221
1682
Đối ngoại
doingoai
/chinhtri/doingoai/
841340
Mở cửa thị trường APEC: Doanh nghiệp VN được lợi gì?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Mở cửa thị trường APEC: Doanh nghiệp VN được lợi gì?
,

(VietNamNet) - Doanh nghiệp VN sẽ được hưởng lợi gì khi tham gia tiến trình mở cửa thị trường APEC? VietNamNet ghi nhận câu trả lời từ hội nghị SOM 3.

Phiên họp toàn thể của CTI trong khuôn khổ SOM 3 (Ảnh: HC)

Trong những ngày này, khi "hơi thở" của APEC đang ngày một nóng lên với hàng loạt cuộc họp, hội nghị quan trọng nối tiếp nhau diễn ra để tiến tới hội nghị của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC sắp khai mạc tại Hà Nội vào cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi với VietNamNet: Chúng tôi sẽ được lợi ích gì khi VN tham gia tiến trình mở cửa thị trường APEC, hay sẽ bị các nền kinh tế lớn hơn lấn át đi?

 

Lại một câu hỏi khác đặt ra: VN dự tính chi khoảng 1.000 tỉ đồng cho việc tổ chức Năm APEC 2006, chỉ riêng chi phí tổ chức hội nghị SOM 3 ở Đà Nẵng và Hội An đã hết khoảng 11 tỉ đồng. Số tiền đó đều là từ tiền đóng thuế của người dân mà ra. Vậy thì người đóng thuế có quyền đặt câu hỏi: Việc chi phí những khoản tiền không nhỏ đó có giúp cho việc làm ăn của họ tốt hơn lên hay không, hay là chỉ để nhận được một chút tiếng tăm "ảo" nhiều hơn là "thực"?...

 

Mang theo những tâm tư đó, trong khuôn khổ hội nghị SOM 3 đang diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Chris De Cure, trưởng nhóm đặc trách của Uỷ ban Thương mại và Đầu tư APEC (CTI) và bà Phạm Quỳnh Mai, Phó phòng APEC - ASEM, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Thương mại), trưởng đoàn VN tham gia CTI.

 

- VietNamNet: Tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại là những vấn đề ưu tiên hàng đầu của APEC? Hiện vấn đề này đã và đang được triển khai đến đâu?

 

- Ông Chris De Cure: Chúng tôi đã thảo luận nhiều về việc nhân rộng hơn nữa các thoả thuận tự do hoá thương mại, nhất là đẩy mạnh các thoả thuận này trong APEC. Đây là một trong những mục tiêu chính của CTI trong năm 2006. Để đạt mục tiêu này, CTI đã đối thoại với giới doanh nghiệp về các chính sách tạo thuận lợi hoá thương mại, nghe phát biểu về tác động của hiệp định tự do thương mại đối với họ.

 

CTI nhận thấy sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với các hoạt động tự do thương mại khác với sự quan tâm của các Chính phủ. Giới doanh nghiệp quan tâm đến tính minh bạch và tính dự báo. Họ luôn muốn các quy định, luật lệ phải được công khai hoá để tạo ra môi trường kinh doanh trong lành, cởi mở, rõ ràng. Còn mối quan tâm của các Chính phủ là làm thế nào kết nối được mục tiêu về mặt chính trị với mục tiêu về kinh tế.

 

CTI cũng bàn cách bảo đảm tính nhất quán giữa các thoả thuận về tự do hoá thương mại trong khu vực APEC với các thoả thuận song phương giữa các nền kinh tế thành viên. Bởi vì có nhiều thoả thuận song phương về lĩnh vực này có sự chênh nhau về mặt pháp lý và các điều khoản quy định so với các thoả thuận chung của khu vực. Nó khác với WTO, vì trong WTO chỉ có một điều khoản quy định và tất cả các thành viên đều phải tham gia. Ở APEC, các thành viên xây dựng thoả thuận thương mại song phương với nhau. Nhiệm vụ của CTI là khuyến khích giảm độ chênh và có sự đồng thuận với thoả thuận chung của APEC.

 
Soạn: AM 896967 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Chris De Cure (Ảnh: HC)

- VietNamNet: CTI sẽ làm việc đó bằng cách nào?

 

- Ông Chris De Cure: Biện pháp của CTI là xây dựng các điều khoản mẫu cần phải đưa vào trong các thoả thuận tự do thương mại. Ví dụ chương về buôn bán hàng hoá, chương về thương mại thì có một số điều khoản nhất định cần phải được đưa vào. Chúng tôi đã thảo luận xây dựng điều khoản mẫu trên 14 lĩnh vực khác nhau do các tiểu nhóm và nhóm đặc trách của CTI trình lên. Gồm việc buôn bán hàng hoá, buôn bán dịch vụ, quy định về nguồn gốc, giải quyết xung đột, biện pháp bảo hộ, biện pháp phòng ngừa, vấn đề vệ sinh...

