(VietNamNet) - Trái với quan điểm của tác giả TS. Lê Nết trong bài: "Vào WTO, thế giới sẽ mua gì của chúng ta?", độc giả Giang Lê lại đặt câu hỏi: "Có gì đảm bảo nếu đứng ngoài WTO 10 năm nữa thì các DN vừa và nhỏ của VN sẽ đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài?". Độc giả Giang Lê chứng minh: "Chưa thấy có thành viên nào của WTO xin ra, bởi còn rất nhiều nước đang xếp hàng để được vào".
Núp sau bảo hộ - DN không thể thành "người lớn"!
Cách đây vài ngày khi đọc bài phỏng vấn nguyên trưởng đoàn đàm phán BTA Nguyễn Đình Lương tôi đã rất khâm phục vị quan chức có cái nhìn rất sáng suốt này. Tôi đã mừng cho đất nước có những người như ông Lương và thầm mong ông sẽ được giữ những trọng trách cao hơn để giúp dân giúp nước. Bởi vậy tôi không thể không phản hồi lại bài viết của TS. Lê Nết.
Bài của TS. Lê Nết có thể tóm tắt như sau: Việt Nam chưa nên gia nhập WTO trong thời điểm này vì hai lý do. Thứ nhất hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các đại công ty đa quốc gia nếu chúng ta mở cửa cho họ vào ngay lúc này. Thứ hai Việt nam chưa có một thế mạnh canh tranh nào để có thể vươn ra thế giới trong thời điểm này. Nghĩa là nếu gia nhập WTO chúng ta sẽ chỉ có thể xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như khoáng sản, dầu thô, nông sản.
Bài viết của TS. Lê Nết đặt ra câu hỏi: "Vào WTO, Việt Nam có thể cạnh tranh ở những mặt hàng gì?". |
Kiến nghị của TS. Lê Nết là Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam để những doanh nghiệp này lớn mạnh trước khi gia nhập WTO. Ngoài ra cũng cần xây dựng những khuôn khổ luật pháp cần thiết để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam với các công ty đa quốc gia khi chúng ta gia nhập WTO.
Trước hết, xin nhấn mạnh tôi hoàn toàn đồng ý là chúng ta cần tạo mọi điều kiện cho hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển cũng như đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, khác với TS. Lê Nết, tôi cho rằng gia nhập WTO chính là cách tốt nhất để giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển và cũng chính là cách tốt nhất để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của mình.
Thật ra đây không phải là ý kiến của tôi mà là ý kiến của nhiều nhà kinh tế rút ra từ những bài học thực tiễn của nhiều nước đang phát triển trong hơn 50 năm qua. Phát triển hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều nước đang phát triển mà điển hình là các nước châu Mỹ La tinh đã theo đuổi chính sách “import substitution” (tạm dịch là “thay thế nhập khẩu”) do hai nhà kinh tế Raul Presbish và Hans Singer đề xướng đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Chính sách này về căn bản cũng gần giống như ý tưởng của TS. Lê Nết, nghĩa là cần phải đóng cửa với thế giới bên ngoài để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện phát triển cho đến khi các doanh nghiệp đó đủ sức cạnh tranh với các công ty đa quốc gia.
Hai nhà kinh tế trên lập luận rằng những doanh nghiệp trong nước như là các đứa bé sơ sinh (infant industries) cần phải có thời gian được bố mẹ (government) bao bọc để có thể lớn mạnh trước khi mở cửa cho người ngoài vào.
Điểm khác biệt duy nhất trong ý kiến của TS. Lê Nết và hai nhà kinh tế nói trên là TS. Lê Nết muốn nhà nước bảo vệ (bằng cách chưa gia nhập WTO vội) và giúp đỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (ưu đãi thuế) trong khi hai nhà kinh tế nói trên muốn bảo vệ các doanh nghiệp lớn.
