221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
692764
29 luật sư Mỹ bảo vệ nạn nhân da cam VN
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
29 luật sư Mỹ bảo vệ nạn nhân da cam VN
,

Luật sư Lê Đức Tiết, Uỷ viên thường vụ Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/điôxin Việt Nam (VAVA), cho biết hiện có khoảng 29 luật sư chính và luật sư giúp việc, thuộc 4 hãng luật sư Mỹ đã đồng ý bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc này cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Soạn: AM 82683 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ba cha con ông Nguyễn Văn Quý, trong số những nạn nhân da cam đầu tiên tại Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất chất độc của Mỹ.

Theo Luật sư Tiết, trong số này, một số luật sư đã tới Việt Nam điều tra tình hình và thu thập chứng cứ. Sắp tới đoàn Luật sư Mỹ sẽ sang Việt Nam để thảo luận trước khi nộp các văn bản kháng cáo vào ngày 30/9.

Về phía Việt Nam có hai luật sư tham gia vụ kiện là Luật sư Lê Đức Tiết và Luật sư Lưu Văn Đạt. Cái khó của luật sư Việt Nam là không được xuất hiện tại tòa án Mỹ và thực tế chưa có luật sư nào của Việt Nam thông thạo luật pháp Mỹ bằng chính các luật sư Mỹ. Ngược lại, các luật sư Mỹ không thể hiểu tình hình của vụ kiện cũng như ở Việt Nam bằng các luật sư Việt Nam. Vì thế trong quá trình làm việc hai bên đã liên tục bổ sung cho nhau những khiếm khuyết này.

Để chuẩn bị cho phiên tranh tụng tại Tòa Phúc thẩm (có thể được tiến hành sau tuần thứ nhất của tháng 3/2006), VAVA đang cùng các luật sư tích cực chuẩn bị về nội dung pháp lý, về chứng cứ nhằm khẳng định chất da cam mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam là chất độc chiến tranh, hủy diệt con người và môi trường sinh thái. Theo Luật sư Tiết, với các chứng cứ và lập luận mới này, nhiều khả năng Tòa phúc thẩm lưu động đồng ý khởi động lại vụ kiện.

Từ khi bắt đầu (31/1/2004), đến nay vụ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã đi được chặng đường hơn một năm rưỡi. Theo tiến trình, ngày 30/9 tới VAVA (bên nguyên) sẽ nộp lên Tòa án Phúc thẩm lưu động số 2 Hoa Kỳ các văn bản tranh tụng. Ngày 16/1/2006, bên bị đơn (37 công ty hóa chất Mỹ) nộp văn bản trả lời. Ngày 1/3/2006 bên nguyên có văn bản phản hồi và phiên tranh tụng trực tiếp trước Tòa Phúc thẩm có thể được tiến hành sau tuần thứ nhất của tháng 3/2006.

Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch VAVA, để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm, hồ sơ sẽ có thêm những nạn nhân đã được xét nghiệm về nồng độ dioxin cao trong máu. Toàn bộ hồ sơ này sẽ được các luật sư Mỹ xem xét thêm trước khi gửi lên toà phúc thẩm. VAVA cũng đã liên lạc với các luật gia uy tín trên thế giới góp ý kiến về vụ kiện, mời các nhà khoa học trên thế giới hợp tác trong việc đưa ra thêm những chứng cứ khoa học không thể chối cãi về tính độc hại của chất này. Đồng thời, Hội cũng sẽ tổ chức hội nghị các nạn nhân chất độc da cam ở Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Canađa để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới. Cuối năm nay, một đoàn nạn nhân chất độc da cam sẽ sang Mỹ tổ chức triển lãm và gặp gỡ người dân ở đây.

Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang tiếp tục nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Gần đây ông Len Aldis, Thư ký Hội hữu nghị Anh-Việt (BVFS) đã vận động Chính phủ Anh đề nghị Liên Hợp Quốc lấy ngày 10/8 hằng năm là “Ngày Quốc tế các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

BVFS cũng đã kêu gọi các nghị sĩ Anh đưa vấn đề ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ra Quốc hội nước này - dưới hình thức một kiến nghị - một thủ tục để thu hút sự ủng hộ của các nghị sĩ khác và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Hiện đã có 29 nghị sĩ Anh ký vào kiến nghị này.

Trong một hoạt động khác, dự kiến hôm nay (10/8), đoàn đại biểu của BVFS do ông Len Aldis dẫn đầu, sẽ có cuộc gặp với đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Luân Đôn để trao đổi về những vấn đề liên quan đến chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam; đồng thời trao bức thư gửi Tổng thống Mỹ George Bush, trong đó có con số mới nhất về chữ ký của những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trên địa chỉ trực tuyến http://www.petitiononline.com/AOVN. Tính đến đầu tháng 8 đã có hơn 690.000 người ký tên ủng hộ vào địa chỉ này.

(TTXVN)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,