(VietNamNet) - Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc UNDP tại Việt Nam trao đổi với VietNamNet về những nguy cơ khi Việt Nam gia nhập WTO. Có thể coi đây là một tiếng nói độc lập vì Liên hiệp quốc không có quyền lợi hay mối liên hệ mật thiết nào đến WTO.
Dù sao là thành viên WTO vẫn tốt hơn ở ngoài!
Chuyên gia Jonathan Pincus: Thường những nước hùng mạnh mới có thể sử dụng các biện pháp tự vệ... |
- Dường như thông tin về WTO ở Việt Nam thiên nhiều về những điều tốt và có lợi. Ông có nhận xét gì về báo cáo mới đây của Oxfam, là tiếng nói mạnh nhất cảnh báo về những nguy cơ Việt Nam có thể gặp phải khi gia nhập WTO?
- Đúng là dư luận Việt Nam lâu nay dường như chủ yếu thiên về chiều tích cực của WTO. Báo cáo của Oxfam rất tốt và tôi đồng ý với phần lớn. Có điều báo cáo không đưa những chi tiết thực sự liên quan đến Việt Nam. Họ nói Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực ở hai mặt hàng đường và ngô vì EU và Mỹ trợ giá. Nhưng tôi thấy Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong mặt hàng này và nếu có thể nhập ngô rẻ từ Mỹ về làm thức ăn chăn nuôi thì chỉ có tốt hơn thôi.
Vấn đề lớn cho Việt Nam là thủy sản. Đây là thị trường đang mở rộng, rất hấp dẫn. Trong khuôn khổ WTO, Mỹ có thể nói Việt Nam làm thiệt hại đến thị trường của họ và tiếp tục đưa ra những biện pháp tự vệ đặc biệt như chống phá giá. Vào WTO, Việt Nam có thể đưa vấn đề ra trọng tài quốc tế. Nhưng thường những nước hùng mạnh mới có thể sử dụng các biện pháp tự vệ. Không là thành viên WTO, Việt Nam không có bất cứ quyền lực gì trong thị trường thủy sản và dệt may, nhưng khi là thành viên thì Việt Nam vẫn có vị trí yếu. WTO không hoàn hảo mà dường như là tổ chức của các nước giàu. Nếu anh là một nước giàu, anh sẽ được nhiều hơn nước nghèo. Dù sao là thành viên WTO vẫn tốt hơn ở ngoài.
Bài học Mexico: Chính phủ mất quyền kiểm soát đầu tư
- Vấn đề của Việt Nam bây giờ không phải là có vào WTO hay không mà vào như thế nào. Theo ông, điều gì Việt Nam cần chú ý khi đàm phán?
- Cá nhân tôi thấy có hai lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam trong quá trình đàm phán là đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Còn việc giảm thuế các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp thì không có cách nào tránh được. Điều đáng quan tâm nhất là khả năng Việt Nam sẽ ký cam kết về đầu tư, không phải WTO cộng mà là NAFTA cộng, giống Mexico. Mexico cam kết trong NAFTA đối xử với các công ty Mỹ đầu tư ở Mexico như các công ty trong nước, thậm chí còn hơn, trong đó Mexico sẽ phải bồi thường cho bất cứ công ty Mỹ nào bị thiệt hại do những thay đổi chính sách ở nước này.
Một vụ việc lớn đã xảy ra khi chính phủ Mehico đồng ý cho một công ty Mỹ đầu tư vào bãi chứa chất thải độc hại, nhưng chính quyền thành phố từ chối. Công ty Mỹ kiện và chính quyền thành phố phải bồi thường cho họ số tiền mà họ có thể kiếm được nếu được đồng ý đầu tư. Khi đàm phán WTO, có thể Mỹ sẽ yêu cầu bãi bỏ khả năng Chính phủ Việt Nam áp đặt các điều kiện (performance requirements) lên đầu tư nước ngoài. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ không thể yêu cầu một công ty đầu tư nước ngoài phải xuất khẩu 50% sản phẩm hoặc đưa vào một công nghệ mà Việt Nam muốn.
- Đây đúng là xu hướng mà các nhà đầu tư nước ngoài đang yêu cầu với Chính phủ Việt Nam với lý lẽ là cải thiện môi trường đầu tư. Vì sao ông lại cho rằng đó là một vấn đề lớn cho một nước đang công nghiệp hóa như Việt Nam?
- Làm thế nào để có thể thu hút những gì có lợi từ đầu tư nước ngoài và loại bỏ những gì không có lợi? Tất cả những nước công nghiệp hóa vào nửa cuối thế kỷ 20 đều sử dụng những điều kiện đó để buộc các nhà đầu tư nước ngòai mang vào những công nghệ mới nhất và tăng xuất khẩu. Nếu không làm được điều đó, Việt Nam sẽ lâm vào tình trạng như Mexico, dù xuất khẩu tăng vọt từ sau NAFTA nhưng tăng trưởng kinh tế rất chậm. Do tất cả những mối liên hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế không còn, có rất ít giá trị gia tăng trong xuất khẩu và phần lớn đều chảy sang Mỹ hết!
- Điều đó thật nguy hiểm, nhưng điều khoản tương tự đã nằm trong Hiệp định đầu tư Việt-Nhật sắp có hiệu lực, dù chưa vào WTO. Đã cam kết rồi thì Việt Nam có thể làm gì để giảm thiểu những bất lợi đó?