Chính sách đóng cửa để bảo vệ “quân ta” này đã bị nhiều nhà kinh tế khác (như Anne Krugger, Helen Huges, Hans Andtz) chỉ trích mạnh mẽ. Họ vạch ra rằng nếu được bảo hộ các “infant indusrties” này sẽ không bao giờ lớn mà sẽ mãi mãi cần sự che trở và trợ giúp của nhà nước.
Anne Krugger (hiện là Phó giám đốc Quĩ Tiền tệ quốc tế - IMF) đưa ra một khái niệm rất nổi tiếng là “rent seeking” - sau này đã được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực ngoài kinh tế. Bà Krugger cho rằng khi được ưu đãi và bảo vệ, các doanh nghiệp trong nước sẽ không chịu cải cách để nâng cao tính cạnh tranh mà chỉ tìm cách xoay xở để giữ lại bổng lộc từ những ưu đãi và trợ giúp của nhà nước.
Do vậy, cho dù ý định ban đầu của chính sách bảo vệ các doanh nghiệp trong nước là tốt, kết quả đạt được sẽ hoàn toàn trái ngược.
Ai "ngán" gia nhập WTO nhất?
Thực tế phát triển kinh tế của châu Mỹ La tinh ở nửa sau của thế kỷ 20 đã chứng tỏ chính sách “đóng cửa” của Presbish và Singer hoàn toàn sai lầm. Những nước theo đuổi chính sách này (trong đó có Mexico là một ví dụ của TS. Lê Nết đã nêu ra) đã loay hoay gần nửa thế kỷ với những cuộc khủng hoảng và suy thoái.
Trong khi đó, những con hổ châu Á mà điển hình là Hàn Quốc, Đài loan, Singapore, Hồng kông với chiến lược mở cửa và hướng ra bên ngoài đã phát triển vượt bậc. Ngay trong nội bộ châu Á, những nước áp dụng chính sách đóng cửa như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia cũng mất một thời gian khá dài trước khi thay đổi chiến lược phát triển. Đến hôm nay, không còn ai biết đến xe hơi “Made in India” nhưng đó đã từng là một ngành công nghiệp của Ấn Độ được bảo hộ gần 50 năm để rồi vẫn là một “infant industry” và đã chết khi Ấn Độ mở cửa.
Sẽ có ý kiến cho rằng, “import substitution” là bảo vệ các doanh nghiệp lớn, còn TS. Lê Nết cho rằng cần bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về bản chất thì việc bảo vệ và ưu đãi đều có những hậu quả như nhau cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Có gì đảm bảo rằng nếu chúng ta đứng ngoài WTO 10 năm nữa thì các SME của Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài? Hay trong 10 năm đó các doanh nghiệp này sẽ tập hợp nhau lại thành những hiệp hội, những nhóm quyền lợi đủ mạnh để tiếp tục “rent seeking”?
Quan trọng hơn, bài viết đã bỏ quên một mảng lớn trong nền kinh tế Việt Nam là các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty nhà nước đã và đang được bảo hộ mạnh mẽ.
Thứ nhất, nếu Việt Nam không vào WTO để tránh sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài thì không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được bảo vệ như TS. Lê Nết đề xuất, mà cả các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ và tràn lan tham nhũng. Những doanh nghiệp lớn này, với các quan hệ chính trị của mình, có thể sẽ vận động đẩy lùi cái mốc gia nhập WTO xa hơn nữa, chẳng phải để giúp cho những đàn em vừa và nhỏ đâu mà để họ tiếp tục độc quyền kiếm lợi cho bản thân họ.
Hãy thử hỏi một trong các nhà sản xuất xe hơi hiện đang có nhà máy hoạt động ở Việt Nam xem họ có thích thú gì cái ý tưởng ra nhập WTO không? Hay hãy thử hỏi ông điện lực, hay ông hàng không xem có muốn bị nước ngoài vào cạnh tranh hay không? Chắc chắn là không!
Và đó chính là điều mà Anne Krugger đã cảnh báo.
Thứ hai, nếu Việt Nam không vào WTO và các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục làm ăn kém hiệu quả thì chính đây sẽ là một trở ngại cho sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. TS. Lê Nết khi đề cập đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã không chỉ ra những doanh nghiệp loại này sẽ hoạt động trong những lĩnh vực nào.
