221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
552550
Vì sao Singapore mặn mà "kết nối kinh tế" với VN?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Vì sao Singapore mặn mà 'kết nối kinh tế' với VN?
,

(VietNamNet) - "Kết nối kinh tế với Singapore sẽ giúp tiếp thêm "nhiên liệu" mới cho cỗ máy kinh tế VN đang trên đà tăng trưởng". Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Hng Kian nhận xét với VietNamNet.

Ông này cũng tiết lộ, Bộ Công thương Singapore sẽ cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư VN phụ trách xúc tiến ký kết thoả thuận cuối cùng về việc thực hiện sáng kiến kết nối kinh tế cũng như hoạch định chương trình hành động trong vài tháng tới.

Tiếp nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế VN

Bộ trưởng Lim Hng Kian: "Kết nối kinh tế với Singapore sẽ tiếp thêm nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế VN"

Sáng kiến kết nối kinh tế được cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong khởi xướng nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải đến nước này hồi tháng 3 năm nay.

Rất nhanh chóng, các nhà lãnh đạo VN đón nhận ý tưởng này một cách hào hứng.

Hồi tháng 7, hai phía có cuộc thảo luận đầu tiên về "kết nối kinh tế" trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Và đến cuộc hội đàm ngày 6/12 giữa Tân Thủ tướng Lý Hiển Long và Thủ tướng Phan Văn Khải, hai phía một mặt tái khẳng định tiềm năng của dự án, mặt khác đã bàn thảo các biện pháp triển khai kết nối trên những lĩnh vực cụ thể.

Câu hỏi là: thế nào là kết nối kinh tế? Một hình thức cao hơn của hợp tác kinh tế? Và VN thu được gì từ liên kết với quốc đảo này?

Theo mô tả của các nhà lãnh đạo Singapore thì đó là việc hai nước sử dụng các nguồn lực của nhau để cùng hợp tác phát triển kinh tế. Và chìa khoá ở đây là lợi dụng lực đòn bẩy từ sức mạnh của nền kinh tế Singapore để khởi động tăng trưởng kinh tế của VN trong những lĩnh vực cụ thể.

Những lĩnh vực được xác định gồm: đầu tư, thương mại dịch vụ, vận tải, tài chính, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo. Đây cũng là những ngành mà Singapore đã xác lập vị trí của mình như một trung tâm quốc tế trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo VN cho biết VN hy vọng tận dụng các thế mạnh này của Singapore để nhận được chuyển giao tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng với các nền kinh tế phát triển.

Còn Bộ trưởng Công thương Singapore Lim Hng Kian thì ví von cỗ máy kinh tế VN đang trên đường chạy nhanh và "Việc kết nối với Singapore, nền kinh tế đã có cơ sở hạ tầng phát triển giống như tiếp thêm nhiên liệu cho động cơ. Khi động cơ được tiếp thêm một nguồn năng lượng khác, nó có thể chạy khoẻ hơn, xa hơn".

Ông Lim dẫn chứng bằng những biện pháp và lợi ích cụ thể trong kết nối đầu tư, lĩnh vực mà Singapore đang chiếm vị trí quán quân tại VN.

"Hai nước có thể liên kết nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở VN. VN có thể tiếp thu các kinh nghiệm của Singapore trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách cải thiện môi trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng có thể áp dụng những kinh nghiệm có được từ mô hình rất thành công của Khu Công nghiệp VN-Singapore ở phía Nam VN. Khu CN này đã tạo ra các dịch vụ một cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó các thủ tục và chính sách rất minh bạch".

Ông này cũng nhắc tới các hình thức xúc tiến đầu tư hỗn hợp:

"Ý tưởng của chúng tôi là vận động đầu tư chung tại Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ theo hình thức liên doanh giữa các nước này và Singapore đầu tư vào VN. Hồi đầu tháng 7 năm nay, VN và Singapore đã cùng phối hợp tổ chức Hội nghị về Đầu tư nước ngoài tại VN. Sau đó, hai bên cũng triển khai xúc tiến đầu tư hỗn hợp tại Nhật Bản".

Trung tâm Việt Nam đang hoạt động tại Singapore là mô hình thử nghiệm của hình thức xúc tiến đầu tư mới mẻ này.

"Hơn 6000 tập đoàn đa quốc gia đang có trụ sở ở Singapore khi muốn tìm hiểu các dự án đầu tư vào VN có thể đến trung tâm này". Người đứng đầu Bộ Công thương Singapore cho biết.

Những hứa hẹn khác cũng được đưa ra như niêm yết các công ty VN trên thị trường chứng khoán Singapore nhằm giúp các DN này huy động nguồn vốn từ đầu tư tư nhân gián tiếp; chuyển giao các  công nghệ xây dựng thị trường tài chính và thị trường vốn của Singapore cho Hà Nội và TP HCM, đưa các cán bộ ngành tài chính sang Singapore đào tạo.

