221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
551278
Trò chơi WTO: Hai bên cùng phải thắng!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Trò chơi WTO: Hai bên cùng phải thắng!
,

(VietNamNet) - Sau một tuần tiếp xúc và làm việc với các quan chức VN nhằm chuẩn bị cho phiên đàm phán đa phương thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 15/12 này, ông Ho Seung tỏ ra khá lạc quan về triển vọng gia nhập WTO của VN tại Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên của Tổ chức này diễn ra tháng 12/2005 tại Hongkong.

"VN đang có cơ hội thuận lợi để gia nhập WTO vào thời điểm đó", ông Ho nói.

Ông Seung Ho "VN đang có cơ hội thuận lợi để vào WTO cuối năm 2005"

"VN đã chuẩn bị tốt cho phiên đàm phán thứ 9"

- Sau các cuộc làm việc với các quan chức VN vừa qua, ông nhận xét như thế nào về sự chuẩn bị của VN cho phiên đàm phán đa phương sắp tới?

- Tôi đã gặp Phó Thủ tướng Vũ Khoan và có cuộc làm việc với Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán VN. Chúng tôi đã thảo luận những vấn đề mang tính chiến lược giúp xây dựng nội dung phiên họp của nhóm làm việc.

Cho đến nay, Chính phủ VN đã chứng tỏ một cách hết sức rõ ràng là họ có thể làm được những gì để trở thành thành viên của WTO. Mặc dù có những khó khăn trong nước, phái đoàn của VN đã cố gắng thích ứng với yêu cầu của các quốc gia thành viên. Tất nhiên là vẫn còn một số khó khăn và tranh cãi cần phải giải quyết.

Trước hết, VN đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của các nước thành viên về việc mở cửa thị trường hơn nữa trong lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ. Các bạn cũng đang tiến hành sửa đổi luật lệ để phù hợp với các chuẩn mực của WTO. Tôi nghĩ là Chính phủ VN đã nhiều cuộc thảo  luận khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp tại Geneva.

Ngoài ra, còn có một số vấn đề khác như cấp phép xuất khẩu (export licensing), vận chuyển hàng hải,...Nhưng thực sự VN đang có những nỗ lực lớn.

- Vậy theo ông, VN đã đi được bao xa trong tiến trình gia nhập WTO?

- Xét trên khía cạnh song phương, VN đã đạt được thoả thuận với EU và một số nước. Trong đó, việc kết thúc đàm phán với EU là thành tựu quan trọng nhất. Nó sẽ là một đòn bẩy tốt giúp VN gia nhập WTO. Mặc dù vậy, vẫn còn một số nước mà VN vẫn đang phải đàm phán như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Cuối tháng 11, VN vừa có cuộc thương lượng với phía Nhật Bản và hồi đầu tháng 10, các bạn đã tổ chức được một vòng thương thảo với Mỹ. Những kết quả vừa đạt được khá tích cực, cho dù VN vẫn chưa kết thúc đàm phán được với các nước này. Nhưng tôi có ấn tượng là Chính phủ VN đang cố gắng đạt được thoả thuận khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái. Theo tôi, đây là một động lực tốt.

Về mặt đa phương, có một số đòi hỏi của các thành viên hiện vẫn chưa được đáp ứng như nhượng bộ nhiều hơn của VN trong việc mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ, những thay đổi trong lĩnh vực luật pháp nhằm phù hợp với tiêu chuẩn của WTO. Có thể VN sẽ phải chỉnh sửa các luật hiện hành hoặc cho ra đời những luật mới. Tôi đã chứng kiến rất nhiều nỗ lực của VN trong vấn đề này.

Được biết, Quốc hội VN đã soạn thảo và thông qua rất nhiều luật mới nhằm phù hợp với chuẩn mực của WTO. Điều này thực sự sẽ có tác động tốt đến các thành viên của nhóm công tác. Song VN cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch của hệ thống pháp lý trong lĩnh vực thương mại.

Điều mà tôi có thể nói lúc này là VN đang đi đúng hướng. Các bạn đang có cơ hội lớn để trở thành thành viên WTO tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại HongKong tháng 12/2005.

- Ông tin tưởng VN sẽ trở thành thành viên WTO vào tháng 12/2005 như mong muốn?

- VN thực sự đang có cơ hội thuận lợi để hoàn tất đàm phán và trở thành thành viên WTO đúng lúc. Tôi cũng nhận thấy mong muốn như vậy từ phía chính phủ và đoàn đàm phán. Các bên đã làm việc chặt chẽ với nhau, cùng nhau xác định một lộ trình, trong đó chỉ rõ những bước đi sẽ được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu gia nhập WTO. Việc kết thúc thành công đàm phán song phương với EU đã chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, VN còn rất nhiều việc phải làm và cần nỗ lực thực sự.

- Vòng đàm phán thứ 9 này sẽ có ý nghĩa như thế nào đến tiến trình gia nhập WTO của VN, thưa ông?

- Lần này chúng tôi bắt đầu thảo luận về văn bản lần thứ nhất của dự thảo báo cáo. Đối với bản dự thảo báo cáo, chúng tôi sẽ trao đổi về nhiều yếu tố như VN sẽ phải làm những gì trước khi gia nhập, VN sẽ làm gì sau một giai đoạn quá độ nhất định. Đây là điều khoản đối xử đặc biệt với các nước đang phát triển, đặc biệt với một nước phát triển trình độ thấp như VN. VN sẽ được quyền thực thi một số hành động bảo vệ lợi ích của mình. Đây là một bước tiến quan trọng, có thể nói gần như VN đang tiến tới những vòng cuối cùng trước khi được kết nạp vào WTO.