Thật ra điều này không khó, ai cũng có thể thấy rằng những doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu tập trung ở khu vực dịch vụ và công nghiệp nhẹ cung cấp một số chủng loại hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng không cao và một số sản phẩm là đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn. Khi những doanh nghiệp lớn tiếp tục trì trệ và ít chịu sức ép cạnh tranh từ bên ngoài thì những doanh nghiệp lớn đó chẳng cần lo nghĩ đến việc liên kết phát triển những nhà cung cấp đầu vào cho mình với giá rẻ.
Xin lấy một ví dụ điển hình ở Việt Nam. Hiện nay các nhà máy sản xuất (đúng hơn là lắp ráp) xe hơi ở Việt Nam đa phần là nhập linh kiện từ bên ngoài, tỷ lệ nội địa rất thấp. Tình hình này cũng đã từng xảy ra trong ngành công nghiệp xe máy cách đây hơn chục năm. Nhưng khi làn sóng xe máy Trung quốc tràn vào thì các nhà máy sản xuất xe trong nước phải tìm cách giảm giá thành bằng cách nội địa hóa các linh kiện xe máy. Và đó chính là một cú hích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh sản xuất linh kiện xe máy.
Việt Nam có nhiều mặt hàng để bán!
Thế mạnh cạnh tranh của Việt Nam, theo TS. Lê Nết viết rằng: “Sau khi vào WTO, Việt Nam sẽ bán dầu thô, gạo, hàng may mặc, thủy hải sản dạng thô, và mua tất cả các mặt hàng còn lại! Song, ngoại trừ hàng may mặc, các mặt hàng xuất khẩu còn lại không phụ thuộc vào việc có tham gia vào WTO hay không”.
Thực ra, may mặc nói riêng và các loại hàng hóa tiêu dùng trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ nói chung (dày dép, xe đạp, bàn ghế) đã và đang là những thế mạnh của Việt Nam. Những ngành này không cần nhiều vốn và công nghệ cao trong khi cần nhiều nhân công mà Việt Nam không thiếu. Đúng là hàng tiêu dùng của Trung quốc đang tràn ngập các siêu thị trên thế giới, nhưng những vụ kiện phá giá một số sản phẩm công nghiệp nhẹ của Việt Nam (xe đạp, pin) ở một số nước cho thấy chúng ta thực sự có thế mạnh cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Có hai lý do Việt Nam không sợ sự canh tranh của Trung Quốc. Thứ nhất là chiến lược kinh doanh “không bỏ hết trứng vào một rọ” của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong vài tuần gần đây, giới kinh doanh quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn vì nhiều công ty đa quốc gia muốn dàn trải rủi ro nên bắt đầu giảm bớt đầu tư vào Trung Quốc (xem Business Week và Asia Pulse).
Việc Canon đầu tư một nhà máy sản xuất máy in laser lớn nhất thế giới hay Intel quyết định đầu tư vào một nhà máy sản xuất chip ở Việt Nam là một ví dụ.
Ngay cả ngành dệt may cũng vậy, kể cả khi Trung Quốc gần như chiếm ưu thế tuyệt đối, Việt Nam, Campuchia, Bangladesh, Thổ nhĩ kỳ vẫn xuất được hàng vì các nhà bán lẻ (retailer) không muốn mua hàng từ một nguồn duy nhất là Trung Quốc.
Thứ hai là sự đa dạng hàng hóa. Với các mặt hàng tiêu dùng thì không có nhãn hiệu nào giống nhãn hiệu nào và một nhà sản xuất năng động luôn có đưa ra những mẫu mã mới để tránh bị cạnh tranh từ những nhà sản xuất lớn hơn.