 

Một lĩnh vực nữa là chương trình thuận lợi hoá thương mại mà APEC đang dẫn đầu thế giới. Nhiệm vụ của CTI là làm thế nào thực thi được các chương trình hành động về lĩnh vực này. Chương trình đó của APEC sẽ kết thúc vào cuối năm nay và CTI đang xây dựng các bước triển khai tiếp theo để làm thế nào đạt mục đích giảm chi phí trong kinh doanh, đặc biệt CTI đặt mục tiêu giảm thêm 5% chi phí giao dịch trong giai đoạn 2006 - 2010 sau khi đã thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2001 - 2006.

 

Hiện chúng tôi đã đạt được tất cả những cam kết trong chương trình hành động về tự do hoá thương mại. Nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng chương trình hành động trong 5 năm tới với các cam kết mới dựa vào kết quả đã đạt được trong quá trình chương trình hành động về lĩnh vực này trong thời gian qua. Đồng thời đưa thêm một số nhân tố mới với mục tiêu đảm bảo cho CTI hoạt động có hiệu quả hơn. CTI cũng chú trọng hơn các hành động tập thể. Nghĩa là các nền kinh tế sẽ cùng thực hiện một số chương trình hành động để tăng cường hơn nữa tính hiệu quả và bảo đảm cho tính hợp tác được tốt hơn.

 

- VietNamNet: Vậy APEC có cách nào để giúp đỡ các nền kinh tế đang phát triển giải quyết tranh chấp với các nền kinh tế phát triển, như trong vụ cá basa giữa VN và Mỹ?

 

- Ông Chris De Cure: APEC là diễn đàn đa phương nên CTI không can thiệp vào việc giải quyết quan hệ song phương giữa các nền kinh tế thành viên. Nhiệm vụ của CTI là thúc đẩy hơn nữa tự do hoá, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư trên phạm vi toàn cầu. APEC không phải như WTO là một tổ chức để thương lượng về các điều khoản hay giải quyết các tranh chấp. APEC không có cơ chế để giải quyết các tranh chấp đó. Vai trò của CTI là thảo luận và khuyến khích các nền kinh tế thành viên để họ tự thấy tự do hoá thương mại là điều đó lợi cho họ. Nếu nền kinh tế nào thực hiện chính sách bảo hộ một sản phẩm nào đó trong nền kinh tế của mình thì nền kinh tế đó sẽ chịu thiệt thòi chứ không phải bên bán sản phẩm đó bị thiệt thòi.

 

- VietNamNet: Hiện đã đạt được thoả thuận về bao nhiêu điều khoản mẫu trong 14 lĩnh vực mà CTI nêu ra?

 

- Ông Chris De Cure: Mục tiêu của chúng tôi là đạt được thoả thuận trong 14 lĩnh vực này vào cuối năm 2008. Năm nay chúng tôi hy vọng có thể đạt được một số lượng lớn các điều khoản trong một số lớn lĩnh vực. Nhưng cũng phải nói thêm rằng còn nhiều lĩnh vực thảo luận rất gay gắt, quyết liệt. Vì nó rất phức tạp, đòi hỏi phải có nhiều thời gian để thương lượng thêm. Vì vậy đến thời điểm này chưa thể nói được CTI sẽ đạt được bao nhiêu thoả thuận. Cái mà chúng tôi có thể khẳng định là sẽ có một điều khoản đạt được sự thống nhất được với nhau để trình lên hội nghị cấp Bộ trưởng họp vào cuối năm nay xem xét.

 

Soạn: AM 896963 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bà Phạm Quỳnh Mai (Ảnh: HC)

- VietNamNet: VN nên bảo hộ những mặt hàng nào khi mở cửa thị trường đối với APEC?

 

- Bà Phạm Quỳnh Mai: APEC không phải là một diễn đàn để đàm phán mà là một diễn đàn để hỗ trợ các diễn đàn khác, đặc biệt là WTO. WTO đang có nhiều bế tắc trong đàm phán mà APEC là một diễn đàn để giải toả các bế tắc đó. Các thành viên APEC sẽ cùng làm việc để xác định những vấn đề cần phối hợp lập trường quan điểm để đưa ra WTO.

 

Khi APEC xác định mục tiêu Bôgo mở cửa thị trường vào năm 2010 (đối với các nền kinh tế phát triển) và năm 2020 (đối với các nền kinh tế đang phát triển) thì không có nghĩa là giảm thuế xuống 0%. Mở cửa có nghĩa là chúng ta làm thế nào thực hiện chính sách thông thoáng để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Khi chúng ta làm việc với các thành viên APEC thì có thể học hỏi được những kinh nghiệm tốt trong việc thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, thực hiện các chính sách kinh tế thương mại như thế nào cho thông thoáng nhất. Do vậy, không có nghĩa VN khi tham gia APEC là phải thực hiện giảm thuế đến 0% cho tất cả các mặt hàng.