- Đây là câu hỏi chúng tôi vừa đặt ra với Joseph Stiglitz, nhà kinh tế được giải Nobel. Ông nói phải tìm cách sáng tạo để làm sao đặt những điều kiện này với nhà đầu tư mà không vi phạm cam kết. Làm sao để họ sử dụng nhiều đầu vào sản xuất trong nước và đưa công nghệ mới vào. Cụ thể là chính phủ nên hỗ trợ một số ngành công nghiệp thượng nguồn (upstream) như hóa chất để làm sao sản phẩm trong nước rẻ hơn và các ngành công nghiệp khác sẽ sử dụng. Hoặc dùng tín dụng rẻ để thúc đẩy và tăng xuất khẩu các ngành công nghiệp ô tô hay điện tử, tăng thêm giá trị gia tăng cho Việt Nam.
Nên cố gắng lách luật chứ đừng trông chờ vào thuế
- Nhưng WTO có cho phép trợ cấp không?
- Có thể được một ít. Nên cố gắng lách luật. Đây không phải là một thỏa thuận công bằng và chẳng ai chơi công bằng cả. Hãy tìm những cách khó phát hiện hơn là sử dụng những biện pháp thuế.
Một cách để chống các vụ kiện tụng tốn kém là hãy hoãn chúng lại, như tất cả các nước thường làm!
- Trung Quốc có những cam kết tương tự không và họ gặp khó khăn như thế nào?
- Trung Quốc cũng có những cam kết tương tự nhưng họ vào WTO khi đã công nghiệp hóa hơn Việt Nam nhiều và ở thế mạnh hơn. Họ cũng đã thiết lập được mối liên hệ giữa các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn (upstream-down stream). Các công ty Trung quốc đã có thể cạnh trạnh về giá cả.
Việt Nam nên nghĩ rằng việc gia nhập WTO là bắt đầu một quá trình hơn là kết thúc. Sau khi đã là thành viên của câu lạc bộ đó, hãy cùng các nước đang phát triển khác đàm phán với các nước giàu hơn.
Sở hữu trí tuệ: Các nước nghèo phải trả giá đắt
- Ông nói vấn đề lớn về sở hữu trí tuệ là như thế nào, thưa ông?
- Không có một nước giàu nào trả tiền sở hữu trí tuệ khi họ bắt đầu công nghiệp hóa. Nhật Bản thì nhập khẩu và copy công nghệ của Đức. Hàn Quốc thì nhập và copy công nghệ của Nhật. Mỹ thì nổi tiếng là "cóp" ý tưởng của Anh khi mới lập quốc và bây giờ họ muốn các nước đang công nghiệp hóa phải trả tiền. Điều đó sẽ vô cùng đắt và ngăn cản Việt Nam tiếp cận công nghệ. Nhưng Mỹ rất chú ý bảo vệ sở hữu trí tuệ vì những công ty lớn của Mỹ đang kiếm tiền từ đó. Hãy tham dự vòng đàm phán Doha và cố gắng đạt được thỏa thuận rằng những loại thuốc cứu mạng sẽ không bị áp đặt điều kiện nghiêm ngặt như phần mềm máy tính.
Những cam kết về sở hữu trí tuệ theo BTA và chắc chắn là theo WTO nữa, sẽ khiến Việt Nam khó tiếp cận được các sản phẩm dược phẩm. Những quy định sản xuất thuốc của Mỹ ở Việt Nam theo BTA còn ngặt nghèo hơn ở Mỹ. Nếu Việt Nam muốn sản xuất thuốc thì phải thử thuốc từ con số không, dù loại thuốc đó có mặt trên thị trường mười năm rồi. Ở Mỹ, nếu thuốc đó đã hết hiệu lực bảo hộ sáng chế thì có thể sử dụng ngay. Theo BTA thì Việt Nam phải mất 3-4 năm thử một loại thuốc rồi mới có thể bán được.
Câu hỏi đặt ra là Chính phủ Việt Nam đã biết và nghĩ về những vấn đề này như thế nào trước khi ký BTA.
- Có chuyên gia so sánh rằng dù tổng kim ngạch ngành dệt may Việt Nam là hơn hai tỉ đô la một năm nhưng giá trị gia tăng mà Việt Nam được chỉ là vài trăm triệu đô la, bằng ngành thủ công mỹ nghệ, vì đa số nguyên liệu là nhập khẩu. Ông có gợi ý về những ngành nào Việt Nam nên phát triển để cạnh tranh được khi vào WTO?
- Đúng là giống hệt vấn đề mà Mexico gặp phải. Nhưng ngành dệt may tạo ra công ăn việc làm trước mắt, dù không phải là một chiến lược công nghiệp hóa lâu dài. Theo tôi, những ngành như hóa chất, điện tử, thép, chế biến thực phẩm là những ngành có khả năng cạnh tranh, cần thu hút đầu tư nước ngoài và tăng dần công nghiệp thượng nguồn như sản xuất phụ tùng.
Hiện có một số nhà tài trợ luôn nói thị trường Việt Nam quá nhỏ cho ngành ô tô, nhưng hãy tự hỏi tại sao những người nước ngòai này không thích điều đó? Có thể họ không muốn thêm đối thủ cạnh tranh. Ngành công nghiệp ôtô quá quan trọng cho một nền kinh tế để có thể bỏ rơi nó. Hãy làm một điều gì đó để không xảy ra một Mexico nữa!
-
Trần Lệ Thùy