Nhân kết thúc một năm có nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông tỏ ra hài lòng về sự phối hợp nhịp nhàng của các hoạt động ngoại giao trong năm 2005.
Sức mạnh tổng hợp của ngành đối ngoại
- Thưa Bộ trưởng, thành công nhất của ngoại giao Việt Nam năm 2005 là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên. |
- Nổi bật nhất trong năm qua là chúng ta đã tiếp tục duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao.
VN đã mở rộng khuôn khổ và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng khu vực và các nước lớn. Các hoạt động ngoại giao đa phương diễn ra sôi động, có hiệu quả cao, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương của ta với các quốc gia, bảo vệ các lợi ích của đất nước, đồng thời nâng cao uy tín và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Trong năm 2005, các hoạt động đối ngoại đã hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho phát triển kinh tế và công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, chúng ta đã kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) với 22 trên tổng số 28 đối tác và đang tích cực đàm phán đi đôi với vận động chính trị - ngoại giao nhằm sớm đưa nước ta gia nhập tổ chức này. Công tác ngoại giao phục vụ kinh tế của chúng ta ngày càng hiệu quả; chính trị đối ngoại ngày càng được gắn kết chặt chẽ với kinh tế đối ngoại.
Đáng chú ý trong năm qua là công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài đã có những kết quả tích cực. Triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta đã thực hiện những biện pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho kiều bào trong các lĩnh vực nhập xuất cảnh, cư trú, đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ trí thức kiều bào đóng góp xây dựng quê hương.
Một kết quả nổi bật khác trong năm 2005 là các hoạt động đối ngoại Quốc hội, ngoại giao nhân dân, hoạt động đối ngoại trên lĩnh vực an ninh quốc phòng được thúc đẩy mạnh mẽ và phối hợp nhịp nhàng, tạo ra sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ đối ngoại của đất nước.
Sẽ có 100 hội nghị triển khai APEC 2006
- Tại Hội nghị Cấp cao APEC 3, Hàn Quốc đã chính thức chuyển giao vai trò Chủ tịch APEC trong năm 2006 cho Việt Nam. Với cương vị là chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao APEC 14, Việt Nam sẽ phải làm gì để tranh thủ tối đa cơ hội này, thưa Bộ trưởng?
- Đăng cai APEC 2006 là sự thể hiện rõ nét nhất đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong cả năm 2006 sẽ có khoảng 100 Hội nghị/Hội thảo về các vấn đề đang và sẽ triển khai trong APEC được tổ chức ở nhiều địa phương, tỉnh/thành phố của Việt Nam. Đặc biệt là trong Tuần lễ Cấp cao, Việt Nam sẽ đón các nhà lãnh đạo, quan chức và hàng nghìn đại biểu, đại diện báo chí và cộng đồng doanh nghiệp của hai mươi mốt nền kinh tế thành viên đến tham dự Hội nghị. Chúng ta đã xác định đây là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của đất nước trong năm 2006.
Đăng cai APEC là cơ hội để khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, tăng cường giao lưu hợp tác với các thành viên APEC, một trong những diễn đàn thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác quốc tế quan trọng nhất trên thế giới, chiếm tới 80% thương mại, 75% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 50% nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam. Tổ chức tốt các sự kiện của năm APEC 2006 là cách tốt nhất để quảng bá về hình ảnh một Việt Nam năng động, cởi mở, an toàn và hội nhập, mở ra các cơ hội phát triển cho các ngành kinh tế của đất nước, đặc biệt là ngành kinh tế du lịch.
Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thành viên khác để thực hiện tốt vai trò điều hành các tiến trình APEC trong năm, tiếp tục triển khai Lộ trình Busan, đẩy mạnh vòng đàm phán Doha sau Hội nghị Bộ trưởng WTO tháng 12/2005, hợp tác nâng cao năng lực, đảm bảo an ninh con người, thúc đẩy hợp tác về du lịch, đầu tư, công nghệ thông tin..., vừa để lại dấu ấn Việt Nam trong quá trình hợp tác APEC, vừa góp phần thúc đẩy APEC, hướng tới xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thương mại và đầu tư tự do, an toàn và minh bạch.
Hợp tác phân định và bình ổn biên giới
- Vấn đề biên giới lãnh thổ luôn là vấn đề nóng được dư luận đặc biệt quan tâm. Xin Bộ trưởng đánh giá những việc chúng ta đã làm được trong năm qua và cho biết những bước đi tiếp theo cần thực hiện để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra?
- Về vấn đề biên giới lãnh thổ, trong năm qua chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động và biện pháp đối ngoại hiệu quả, đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cả trên đất liền, trên biển, trên không. Chúng ta đã cùng với các nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia và đặc biệt là bạn Lào phối hợp quản lý, bảo vệ tốt đường biên và mốc giới, giải quyết kịp thời các sự việc xảy ra trên biên giới, qua đó đã duy trì ổn định trong khu vực biên giới, tạo môi trường hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển cho mỗi nước.