Cuối cùng, nguồn nhân lực được cả hai phía đề cập như một yếu tố then chốt. Theo đó, phía Singapore tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho nhiều sinh viên và công chức VN thụ hưởng nền giáo dục đào tạo bậc cao của nước này.

Lợi ích hai chiều: sức hấp dẫn từ một thị trường 82 triệu dân

Nhưng kết nối kinh tế là "cuộc chơi cả hai cùng thắng". Theo mô tả của ông Lim, Singapore nhìn thấy rất nhiều lợi ích tiềm năng từ việc liên kết với VN, một quốc gia 80 triệu dân và mỗi năm tăng trưởng kinh tế trên 7%.

"Chúng tôi hiểu rằng Singapore rất nhỏ bé trong khi cùng với thời gian nền kinh tế VN ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ và trở nên lớn hơn so với Singapore. Khi đó, VN sẽ thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài. Singapore rất hài lòng nếu được kết nối với kinh tế VN và tận dụng những cú hích từ đó".

Xây dựng các liên kết với bên ngoài như một đòn bẩy cho nền kinh tế quốc nội đã được các nhà lãnh đạo Singapore xác định như một chiến lược lâu dài. Ngoài một loạt các hiệp định tự do thương mại với các nước phát triển bên ngoài ASEAN, giờ đây con rồng Châu Á này đang nhắm tới VN như một thị trường tiềm năng.

Ông Lim thì so sánh chuyện liên kết như việc "gắn Singapore vào cỗ máy kinh tế năng động của VN".

Người Singapore nhận thức rằng lợi ích đó là câu chuyện về lâu về dài, giống như một khoản đầu tư dài hạn nhưng sinh lời lớn.

"Trong thời gian trung hạn, VN sẽ thấy nhiều lợi ích từ việc kết nối với Singapore còn về mặt dài hạn, chúng tôi sẽ nhận được rất nhiều từ việc liên kết với cỗ máy VN".

Bộ trưởng Bộ Công thương Singapore nói.

Thế nhưng, trên thực tế, có thể cảm nhận những lợi ích ngay trước mắt của quốc đảo này tại VN.

Với 7.8 tỷ USD vốn đầu tư, Singapore khẳng định vị trí số 1 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Hầu hết các công ty của nước này đều lựa chọn VN như "cổng vào Đông Dương của Singapore". Hoạt động hiệu quả và làm ăn có lãi là câu chuyện phổ biến của những DN Singapore đang có mặt tại VN.

Đương nhiên, một môi trường đầu tư ổn định, ngày càng thông thoáng và đủ ưu đãi là những gì các công ty này yêu cầu.

Liệu VN có thể tận dụng sức mạnh của kinh tế Singapore?

Thương mại hai chiều những năm gần đây cũng chứng kiến đà tăng trưởng ngoạn mục. Năm ngoái, kim ngạch buôn bán giữa hai nước là 3,9 tỷ USD. Mới chỉ nửa đầu năm nay, con số này đã là 3.6 tỷ USD.

Hai nước cũng vừa kết thúc đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO khi hai Bộ trưởng cùng chính thức ký kết vào văn bản thoả thuận hôm 6/12.

Một số lớn những người VN được đào tạo tại Singapore bằng nguồn tiền của Chính phủ nước này đang ở lại làm việc tại quốc đảo này.

Lộ trình kết nối

Nhiều chuyên gia phân tích đặt vấn đề về khả năng hiện thực hoá liên kết giữa một nền kinh tế phát triển và một nước đang phát triển.

Nhưng ông Lim, người chịu trách nhiệm xây dựng chương trình hành động cho biết hai phía đang xác định một lộ trình cụ thể.

Trước mắt, hai nước đã đồng ý tăng cường các liên kết về hàng không và vận tải biển. Trong đó, Singapore đang cân nhắc tăng thêm nguồn ngân sách cho hãng hàng không nước này để mở thêm nhiều chuyến bay nữa tới TP. HCM.

Ông Lim cho biết, Chính phủ Singapore cũng đang xem xét hỗ trợ TP. HCM nâng cấp hệ thống sân bay.

Một hiệp định tạo khuôn khổ cho việc kết nối đang được xúc tiến và sẽ được hai nước ký kết trong thời gian ngắn.

Sau đó, hai phía sẽ cùng vạch một chương trình cụ thể thực hiện các biện pháp liên kết trong 6 lĩnh vực chủ yếu. Những dự án liên kết về đầu tư sẽ sớm được thực thi trong khi sự liên kết về tài chính, do những yếu kém về hạ tầng của VN sẽ đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

  • Việt Lâm
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,