(VietNamNet) - Tại phiên trù bị chuẩn bị cho phiên đa phương thứ 10, các thành viên WTO hoan nghênh những cam kết mới của VN về mở cửa hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, một số thành viên cũng khuyến cáo rằng thời gian đang rút ngắn nếu VN muốn thực hiện được mục tiêu trở thành thành viên WTO cuối năm 2005.
Tân Chủ tịch Ban Công tác về việc gia nhập của VN, ông Eirik Glenne, người vừa thay thế Đại sứ Ho Seung đã mãn nhiệm cho rằng VN và các đối tác thương mại của mình nên hoàn tất các phiên thương lượng song phương trong vòng vài tháng tới.
Tám cam kết mới của VN
Trong lời phát biểu mở đầu phiên khai mạc, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán VN đã nêu ra 8 cam kết mới của VN:
Những cam kết mới (được đăng tải trên website:www.wto.org) bao gồm:
Chính phủ VN sẽ đệ trình bản Quốc hội thông qua một khuyến nghị sửa đổi, theo đó thống nhất thuế đánh vào xe máy sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu nhằm phù hợp với điều III và IV của GATT.
VN cũng cam kết cân bằng mức thuế đánh vào mặt hàng bia.
Kể từ ngày gia nhập, VN sẽ xoá bỏ các trợ cấp xuất khẩu dưới hình thức chi trả trực tiếp từ ngân sách Nhà nước dựa trên thành tích xuất khẩu.
VN cũng chấp nhận cam kết liên quan đến các khu kinh tế đặc biệt, theo đó, hàng hoá sản xuất tại các khu chế xuất vốn được miễn trừ thuế nhập khẩu và thuế đánh vào các linh kiện nhập khẩu sẽ phải tuân thủ các quy định hải quan bình thường khi được phân phối tại các vùng còn lại của VN
Cuối năm nay, các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thương mại sẽ được đưa vào thực thi. Riêng các yêu cầu về vệ sinh, thực phẩm đối với hàng hoá sẽ được chính thức thiết lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, VN đã cam kết sẽ mở rộng quyền quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, VN sẽ tiếp tục mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nước ngoài và cá nhân, ngoại trừ một số ít các mặt hàng nhạy cảm thuộc quyền kinh doanh của nhà nước như xăng dầu, dược phẩm, đường, thuốc lá, muối, phân bón, gạo, các sản phẩm văn hoá.
Ngoài ra, lần này, VN cũng đưa ra lời hứa dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng.
Đoàn VN cũng gửi tới các thành viên ban công tác bản so sánh chi tiết về Quyết định của Thủ tướng VN về quy chế cấp phép nhập khẩu với các quy định của Hiệp định về các thủ tục cấp phép nhập khẩu của WTO. Thứ trưởng Tự lưu ý rằng Quyết định mới này hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc và quy định của WTO nhằm biến chế độ cấp phép của VN hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức này.
Tưởng đoàn đàm phán VN cũng kêu gọi các thành viên ban Công tác "không chỉ thừa nhận trên lời nói mà bằng hành động thực tế rằng VN vẫn là một nước phát triển ở trình độ thấp với nền kinh tế đang chuyển đổi, 70% dân số sống nhờ nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 400 USD. Do đó, VN xứng đáng được hưởng những quyền miễn trừ đặc biệt theo các Hiệp định của WTO", ông Tự nhấn mạnh.
Phản ứng các nước
Tất cả các thành viên ban Công tác đều ca ngợi những nỗ lực mới này của VN. Các nước khẳng định sự ủng hộ của mình đối với mục tiêu gia nhập WTO của VN tháng 12/2005. Tuy nhiên, mức độ phản ứng của mỗi nước là khác nhau.
Các nước ASEAN, đại diện là Singapore đã mô tả những nỗ lực của VN là "cực kỳ to lớn". ASEAN và một số nước đang phát triển khác lớn tiếng kêu gọi các thành viên WTO nên linh hoạt hơn để thoả thuận có thể đạt được đúng lúc. "Tôi nghĩ rằng đây là điểm tối thiểu mà chúng ta có thể làm để tôn trọng những nỗ lực của VN", một thành viên nói.
