2006 sẽ là một sự kiện hết sức đặc biệt. Chúng tôi sẽ dành nguồn lực đáng kể trong ba năm tới để phát huy di sản tại năm bảo tàng lớn của Việt Nam ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đắc Lắc.

Việc xúc tiến các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các nghệ sĩ và các cán bộ chuyên môn ngành văn hóa cũng rất quan trọng. Vì vậy, tôi xin được chúc cho các mối quan hệ này ngày càng được tăng cường. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta không thể để cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chỉ được coi như các hàng hóa thông thường.

Giữ gìn tính đa dạng văn hóa có một ý nghĩa đặc biệt, nên các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cần có cách xử lý riêng trong khuôn khổ Tổ chức Thưng mại Thế giới. Với quan điểm đó, Pháp khẳng định lại quyền của các quốc gia và chính phủ tham gia ký kết Tuyên ngôn Bâyrút của các nước Pháp ngữ được tự do xác định chính sách văn hóa của mình cũng như các phương tiện nhằm thực hiện chính sách này.

Quan hệ trao đổi văn hóa giữa Pháp và Việt Nam vốn dĩ gắn liền với sự ngưỡng mộ lẫn nhau từ lâu rồi. Các hoạt động này liên quan đến tất cả các lĩnh vực nghệ thuật mà minh chứng từ nhiều năm nay là thành công của Festival Huế, một hoạt động được sự trợ giúp của các vùng No Pađơ Cale và Poatu Sarăng. Sân khấu, âm nhạc với sự giúp đỡ dành cho dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, khiêu vũ, nhiếp ảnh cùng với Trường nhiếp ảnh Áclơ hay chương trình đào tạo các kỹ thuật viên ngành biểu diễn sẽ được bắt đầu vào năm 2005 là những dự án mà chúng ta phải xắn tay vào.

Việc khai trương L'Espace - Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội - mùa Thu năm 2003 cũng như phát huy những nguồn tư liệu nghe nhìn và ảnh của Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) tại Thành phố Hồ Chí Minh tạo cho chúng ta có thêm tiềm năng mới để phát triển quan hệ. Điều đó cho phép các hoạt động hợp tác được cảm nhận rõ nét hơn cả trong quảng đại công chúng lẫn trong những đối tượng công chúng đặc thù.

- Lần này trở lại thăm Việt Nam, ngài có muốn nói điều gì với nhân dân Việt Nam không?

- Trước hết, tôi muốn nói với nhân dân Việt Nam niềm vui được trở lại mảnh đất Việt Nam mà tôi rất yêu mến và xin gửi tới nhân dân Việt Nam những lời chúc hữu nghị nhất. Tiếp đó, tôi muốn khẳng định lại với nhân dân Việt Nam quyết tâm của mình sẽ tiếp tục coi Việt Nam là một ưu tiên đối với Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác. Cuối cùng, tôi xin được bày tỏ với nhân dân Việt Nam niềm tin rằng nếu như Việt Nam và Pháp có được những mối quan hệ đặc biệt đến như vậy thì không chỉ nhờ di sản từ quá khứ mà còn bởi niềm tin và hy vọng vào tương lai và vào con tim.

(Theo TTXVN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,