Việt Nam sẽ "thắng" ở những sản phẩm công nghiệp nhẹ! |
Trên thực tế các nhà sản xuất xe đạp của Việt Nam đã rất thành công khi không đối đầu trực diện với xe đạp Trung Quốc mà chuyển sang sản xuất xe đạp điện. Người Việt Nam đầy đầu óc kinh doanh, đi bất cứ ngõ hẻm nào ở Hà nội và Sài gòn bạn cũng có thể “ngửi” thấy mùi kinh doanh (entrepreneurship), đây là nhân xét của James Riedle, một nhà kinh tế rất gần gũi với Việt nam cách đây gần 10 năm.
Với những khả năng như vậy, chúng ta chắc chắn sẽ lách qua được “rừng” hàng tiêu dùng “Made in China” để xuất hàng công nghiệp nhẹ của Việt Nam ra thế giới. Và Việt Nam cần vào WTO để ít ra cũng có một xuất phát điểm cạnh tranh ngang bằng Trung Quốc, để tránh những vụ kiện phá giá không đáng có, để bạn hàng tin tưởng hơn, để có nhiều cơ hội học hỏi hơn.
"Còn nhiều nước xếp hàng chờ vào WTO"
TS. Lê Nết viết rằng “cần nâng cao được sức cạnh tranh trước khi hội nhập; chứ không phải hội nhập đi đã, rồi chờ sức cạnh tranh sẽ tự nâng cao”. Đúng là chúng ta lúc nào cũng cần phải nâng cao tính cạnh tranh chứ không phải đợi đến lúc vào WTO mới làm. Tuy nhiên nếu cứ núp sau sự bảo hộ thì liệu chúng ta có nâng cao được sức cạnh tranh hay không?
Câu trả lời của Anne Krugger như đã nói ở trên là không.
Thêm vào đó, những người cổ súy cho việc gia nhập WTO không bao giờ cho rằng cứ gia nhập đã rồi sẽ tăng sức cạnh tranh. Trái lại, lập luận căn bản của việc gia nhập WTO nói riêng hay cổ vũ cho mậu dịch tự do (free trade) nói chung là từ lý thuyết “lợi thế so sánh” (comparative advantage) ra đời cách đây gần 200 năm. Lý thuyết này cho rằng bất kỳ nước nào cũng có lợi thế (tương đối) riêng của mình nên sẽ có khả năng cạnh tranh đặc thù khi tham gia vào một hiệp định thương mại tự do. Nếu biết khai thác thế mạnh của mình, bất cứ nước nào cũng sẽ gia tăng tốc độ phát triển và có thể chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng có lợi nhất cho mình.
Đài Loan là một điển hình của việc vận dụng lý thuyết comparative advantage để phát triển. Trong những năm 50 của thế kỷ trước, Đài Loan có hoàn cảnh rất giống Việt Nam hiện tại - nghèo, đông dân, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Với chính sách mở cửa ra bên ngoài, xuất khẩu của Đài Loan đã đi lên từ những sản phẩm nông nghiệp, đến những mặt hàng tiêu dùng công nghiệp nhẹ như dệt may, rồi đến các sản phẩm điện tử, và bây giờ là một số sản phẩm công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn. Chính sách hướng ra bên ngoài như vậy đã giúp cho hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan phát triển, là nền tảng của cả nền kinh tế của Đài Loan sau này. Và Đài Loan đã không đợi đến khi họ có đủ sức cạnh tranh mới mở cửa.
Thay cho lời kết - Cái giá của việc gia nhập WTO, ông Nguyễn Đình Lương nói: "Chưa có nước nào nói bị thiệt vì gia nhập WTO”. Có lẽ cần bổ xung thêm vào câu nói của ông Lương là bên cạnh đó, "còn rất nhiều nước đang xếp hàng để được vào".
Một thực tế khác cũng cần nhìn nhận là nhiều nước có điều kiện kinh tế xã hội (bao gồm cả khuôn khổ luật pháp) cũng chỉ bằng hay thậm chí còn kém Việt Nam (Campuchia, Mông cổ, Cu ba) hiện đã là thành viên của tổ chức này.
Chưa thấy có thành viên nào của WTO xin ra cả!
-
Giang Lê
ĐH QG Úc
Quý vị đứng về phía quan điểm nào?