Một số thành viên khác lại nhấn mạnh rằng VN cần biến các cam kết thành hành động. "VN sẽ cần có nỗ lực cực lớn để biến những cam kết này thành thực tế", một thành viên nói.
Ông Hoàng Phước Hiệp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp, thành viên đoàn đàm phán cho biết, có những đại biểu trước đây không phát biểu ý kiến hoặc phát biển hết sức dè dặt như Trung Quốc, Nhật Bản lần này đã có phản ứng tích cực và bày tỏ hy vọng VN sẽ được kết nạp ngay tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12 năm nay.
Trong khi đó, phái đoàn đàm phán của Mỹ nói rằng VN đã giải toả nhiều vấn đề mà Mỹ coi là có vướng mắc. Canada hy vọng có thể kết thúc sớm đàm phán với VN vào tháng 6 tới khi đoàn VN sang Otawa làm việc. Chính phủ Canada cũng quyết định viện trợ 20 triệu USD để hỗ trợ VN thực thi Hiệp định về kiểm dịch động thực vật trong WTO.
Song phương: VN cần kết thúc trước tháng 9
Tính đến nay, VN đã đạt được thoả thuận song phương với 8 đối tác về mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ. Đoàn VN cho biết, đàm phán với 8 đối tác khác có thể kết thúc vào giữa tháng 6 tới.
Tuy nhiên, VN cho biết sẽ cần có nhiều cuộc đàm phán song phương với 5 đối tác thương mại chủ chốt. Phía VN đã lên lịch các cuộc đàm phán này trong những tuần tới.
Hiện đoàn đàm phán VN đang có mặt tại Tokyo để chuẩn bị cho phiên làm việc với Nhật Bản. Ngày 6/6, đoàn sẽ đàm phán với Trung Quốc, ngày 13 - 16/6 làm việc với phía Mỹ và sau đó có thể là Canada.
Mặc dù vậy, ông Chủ tịch Ban Công tác chỉ ra rằng, cho đến nay, vẫn chưa có thoả thuận song phương nào được thông qua. Theo ông Glenne, tất cả các thoả thuận còn lại cần được hoàn tất trong vòng vài tháng tới nếu VN muốn kịp gia nhập tổ chức này vào tháng 12.
"Các bạn đều biết rõ rằng sự chuẩn bị về mặt kỹ thuật đối với các cam kết hàng hoá và dịch vụ cũng như tiến trình thẩm tra các văn bản này luôn đòi hỏi thời gian và sự cẩn trọng. Đây chính là lý do vì sao mà tôi phải nhấn mạnh rằng VN cần tập trung giải quyết các thương thảo tay đôi như một vấn đề ưu tiên".
Các vấn đề đa phương: đẩy nhanh tiến độ sửa luật
Tại phiên trù bị, nhiều thành viên thảo luận về quyền dinh doanh xuất nhập khẩu. VN muốn bảo lưu quyền này đối với một số mặt hàng trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, một số thành viên nói rằng quyền kinh doanh xuất nhập khẩu cần được trao cho mọi thể nhân đối với mọi mặt hàng.
Liên quan đến tiến trình sửa đổi luật pháp của VN, đầu tuần qua, Ban Công tác đã nhận được hàng loạt văn bản dự thảo luật của VN, bao gồm dự thảo Luật Thương mại, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Hải Quan, luật tham gia, ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, Luật Giao dịch điện tử, Luật Đầu tư, Phần IV của Luật về quyền Sở hữu trí tuệ và chuyển gia công nghệ, Luật Sở hữu trí thức và một bản so sánh dự luật về thuế xuất nhập khẩu và bản sửa đổi luật thuế xuất nhập khẩu hiện hành.
Các thành viên Ban Công tác yêu cầu phía VN cung cấp đầy đủ các dự thảo luật đã được trình ra Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 9.
"Không nghi ngờ gì nữa, những văn bản này đã giúp đẩy nhanh tiến trình gia nhập", Chủ tịch Ban công tác WTO bình luận.
Ông Glenne đề nghị các thành viên gửi bản nhận xét và câu hỏi bằng văn bản đến Ban Thư ký trước ngày 3/6 để ban tổng hợp gửi lại phía VN.
Dự kiến phiên 10 sẽ diễn ra vào tháng 9 nhưng lịch trình cụ thể vẫn chưa được ấn định.
-
Việt Lâm