221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
531921
Bản lĩnh, nỗ lực VN góp phần làm nên kỳ tích ASEM5
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Bản lĩnh, nỗ lực VN góp phần làm nên kỳ tích ASEM5
,

(VietNamNet) - “VN có quyền tự hào vì đã lập nên một “kỳ tích” tại ASEM5. Với bản lĩnh và nỗ lực phi thường, VN đã góp phần cho một Cấp cao Hà Nội mang tầm vóc lịch sử”. Ông Nguyễn Trung Thành, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban ASEM SOM VN đã cùng VietNamNet nhìn lại một ASEM5 với những dấu ấn đậm nét Việt Nam.

Soạn: AM 169253 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Nguyễn Trung Thành.

 

- Chúng ta đã có một Hội nghị cấp cao ASEM như thế nào, thưa ông?

 

- Nếu nói một cách ngắn gọn về ASEM5 thì chỉ có thể dùng hai chữ “tuyệt vời” dưới bất kỳ một thước đo nào, tiêu chuẩn nào.

 

Chúng ta đã có  một Cấp cao Hà Nội mang tầm vóc lịch sử trong quá trình phát triển của ASEM. Trước hết, đây là hội nghị cấp cao lớn nhất với sự tụ hội của 39 thành viên, một hội nghị cấp cao có số lượng nguyên thủ đến dự nhiều nhất trong lịch sử ASEM. Và cũng chưa bao giờ các cuộc thảo luận của các nguyên thủ lại có trọng điểm và sâu rộng đến như vậy. Các nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm vượt lên đối thoại để đi vào hợp tác thiết thực.

 

Ngoài ra, qua ASEM5, thế giới thấy được hình ảnh của một nước VN hoà hiếu, mến khách, có một nền văn hiến hàng nghìn năm, đồng thời có tinh thần tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, một VN rất “an toàn”. Tôi nghĩ tất cả những điều đó đã làm nên một “kỳ tích VN” mà mọi người VN đều có quyền tự hào.

 

- Nhưng trước đó, không ít ý kiến bình luận rằng, đây là một Hội nghị Cấp cao có nhiều “trắc trở” nhất từ trước đến nay?


- Đúng vậy. Hai năm trước, khi ta đăng ký tổ chức ASEM, mặc dầu các nước cũng đã biết tới năng lực của VN, nhưng có lẽ chưa ai lường hết được những khó khăn, phức tạp để đi tới Hội nghị Cấp cao này. Thậm chí, ngay sát thềm Hội nghị không lâu, đã xuất hiện đâu đó ở cả hai phía Á - Âu một sự nản chí, nghi ngờ không biết Cấp cao Hà nội có diễn ra hay không.

 

- Những khó khăn đó là gì, thưa ông?

 

- Khó khăn lớn nhất là lần đầu tiên hai bên xử lý vấn đề mở rộng thành viên. Việc kết nạp thành viên lần này vướng phải lập trường của một số nước Châu Âu đối với tình hình của Myanmar, nước dự kiến xem xét kết nạp trong đợt này. Sự khác biệt về quan điểm, cách thức tiếp cận đã tạo ra một không khí khá nặng nề. Hai bên đã từng nghĩ rằng không thể vượt qua được trở ngại lớn này.

 

Khó khăn thứ hai là, trong 8 năm qua, ASEM đã đi được một chặng đường có ý nghĩa, nhưng vẫn chỉ mang tính chất định hình. Có những tranh luận rằng, cần tập trung đối thoại hay hợp tác, hay vừa phải đồng thời củng cố đối thoại và đi sâu vào hợp tác

 

Cũng cần nói thêm rằng, ngay đêm trước Hội nghị thôi cũng có bình luận nói rằng, Hội nghị này hoặc sẽ chỉ mang tính hình thức, hoặc bị nhấn chìm bởi vấn đề Myanmar. Tuy nhiên thực tế đã không diễn ra như vậy.

Quang cảnh phiên khai mạc ASEM5.

