(VietNamNet) - Bên hành lang QH sáng 1/6 khi trao đổi về Quy chế hoạt động của UBTVQH có liên quan đến việc chất vấn, Phó thủ tướng Vũ Khoan đã đề cập đến vấn đề này...
Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: TT |
Ông Vũ Đức Khiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, sáng 1/6 đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo quy chế hoạt động của UBTVQH, quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
''Vấn đề chất vấn được tiến hành công khai và còn được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Do đó, việc đánh giá về tính đúng sai trong nội dung chất vấn và lời chất vấn phải do từng địa biểu Quốc hội và tập thể Quốc hội quyết định. UBTVQH nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng chỉ giữ vai trò là người chủ trì, tổ chức để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn'', ông Khiển nói về vai trò của UBTVQH khi tham gia chất vấn tại kỳ họp.
Ông Khiển nói thêm: ''Trong trường hợp nhận thấy việc trả lời chất vấn chưa thoả mãn mong muốn của địa biểu Quốc hội, cử tri cả nước thì đại biểu có quyền đặt câu hỏi thêm, đề nghị Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung liên quan hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. Trường hợp này, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định về những đề nghị của đại biểu. Khi xét thấy cần thiết, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về nội dung trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn''.
Theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi (ngày 10, 11 và nửa buổi sáng ngày 12/6) để nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Vũ Khoan, bên hành lang Quốc hội sáng 1/6, cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng có thể tham gia trả lời chất vấn theo yêu cầu của đại biểu, hoặc tự mình giải trình những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.
Không vận động bỏ phiếu tín nhiệm!
Liên quan đến vai trò của UBTVQH, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, UBTVQH đã nhận định: ''Trình tự trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm cần được quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm thận trọng, khách quan trong quá trình xem xét, quyết định''.
''Khi có ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội kiến nghị hoặc có kiến nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội thì UBTVQH sẽ trình ra Quốc hội, không được giữ lại, kể cả khi khác với ý kiến của UBTVQH. UBTVQH chỉ xem xét để tỏ rõ quan điểm của mình khi trình Quốc hội, chứ không phải UBTVQH có quyền trình hay không trình'', ông Vũ Đức Khiển đại diện cho UBTVQH nói.
UBTVQH cũng cho rằng, việc ''xem xét'' vấn đề này tại phiên họp của UBTVQH là cần thiết, nhằm bảo đảm tính thận trọng trong các vấn đề trình Quốc hội. Sao cho trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có đầy đủ những thông tin chính xác, những nhận xét, đánh giá khách quan về việc thực hiện nhiệm vụ của người đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, tránh việc kiến nghị, bỏ phiếu tín nhiệm theo cảm tính hoặc theo dư luận mà chưa được kiểm chứng. Theo tinh thần của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, kiến nghị của đại biểu Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm là các kiến nghị độc lập, không có sự vận động.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua quy chế hoạt động của UBTVQH với 399 phiếu tán thành, chiếm 80,61%; đồng thời sau đó Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành quy chế này. Quy chế này thay thế Quy chế hoạt động của UBTVQH được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 7/7/1993.
Phải gặp gỡ, đối thoại khi giải quyết khiếu nại
''Kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội (247/325 đại biểu) tán thành quy định về trách nhiệm của Thủ tướng như trong dự thảo luật'', ông Vũ Đức Khiển cho biết như vậy khi trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo sáng ngày 1/6 trước Quốc hội.
Theo dự thảo này, Thủ tướng từ một cấp giải quyết khiếu nại trực tiếp sẽ chuyển sang ''lãnh đạo công tác giải quyết khiếu nại'', ''chỉ đạo bộ trưởng giải quyết khiếu nại liên quan đến nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực quản lý và giao cho Tổng thanh tra đôn đốc theo dõi việc giải quyết''. Thủ tướng chỉ xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, công dân, cơ quan, tổ chức.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý hiện do Thủ tướng giải quyết thì tới đây sẽ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải quyết. UBTVQH cũng đề nghị Quốc hội không quy định uỷ quyền cho thanh tra nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại, kể cả Thủ tướng cũng không được uỷ quyền cho Tổng thanh tra.
Theo dự luật, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm xem xét giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của chính mình có vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Tổng thanh tra.
Một điểm mới trong dự luật là quy định ''người khiếu nại lần đầu phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại''. Người giải quyết khiếu nại lần tiếp theo phải gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại ''trong trường hợp cần thiết'' (?).
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo với 388 phiếu tán thành, chiếm 78,38%, 5 phiếu không tán thành và 9 phiếu trắng. Luật này sẽ có hiệu lực từ 1/10/2004.
-
Văn Tiến