Với Trung Quốc, năm qua, hai nước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai phân giới, cắm mốc trên thực địa. Kết quả so với các năm trước đã có những tiến bộ lớn. Tính từ đầu giai đoạn phân giới cắm mốc (tháng 9/2002) đến nay, hai bên đã hoàn thành được khoảng 40% khối lượng công việc. Hy vọng rằng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với quyết tâm hoàn thành công việc khó khăn, nặng nề này vào năm 2008 nhằm xây dựng đường biên giới rõ ràng và ổn định lâu dài, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Với Campuchia, ngày 10/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước, Hiệp định biên giới hai nước đã ký trong thập niên 1980 (đặc biệt là đối với Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985), những Hiệp ước mà lâu nay luôn bị các thế lực chống đối Chính phủ Vương quốc Campuchia tìm cách xoá bỏ.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Campuchia Hun Sen duyệt đội danh dự
Thứ hai, bằng việc ký kết Hiệp ước bổ sung, hai bên cũng thể hiện thiện chí của mình thông qua thương lượng hòa bình để giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ. Thứ ba, cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, Hiệp ước bổ sung sẽ là cơ sở để hai nước hoàn tất công tác phân giới, cắm mốc, tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước để tạo cơ sở tăng cường hợp tác, thực hiện phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được là xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Với Hiệp ước bổ sung, hai bên đã thoả thuận sẽ hoàn thành phân giới cắm mốc trước cuối năm 2008. Đây là công việc rất khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của hai Chính phủ, với mối quan hệ hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng rằng hai bên nhất định sẽ hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Trên Biển Đông, chúng ta kiên trì chủ trương nhất quán giải quyết mọi tranh chấp và các vấn đề tồn tại thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, đề cao vai trò và có biện pháp triển khai thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Đặc biệt, chúng ta đã đề xuất chủ trương "hợp tác cùng phát triển" bao gồm nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố DOC, tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của DOC và có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chủ trương này của ta đã được các nước liên quan ủng hộ và hưởng ứng.
Thời gian qua, tình hình Vịnh Bắc Bộ ngày càng ổn định. Hiệp định phân định và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ đã đi vào cuộc sống và được các bên tuân thủ, thực hiện tương đối tốt. Ta và Trung Quốc đang chuẩn bị công tác điều tra liên hợp nguồn thuỷ sản trong Vùng đánh cá chung ở Vịnh, ký kết được Thoả thuận khung về thăm dò khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định; thống nhất thực hiện việc tuần tra chung giữa Hải quân hai nước để góp phần giữ gìn trật tự an ninh, hỗ trợ sản xuất nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Hai nước cũng đã nhất trí sớm bắt đầu đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này.
Một trong những biện pháp triển khai DOC vừa qua là việc công ty dầu khí ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Philipines ký "Thoả thuận công tác địa chấn biển liên hợp ba bên tại khu vực thoả thuận ở Biển Đông" tháng 3 năm nay. Việc thực hiện công tác này đang được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ.
Chúng ta duy trì công tác đàm phán và trao đổi về vấn đề trên biển với các nước liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Ta cũng đã tổ chức tốt đợt khảo sát biển chung lần thứ 3 trên Biển Đông với Philipines, tuần tra chung với Thái Lan trong vịnh Thái Lan, tham gia tích cực các diễn đàn quốc tế và khu vực về vấn đề biển cũng như việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và phát huy những nguyên tắc và thoả thuận đã có, đấu tranh giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương "hợp tác cùng phát triển", giữ vững hòa bình và ổn định trên biển, tăng cường và thúc đẩy các biện pháp hợp tác. Đối với các vấn đề tồn tại thì kiên trì trao đổi, bàn bạc một cách hòa bình với các nước liên quan để tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Thông điệp mới
- Thông điệp của ngoại giao Việt Nam trong năm 2006 là gì, thưa Bộ trưởng?
Năm 2006, tình hình quốc tế và khu vực về cơ bản vẫn diễn biến theo chiều hướng năm 2005. Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 14 trong năm tới sẽ ghi lại dấu ấn Việt Nam trong quá trình phát triển của tổ chức này, nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác, tin cậy với các đối tác; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và sớm kết thúc đàm phán gia nhập WTO.
Thông điệp của ngoại giao Việt Nam năm 2006 là: "Vì hòa bình và phát triển bền vững của đất nước, tạo dấu ấn mới Việt Nam trong ngoại giao song phương, đa phương và hội nhập kinh tế quốc tế".
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
TTXVN