 

- Trở lại vấn đề mở rộng thành viên. Những khác biệt xung quanh vấn đề Myanmar đã từng khiến tiến trình ASEM bế tắc suốt 18 tháng, thậm chí hai cuộc họp cấp Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính bị hoãn. Vậy VN đã vượt qua trở ngại đó như thế nào để có một Cấp cao Hà Nội?

 

- Có lẽ hiếm khi chúng ta gặp phải một thách thức ngoại giao phức tạp đến như vậy. Đó là thách thức đối với khả năng và vị thế của VN. Tiếng nói của chúng ta có đủ trọng lượng hay không, nghệ thuật ngoại giao của chúng ta có đủ tinh tế hay không để đưa hai châu lục này tiếp tục khẳng định giá trị, lý do tồn tại vốn có của ASEM khi tiến trình này ra đời 8 năm trước. Hay là tiến trình này đi vào giai đoạn bế tắc, trì trệ chỉ vì một sự khác biệt quan điểm, sự áp đặt quan điểm của đối tác này lên đối tác khác.

 

Với tư cách điều phối viên trong 4 năm qua và là chủ nhà Hội nghị, VN đã vận dụng mọi khả năng, tiến hành mọi hình thức tiếp xúc ở nhiều cấp khác nhau để nắm bắt nguyện vọng, tìm ra mẫu số chung, từ đó đưa các bên xích lại gần nhau, thu hẹp điểm bất đồng trên tinh thần đề cao nguyên tắc của quan hệ đối tác là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, tích cực, thẳng thắn. Chưa có đợt hoạt động ngoại giao nào mà chúng ta lại cử nhiều đặc phái viên đến thế, đi rất nhiều nước ở Châu Âu, Á ở cấp Bộ trưởng, Trưởng Som, vận động quyết liệt ở Thủ đô các nước.

 

Điều mà VN đã làm được là thuyết phục các bên đi tới nhận thức chung rằng, cần phải có quan điểm thẳng thắn nhưng phải tích cực, xây dựng và trách nhiệm chung đối với tiến trình ASEM, hướng về phía trước, không để một vấn đề dù lớn đến đâu lại có thể chặn đứng con tàu ASEM. Nhờ đó, qua từng giai đoạn, chúng ta có thể biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự và tiểu sự thành vô sự.

 

Ở đây phải nói tới nỗ lực của VN, bản lĩnh, sự khéo léo, linh hoạt của phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nói là “tâm công” để các bên từ 38 ngả đường có thể hội tụ về Hà Nội.

 

- Đây cũng là lần đầu tiên, VN tiếp nhận một lực lượng phóng viên hùng hậu đến đưa tin về hội nghị?

- Việc xây dựng một Trung tâm Báo chí quốc tế cũng đã được chuẩn bị từ lâu do đón được nhu cầu của một số lượng lớn phóng viên nước ngoài đến đưa tin về một hội nghị quốc tế quan trọng. Qua tiếp xúc với các phóng viên, tôi được biết Trung tâm Báo chí đã gây được ấn tượng lớn trên hai phương diện. Thứ nhất là công nghệ ở đó rất tiên tiến, có thể so sánh với bất kỳ một nước Châu Á tiên tiến nào khác. Điểm thứ hai là sự hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin. Hàng ngày chúng ta đều cung cấp các thông cáo báo chí về nội dung từng cuộc họp hay gặp gỡ song phương, từ đó giúp báo chí có hướng đăng tải thông tin về hội nghị. Nước chủ nhà cũng cố gắng tạo một không gian cởi mở, tự do đi lại cho các phóng viên tác nghiệp.

 

- Nhận định về ASEM, nhiều người vẫn cho rằng, vì đây là một diễn đàn đối thoại không chính thức nên những khuyến nghị mang tính thực chất không nhiều. Với chủ đề “Tiến tới quan hệ đối tác Á - Âu sống động hơn, thực chất hơn”, Cấp cao Hà Nội có tạo nên sự khác biệt?

