(VietNamNet) - Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tuy ấn tượng về số lượng nhưng chất lượng vẫn còn là một vấn đề. Nhận xét của các chuyên gia kinh tế LHQ.
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo điều tra kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (Escap) chiều nay (16/4), ông Robert Glofcheski, Chuyên viên kinh tế trưởng thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận định "Thành tựu tăng trưởng GDP của Việt Nam rất ấn tượng về số lượng, nhưng chất lượng còn nhiều điểm cần được chỉnh sửa".
Cụ thể, trong năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ kém so với Trung Quốc (lần lượt 7,2% và 9,1%). Mức tăng mạnh của cầu trong nước, đặc biệt là đầu tư là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu. Các chuyên gia lý giải.
“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, điển hình là tác động của nạn dịch SARS, đây tiếp tục là một thành công ấn tượng”, ông Robert Glofcheski nói.
Bản báo cáo của ESCAP cũng chỉ ra mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được trong năm 2004 là 7,5% do sự tăng cường của nền kinh tế thế giới, gia tăng đầu tư của Nhật cùng với mục tiêu của Chính phủ gia nhập WTO vào năm 2005 dẫn đến mức độ tăng cường liên kết kinh tế.
Tuy nhiên, ông Robert Glofcheski cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam chưa đều, chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định và một số vùng nhất định. “Như vậy, rõ ràng là không phải toàn bộ người dân được hưởng lợi nhờ kinh tế khởi sắc. Trái lại, chỉ có một bộ phận dân cư và không loại trừ việc người giàu thì giàu lên, còn người nghèo thì nghèo đi”. Ông nói.
Các chuyên gia cũng dự đoán bước sang năm 2004, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức từ kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh năm bầu cử ở Mỹ. Ông R.Glofcheski cho rằng, năm nay Mỹ sẽ đưa ra các chính sách "lấy lòng" cử tri như giảm thuế, duy trì lãi suất thấp. Điều này làm thâm hụt thương mại Mỹ gia tăng, còn Nhật Bản và Trung Quốc lại thặng dư. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường thế giới.
Lạm phát cũng là một khó khăn nữa của Việt Nam. ESCAP dự đoán mức lạm phát của Việt Nam trong năm nay có thể sẽ tăng. Sự phát triển của nhu cầu trong nước, sự tăng giá thực phẩm, tăng lương, gia tăng các chi phí xây dựng khác, sự suy yếu của đồng nội tệ là những nguyên nhân được chỉ ra. Tuy nhiên, ông Glofcheski vẫn bày tỏ lạc quan cho rằng nguyên nhân lạm phát năm nay chủ yếu do dịch cúm gà và chính phủ có thể kiểm soát được sau khi khôi phục đàn gia cầm. Thậm chí, mức lạm phát có thể giảm xuống còn 3% (hiện mức lạm phát quý I là 5,6%). Ông Glofcheski nói.
Theo đề xuất của chuyên gia kinh tế trưởng UNDP, việc tăng cường chất lượng đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng. Để làm được điều này, ông Glofcheski cho rằng, Việt Nam cần có sự nghiên cứu kỹ giữa lợi ích và chi phí, tăng cường tính minh bạch thông tin, thúc đẩy sự tham gia thảo luận của công chúng về vốn đầu tư cho các công trình lớn.
-
Việt Lâm