 

APEC cũng thảo luận về một số mặt hàng, ngành hàng có thể đưa ra thực hiện đàm phán giảm thuế như các sản phẩm về công nghệ thông tin, các sản phẩm về môi trường, hoá chất... Nhưng tiến trình này vẫn đang trong giai đoạn đàm phán, còn hiện nay vẫn chưa có mặt hàng nào để APEC đưa ra cam kết. Do vậy, chúng ta chưa phải lo ngại lắm về việc cần phải bảo hộ ngành hàng, mặt hàng nào trong APEC.

 

- VietNamNet: Nói tóm lại, khi VN tham gia tiến trình mở cửa nền kinh tế trong APEC thì các doanh nghiệp sẽ được lợi ích gì?

 

- Ông Chris De Cure: Các cuộc thảo luận về việc tham gia APEC lợi hay hại vẫn đang tiếp diễn, nhưng càng thảo luận người ta càng đưa ra được những bằng chứng cho thấy rằng cái lợi mà các nền kinh tế đang phát triển được hưởng nhiều hơn là cái thiệt hại. Đặc biệt về mặt dài hạn thì cái lợi đó càng rõ ràng hơn. Chính vì vậy các nền kinh tế mới tham gia vào tiến trình hội nhập, mới mở cửa nền kinh tế.

 

Tuy nhiên chúng tôi cũng thừa nhận, trong quá trình hội nhập như vậy, vẫn phải có những cái giá phải trả cho quá trình điều chỉnh. Sự điều chỉnh này là thay đổi mô hình sản xuất, cách thức sản xuất, thay đổi cơ cấu, hoặc bỏ cái cũ đi, thay thế bằng một cái khác có lợi thế so sánh hơn. Tất cả những cái đó chúng tôi gọi là chi phí điều chỉnh.

 

Cái chúng tôi có thể khẳng định là về mặt dài hạn, các nền kinh tế đang phát triển sẽ được lợi nhiều hơn, nhất là dự báo tình hình được tốt hơn. Có rất nhiều con số để minh chứng. Trong vòng 15 năm qua, các số liệu cho thấy khu vực các nền kinh tế APEC tăng trưởng nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng ở các khu vực khác trên thế giới. 2/3 sự tăng trưởng của thế giới trong vòng 15 năm qua cũng là từ sự tăng trưởng của các nền kinh tế APEC.

 

- Bà Phạm Quỳnh Mai: Khó có thể nói doanh nghiệp VN sẽ được hưởng lợi cụ thể như thế nào khi tham gia tiến trình mở cửa nền kinh tế trong APEC. Vì có những cái lợi hữu hình song cũng có rất nhiều cái vô hình. Ví dụ khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp VN có thể học hỏi được những kinh nghiệm hội nhập của các nền kinh tế trong APEC.

 

Thông qua đó có thể điều chỉnh chính sách thương mại và đầu tư của VN thông thoáng hơn theo các chuẩn mực của các nền kinh tế thành viên APEC, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào VN. Ngược lại, doanh nghiệp VN cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách thông thoáng hơn của các nền kinh tế APEC khác.

 

Hàng năm có cuộc họp của Hội đồng doanh nghiệp APEC với các nhà lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế APEC. Tại đó, đại diện cộng đồng doanh nghiệp APEC sẽ đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế, nêu ra những kiến nghị về việc cải tổ chính sách của các nền kinh tế cho thông thoáng hơn. Sự đối thoại đó rất có ích, đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể cần phải làm gì. Đó là một trong những điểm rất đặc biệt của APEC. Không phải ở diễn đàn nào doanh nghiệp cũng có cơ hội đối thoại với lãnh đạo các nền kinh tế mà trong đó có những cường quốc kinh tế của thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc...

 

Ngoài việc được hưởng lợi từ công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và hợp chuẩn, thông quan hải quan..., doanh nghiệp VN còn hưởng lợi từ chương trình cấp thẻ đi lại của doanh nhân APEC; đến nay đã có 16 thành viên tham gia, trong đó có VN. Khi được cấp thẻ doanh nhân APEC, các doanh nhân sẽ không cần phải có visa khi đi lại làm ăn ở các nền kinh tế tham gia chương trình này, trong đó có những nền kinh tế lớn như Nhật, Australia... vốn trước đây việc cấp visa rất khó khăn. Các doanh nghiệp có thể liên lạc với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) là cơ quan đầu mối ở VN cấp thẻ này.

  • Hải Châu (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,