(VietNamNet) - Hội nhập WTO và khả năng DN trong nước có thể chống chọi với những "luồng gió mới" hay không là những vấn đề được các ĐB đem ra bàn cãi sôi nổi tại nghị trường chiều 13/5. Ngoài ra, một số ĐB còn báo cáo với QH về khó khăn ở địa phương mình với mong muốn được kéo dài thời gian thực hiện Chương trình 135.
Có "ngày đen tối'' với ngành dệt may?
Ngành dệt may năm 2003 xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu, đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động. Nhưng ngành dệt may đang đối mặt với thách thức vì sắp đến ngày 1/1/2005, giai đoạn khống chế bằng hạn ngạch tồn tại 30 năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ bãi bỏ, mà đến giờ Việt Nam chưa gia nhập tổ chức này.
Tại buổi thảo luận ngày 13/5 của Quốc hội, ông Huỳnh Văn Chính (ĐB Đà Nẵng), đã dẫn lời có vẻ cường điệu của một chuyên gia nước ngoài: ''Ngày 1/1/2005 sẽ đi vào lịch sử như một ngày đen tối đối với ngành dệt may. Các khách hàng chỉ mới hôm qua thôi thề thốt trung thành đặt hàng vĩnh viễn sẽ yên lặng ra đi mất hút''. Trước những lo toan ấy, ĐB Chính cho rằng, các DN phần lớn đã phát huy nội lực nâng cao khả năng cạnh tranh, song họ vẫn trông chờ vào kết quả đàm phán của Chính phủ gia nhập vào WTO.
Đại biểu Trần Luân Kim (ĐB. Phú Yên): |
''Một điều không gây thích thú cho tất cả chúng ta và cho đông đảo cử tri là báo cáo tổng kết phát triển kinh tế xã hội hàng năm trong mấy năm qua ngoài thành tích, thành tựu thì luôn lặp đi lặp lại những tồn tại yếu kém cũ giống nhau và nó trở thành quen thuộc đối với mọi người. Đây là điều đáng suy nghĩ''. |
Còn theo ông Mai Quốc Bình (ĐB TP.HCM): ''Dù muốn hay không thì lộ trình gia nhập WTO, vào AFTA năm 2006 sắp đến. Khi các rào cản về thuế quan được tháo gỡ thì liệu rằng DN Việt Nam có đủ sức vượt qua hay không hay điều này sẽ dẫn đến hàng loạt DN bị sụp đổ? Đó là một câu hỏi mà các nhà quản lý cũng như DN quan tâm, phải tự kiểm tra hành trang của mình xem chúng ta phải chuẩn bị gì cho cuộc chơi này''.
Song song với đàm phán gia nhập WTO, một số đại biểu cũng đang tính hộ ''nước đi'' cho Chính phủ trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông Trần Luân Kim (ĐB. Phú Yên) cho rằng, Việt Nam nên tính đến việc liên kết phát triển với một số nước có chọn lọc, đặc biệt với những nước láng giềng có kinh nghiệm và tiềm lực phát triển. Chẳng hạn như giao lưu thị trường, du lịch, đào tạo, thu hút đầu tư hoặc lĩnh vực công nghệ cao. ''Nguyên tắc tính toán làm sao nước ta và nước liên kết có thể tựa vào nhau, tận dụng thế mạnh của nhau để cùng tiến, chủ yếu tăng được sức cạnh tranh kinh tế mà ta còn yếu. Đây là xu thế và biện pháp mà một số quốc gia khôn ngoan đã làm'', ông Kim phân tích.
Địa phương xin "nới" Chương trình 135 thêm vài năm nữa!
Hết ngày 13/5, sau 2 ngày rưỡi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội đã nghe các đại biểu, nhất là các đại biểu ở vùng sâu, vùng xa ''kể nghèo'' và mong muốn Chính phủ kéo dài Chương trình 135 (theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2005).
Bà Nguyễn Thị Nương (ĐB Cao Bằng) cho biết: ''Những xã thuộc Chương trình 135 hiện nay bình quân có 25-26% hộ nghèo. Nhưng đấy mới là bình quân, còn những xã, thôn, bản có tỷ lệ nghèo còn cao hơn nhiều, 50-60%. Còn một xã có tỷ lệ đói nghèo cao nhất 90% là xã CSoLiên ở Lâm Đồng''.
Ông Điểu K'Ré (ĐB Đăk Nông) nói lên thực tế: ''Hưởng chương trình này chủ yếu ở trung tâm xã, cụm xã. Ngược lại, ở thôn, buôn, đồng bào dân tộc chưa được hưởng chương trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đề nghị Chính phủ đã quan tâm rồi thì quan tâm thêm nữa các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam''.
Ông Nguyễn Xuân Phúc (ĐB Quảng Nam) cũng "tranh thủ" kiến nghị: ''Miền Trung điều kiện khắc nghiệt, còn nhiều khó khăn. Có xã hộ nghèo chiếm 40-50%, đời sống lạc hậu. Hàng trăm xã chưa có đường ôtô, nhiều vùng chưa có điện''. Ông Phúc đề nghị miền Trung cần được hưởng những chính sách ưu đãi như đối với Tây Nguyên và Tây Bắc.
Đến lượt mình, ĐB Tuyên Quang - ông Nguyễn Đình Quang thẳng thắn đề cập luôn: ''Đề nghị Chính phủ kéo dài Chương trình 135 thêm thời gian một vài năm nữa!''.
Sáng 14/5, Quốc hội sẽ dành thêm thời gian cho một số đại biểu có ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, sau đó Quốc hội thảo luận về ngân sách, thông qua quyết toán ngân sách năm 2002.
Ông Đặng Thuần Phong (ĐB Bến Tre): |
Có 4 mối nguy hại đối với xã hội hiện nay cần phải loại bỏ là ''nhất loạn, nhì tham, tam gian, tứ phá''. ''Loạn'' là gây rối trật tự công cộng, gây mất ổn định. ''Tham'' là tham nhũng, cần phải chống tham nhũng quyết liệt hơn! Còn kẻ gian ''nhan nhản'' trong xã hội, điển hình như nạn bằng giả. ''Phá'' là phá hỏng việc theo kiểu ''trăm người làm một người phá''. Ngoài ra còn tình trạng ''trên bảo dưới không nghe''! Dưới nghe, biết, hiểu nhưng vẫn không làm theo chỉ đạo của Chính phủ. |
-
Văn Tiến