(VietNamNet) - Trao đổi với báo chí bên hành lang cuộc họp Quốc hội sáng 17/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã kêu gọi nhà sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tiết kiệm trước tình hình xăng dầu tăng giá, vì "Nhà nước không thể cứ bù lỗ mãi xăng dầu cho DN được".
- Thưa Bộ trưởng, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào trước tình hình giá xăng dầu tăng lên hiện nay?
Tuy nhiên, doanh nghiệp “chịu được” nghĩa là phải có mức độ, chứ không phải chịu được nghĩa là Nhà nước cứ bù cho mãi. Vì vậy, để giữ được sự ổn định, thì người kinh doanh xăng dầu cũng cố gắng giảm chi phí lưu thông, và phải phân phối cho tốt, đừng để đầu cơ tích trữ. Bên cạnh đó là người sản xuất và tiêu dùng khác, kể cả tiêu dùng cho xe máy, ô tô cũng phải chịu cao hơn một chút, cũng là tiết kiệm. Phải tiết kiệm như vậy để duy trì, nếu không thì sẽ hết sức khó khăn. Vì trước đây dự kiến giá xăng dầu từ 22USD đến 28USD, bây giờ giá lên tới 40USD đến 41USD, bình quân trong 2 tháng vừa rồi là gần 40USD. Nhà nước vừa phải bỏ thuế, vừa phải bù lỗ, nhưng chưa chắc đã giữ được sự ổn định, vì vậy tất cả mọi nhà sản xuất, tiêu dùng phải tăng cường cùng Nhà nước giữ sự ổn định, bằng cách tiết kiệm.
Chính phủ đang theo dõi giá xăng dầu |
''Chúng ta có thừa nhận chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế không? Nếu nhất quán đã là thị trường, thì giá cả do cung cầu quyết định. Cho nên chúng ta phải nhìn nhận thị trường. Không thể có lúc anh cứ đòi Chính phủ phải thị trường, phải cạnh tranh, có lúc đòi Chính phủ sao không quy định giá. Nhưng cũng không thể chỉ thị trường mà không có sự điều tiết của Nhà nước. Tức là Nhà nước kiểm soát bằng luật pháp, bằng tạo điều kiện về kinh doanh để cạnh tranh lành mạnh, không thể để đầu cơ, tích trữ tạo ra sự độc quyền. Bây giờ giá xăng dầu thế giới có tăng đấy nhưng Chính phủ đang theo dõi, xem xét. Hiện nay Chính phủ chưa có ý định tăng giá bán. Đây là mặt hàng đang được Nhà nước bù lỗ''. (Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng) |
- Cách bù lỗ như thế nào?
- Bù lỗ bao nhiêu thì tùy thuộc vào giá. Giá nhiên liệu nhập về bao nhiêu thì doanh nghiệp phải chịu thuế, phần còn lại Nhà nước bù lỗ, sẽ tính toán để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp giữ được ổn định kinh doanh. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tiết kiệm một ít, ít nhất là 10% đến 20% chi phí lưu thông.
- 4 tháng đầu năm giá cả đã tăng đến 5,4%. Hiện tại giá xăng dầu tăng như vậy, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình giá cả và tình hình kinh tế?
- Sẽ rất khó khăn. Trước hết là khó khăn cho sản xuất công nghiệp, vận tải, hàng không và nhiều ngành công nghiệp khác. Nếu ta một số mặt hàng vật tư khác tăng giá nữa thì công nghiệp sẽ bị phá sản. Chẳng hạn nếu giá than tăng, cũng sẽ tạo nên khó khăn rất lớn. Giá than tăng lên thì sẽ đẩy vào xi-măng, vào công nghiệp hoá chất, vào một loạt công nghiệp dùng than. Nếu giá các mặt hàng vật tư, nguyên nhiên liệu tăng lên nữa thì sẽ kích toàn bộ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh công nghiệp tăng lên.
Tuy nhiên cũng có cái được là trong 5,4% giá tăng đó, thì khoảng 3% tăng từ nông sản và thực phẩm. Trong 3% đó, trừ dịch cúm gia cầm, còn lại thóc gạo, cao su, cà phê, các loại nông sản khác tăng là tốt. Cách đây 2 năm ta lo về tình hình tụt giá, bây giờ giá nông sản tăng lên, nông dân có lãi. Giá nông sản tăng, hàng tiểu thủ công nghiệp mới lên được, từ đó tạo ra cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện tại, mặc dù các hàng hoá vật tư nông nghiệp có tăng lên, nhưng cũng đang xuống. Nhờ vậy, sức mua, sức đầu tư nông nghiệp tăng. Hy vọng mặt bằng đời sống nông thôn tăng lên.
Trong trường hợp giá cả xăng dầu tăng đẩy giá hàng hóa tăng lên, chúng ta có thể sẽ phải điều chỉnh. Có loại phải giữ, Nhà nước bù lỗ; có loại điều chỉnh việc tăng giảm giá theo lộ trình; có loại như sản phẩm nông nghiệp thì cho lên. Nếu như 5% tăng giá mà có 3% tăng từ mặt hàng nông nghiệp, thì chấp nhận được.
- Ta có lợi hay thiệt hại khi giá dầu tăng, vì ngân sách thu từ dầu thô là rất lớn?
- Lấy tiền đó để bù lỗ và giảm thuế. Ta mất đầu vào về thuế, vì thuế đã đưa xuống bằng 0. Còn toàn bộ nền kinh tế này giá đầu vào tăng lên, thì lợi nhuận giảm xuống. Lợi nhuận xuống thì thất thu. Như vậy chưa thể nào tính hết được.
- Giá cả tăng, xuất khẩu và đời sống tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
- Hàng nông sản xuất khẩu đạt yêu cầu cả về thị trường và về giá cả. Một số mặt hàng công nghiệp thì cũng may mắn là do chưa có ảnh hưởng gì lớn bởi tác động của xăng dầu. Đến nay có thể nói xuất khẩu chưa bị tác động nhiều. Tỷ giá đô-la cũng đang ổn định. Nếu tỷ giá lên quá cao thì ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cố gắng giữ tỷ giá đô-la để bảo đảm cho xuất khẩu.
Về tiêu dùng, ảnh hưởng chính là giá nông sản thực phẩm. Cán bộ ăn lương thì có ảnh hưởng. Riêng người tiêu dùng nông thôn thì sẽ lấy cái được bù giá cao. Ở ta có 50 % là nông dân, thì phải lấy số đông để mà tính.
- Giá xăng dầu lên đến bao nhiêu thì Chính phủ sẽ điều chỉnh?
- Chưa. Chưa điều chỉnh...
-
Đặng Vỹ - Văn Tiến - ghi