Trong bản dự thảo này, vẫn còn một số vấn đề như luật pháp trong nước, hệ thống hàng rào thuế quan và phi thuế quan, giấy phép xuất khẩu, hệ thống hai giá. Tôi được biết, gần đây VN đã xoá bỏ cơ chế hai giá đối với hàng không nhưng hệ thống này vẫn tồn tại trong một số ngành như điện, nước.

- Theo ông, đâu sẽ là vấn đề khó nhất mà VN  phải đối mặt tại phiên đàm phán tới?

- Vấn đề đầu tiên là VN cần nhanh chóng thông qua những luật lâm thời điều chỉnh thương mại quốc tế. Các thành viên WTO thường đòi hỏi phải có luật tạm thời một cách nhanh chóng. Mặt khác, một số quốc gia như Úc, Canada, Nhật, Mỹ bày tỏ nhiều quan ngại về thị trường tài chính, công nghiệp ô tô...

"Vào WTO 2005: cơ hội trong tầm tay VN"

"VN cần tận dụng tối đa thời kỳ quá độ để thích nghi với cạnh tranh"

- Tuy VN đã đạt được thoả thuận song phương với đối tác thương mại lớn nhất là EU song VN vẫn chưa thể kết thúc đàm phán với một số đối tác khó khăn như Mỹ, Nhật, Trung. Nhiều người cho rằng VN sẽ không dễ dàng đạt được thoả thuận với những nước này để kịp gia nhập WTO vào năm 2005. Ông nghĩ sao?

- Đúng là VN đã rất thành công trong đàm phán với EU, đối tác lớn nhất. Tôi hy vọng đoàn đàm phán của Mỹ sẽ tỏ ra linh hoạt hơn và đặt ra những điều khoản tốt hơn khi tới Geneva. Thời gian vừa qua, họ đã phát đi những tín hiệu rất tích cực cho triển vọng gia nhập của VN.

Chẳng hạn như mặc dù rất khó khăn song họ đã đồng ý với bản soạn thảo lần thứ nhất của dự thảo báo cáo của nhóm công tác. Đặc biệt, trong cuộc họp đa phương hồi tháng 6, họ cũng đồng ý mở tiếp phiên thứ 9 vào trung tuần tháng 12 này. Việc Mỹ tán thành mở hai phiên đàm phán trong vòng một năm là một tín hiệu rất tốt cho VN.

Tới đây, tôi sẽ gặp phái đoàn của Mỹ tại Geneva và có những cuộc thảo luận nghiêm túc với họ về những vấn đề mà VN đang phải đối mặt. Tôi có thể giải thích với họ và tìm kiếm một sự hiểu biết chung.

Đối với Nhật, tôi cảm thấy lạc quan rằng họ sẽ đạt được thoả thuận với VN vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Đàm phán WTO không phải trò chơi một thắng một thua

- Như ông có nói, nông nghiệp là luôn là lĩnh vực đàm phán khó khăn tại WTO. Vừa rồi có một báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng người nông dân VN có thể bị thua thiệt nhiều khi VN phải mở cửa thị trường này theo những đòi hỏi rất cao của các nước giàu.

- Nông nghiệp luôn là một lĩnh vực rất quan trọng với VN. Khoảng 80% dân số VN sống bằng nông nghiệp. Đối với mọi quốc gia, bất kể nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hay nhỏ thì nó luôn là một lĩnh vực nhạy cảm khi mở cửa thị trường, bởi ngành này chứa đựng cả những yếu tố  liên quan đến chính trị.

Tuy nhiên, khi vào WTO, mỗi nước được quyền có một thời gian quá độ nhất định để áp dụng các quy định mới. Đối với vấn đề trợ cấp của Chính phủ, các bạn có thể yêu cầu một giai đoạn quá độ khoảng 7 năm hay 10 năm. May mắn là gạo và bông của VN có khả năng cạnh tranh khá tốt. Tuy nhiên, ngành mía đường thì không được tốt như vậy. Những lĩnh vực này có lẽ là quan trọng mà phái đoàn đàm phán cần phải giải quýêt.

- Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Khoan có nói rằng nông nghiệp không phải là quan ngại của VN vì VN hiện đang có thế mạnh về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Theo Phó Thủ tướng, dịch vụ mới là lĩnh vực mà VN phải đắn đo nhiều nhất vì ngành này hiện quá yếu. Lời khuyên của ông?

- Mọi quốc gia đều có khó khăn khi mở cửa thị trường dịch vụ cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ, nền kinh tế có thể điều chỉnh từng bước một để thích nghi và chấp nhận sự cạnh tranh từ nước ngoài, không phải bằng sự can thiệp của luật lệ vì điều này là bất khả thi. Đó là lý do vì sao mà tôi muốn nhấn mạnh rằng VN cần tận dụng triệt để giai đoạn quá độ. Đối với một số lĩnh vực, các nước được quyền đòi hỏi một thời kỳ quá độ, có thể là 5, 7 hay 10 năm để mở cửa thị trường cho nước ngoài. Sự cạnh tranh đâu xảy ra ngay lập tức, hay vào năm sau, hai năm sau. Đó là một thời kỳ đủ dài để thích nghi và tồn tại.

Dĩ nhiên là mọi hình thức đàm phán đều phải có cách tiếp cận cân bằng. Trò chơi kiểu WTO cần phải là trò chơi cả hai đều thắng chứ không phải là một thắng một thua. Tôi chắc chắn rằng mọi cuộc chơi khi về cuối sẽ ngã ngũ. Đoàn VN đang có những nỗ lực hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu của mình.

  • Việt Lâm
    thực hiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,