 

- Tôi muốn nói lại một chút về khó khăn mà tôi đã đề cập ở trên trong cách tiếp cận khác nhau về ASEM. Trên cơ sở nhìn nhận lại 8 năm qua, chúng ta đã “bắt mạch” được dòng chảy chính để từ đó “tấu lên bản hoà tấu Hà Nội”. Cấp cao Hà Nội là cơ hội lịch sử để nhân dân và lãnh đạo hai châu lục đưa ra một thông điệp: ASEM là cần thiết, Á - Âu là hai đối tác tự nhiên, tiềm năng hợp tác to lớn nhưng cần một ý chí chính trị mạnh mẽ để khai thác tiềm năng và biến quan hệ đối tác đó trở nên sống động và thực chất hơn.

 

Từ những diễn biến của Hội nghị, có thể thấy tất cả các nước đều nhận thức nhu cầu phải làm cho hợp tác Á - Âu trở nên thực chất và sống động hơn, biến Cấp cao Hà Nội thành Cấp cao của đổi mới trong tầm nhìn, đổi mới trong quyết tâm và hướng hành động, theo đó tăng cường hợp tác trên cả 3 trụ cột một cách “đều tay” hơn. Bên cạnh đối thoại chính trị bình đẳng, xây dựng cũng cần phải làm cho quan hệ đối tác kinh tế đi vào thiết thực hơn nữa.

 

Cũng trên tinh thần đó, lần đầu tiên các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu và đệ trình những kiến nghị lên các nguyên thủ. Và đây cũng là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thông qua một tuyên bố về kinh tế.

Bế mạc ASEM5.

 

- VN đã tận dụng được những cơ hội gì từ ASEM5, thưa ông?

 

- Trước tiên, ASEM5 đã khẳng định bước trưởng thành của ngoại giao VN, làm tăng vị thế và tiếng nói của VN trên trường quốc tế.

Năm 2008-2009, chúng ta sẽ ứng cử làm thành viên không thường trực của HĐBA. Thành công của ASEM5 đã củng cố lòng tin của các nước rằng, VN có thể đóng góp tích cực vào các nỗ lực đa phương. Nói cách khác, sự ứng cử của chúng ta càng thêm sức thuyết phục. Ngoài ra, chúng ta sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2006 và Cấp cao ASEAN 2010 nên rõ ràng ASEM5 đã tạo đà cho những nỗ lực ngoại giao đa phương của VN.

 

Hơn nữa, các vị lãnh đạo từ 38 nước đến đây mang theo không chỉ tình cảm mà cả những thiện chí, dự án, kế hoạch để củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác với VN. Trong dịp ASEM 5, VN đã ký kết 45 văn kiện hợp tác song phương với nhiều nước khác nhau. Đó là những kết quả thiết thực và cụ thể.

 

Cũng nhân ASEM 5, chúng ta đã tổ chức được Hội nghị cấp cao VN  - EU đầu tiên. Chưa một thành viên ASEAN nào có được hội nghị như vậy. Hội nghị này đã có những cuộc thảo luận sâu sắc, góp phần giúp VN và EU đạt được một thoả thuận về vấn đề gia nhập WTO của VN.

 

Đó còn là cơ hội quảng bá hình ảnh VN với thế giới. Các vị lãnh đạo, các nhà báo và người nước ngoài đến đây sẽ là cầu nối để đưa một VN năng động, đổi mới và rất an toàn đến với thế giới. Có lẽ không có một Cấp cao nào lại có cảnh tượng các nguyên thủ đi bộ từ Hội trường Ba Đình về Trung tâm Hội nghị Quốc tế dưới ánh nắng thu Hà Nội.


- Xin cảm ơn ông!

  •       Thảo Lam (thực hiện)

 

 

Với việc tổ chức thành công Hội nghị ASEM 5, VN đã cho  thế giới thấy khả năng của mình. Tôi thật sự ấn tượng về cách tổ chức hội nghị lần này, đặc biệt là Thủ tướng Phan Văn Khải đã chủ trì chương trình nghị sự rất có hiệu quả mà kết quả là tất cả các sự kiện đều kết thúc có nội dung”.

(Thủ tướng Nhật Bản Koizumi)

 

 

Vai trò của Việt Nam là vô cùng quan trọng để giúp đạt được những kiến nghị cụ thể trong việc đưa quan hệ Á - Âu đi vào thực chất.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,