221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
433116
Luật An ninh quốc gia: Chưa huy động sức toàn dân?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Luật An ninh quốc gia: Chưa huy động sức toàn dân?
,

(VietNamNet) - Tại buổi thảo luận  về dự án Luật ANQG, nhiều đại biểu cho rằng, thế trận an ninh nhân dân (ANND) là nội dung lớn và quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) nhưng chưa được Luật chú trọng xây dựng.

Cần hỗ trợ vật chất cho người dân tham gia ANQG

Bộ đội đang diễn tập.

Đại biểu Phan Anh Minh cho rằng, hành vi bảo vệ ANQG là hành vi cao cả hơn, có ý nghĩa hơn so với hành vi chống tội phạm hình sự. Vì vậy cần phải thể hiện trách nhiệm của Nhà nước là phải hỗ trợ cho người dân khi bị tổn hại về sức khoẻ, tài sản do hoạt động tham gia bảo vệ ANQG. Trên thực tế hiện nay có rất nhiều trường hợp như vậy, nhưng do chúng ta không chú ý, không ghi nhận, không công bố, nên không chú trọng việc hỗ trợ cho người dân”.

Ông Minh đơn cử, trong vụ bạo loạn ở Tây Nguyên vừa qua, có những người dân đem tài sản, đem xe công nông ra ngăn cản những người gây rối kéo về thành phố; hoặc ở TP.HCM có rất nhiều trường hợp tham gia hỗ trợ chính quyền trong công việc bảo vệ an ninh trật tự đã bị kẻ xấu ném đá vào nhà, phá phách tài sản, nhưng không có ai, cơ quan nào hỗ trợ khắc phục thiệt hại. “Chúng ta chỉ ghi nhận, khen thưởng có ý nghĩa về mặt hình thức chứ còn về vật chất thì chưa chú trọng. Những người tích cực tham gia đấu tranh chỉ bị thiệt chứ không được gì” - Ông Minh đề nghị, phải có một quy định cụ thể thành luật về việc tạo điều kiện cho những người tham gia cùng Nhà nước giữ gìn an ninh trật tự.

“Ta đã nêu các biện pháp vũ trang, nhưng thiếu biện pháp quần chúng, trong khi lâu nay ta vẫn đề cao biện pháp quần chúng, thế trận ANND” - đại biểu Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Còn theo đại biểu Mai Quốc Bình, thì vấn đề ANND: thế trận lòng dân còn là vấn đề niềm tin của nhân dân, niềm tin của nhân dân là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo sự vững chắc của chế độ, quốc gia. Đại biểu Bình cho rằng, niềm tin này phải luôn luôn được giữ vững, củng cố, tăng cường, thông qua cơ chế chính sách, hoạt động, hiệu quả quản lý, để giải quyết vấn đề an ninh. “Ta có nhiều vũ khí hiện đại, nhưng nếu không có niềm tin, lòng dân, thì cũng thất bại.  Phải xem lại có gì chưa ổn, phải tiếp tục hoàn thiện củng cố, tạo thành sức mạnh lòng dân”, ông nhấn mạnh nội dung này nhiều lần. Ông cho rằng, bên cạnh việc xây dựng lực lượng, cần phải làm tốt việc tạo điều kiện cho người dân có đầy đủ cuộc sống vật chất và tinh thần.

Theo đại biểu Mai Quốc Bình, yếu tố kinh tế cũng là một nội dung an ninh. Đại biểu này cho rằng, nên đưa vào Luật nội dung thực hiện nhiệm vụ kinh tế với bảo đảm ANQG. “Giúp sức sản xuất phát triển để đảm bảo ANQG, là điều rất cần thiết. Chẳng hạn việc làm, thu nhập, lương của cán bộ công chức cũng là vấn đề an ninh. Vì vậy cần tạo điều kiện giải phóng sức lao động, phát triển sản xuất, tăng cường hiệu quả kinh tế tức là tăng cường hiệu quả công tác an ninh”.

Cũng đồng tình với các ý kiến trên, nhưng đại biểu Nguyễn Đình Lộc đưa ra một khía cạnh khác. Ông nhấn mạnh, vấn đề lớn của an ninh kinh tế là bí mật kinh tế.

Trong khi đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng “phải xem nhiệm vụ ANQG là của toàn xã hội, chứ không riêng gì Quân đội và Công an”, thì đại biểu Trương Hòa Bình cũng tương tự: “Công tác bảo vệ ANQG không chỉ mấy anh Quân đội, Công an, mà phải nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tầng lớp nhân dân”. Ông cho rằng, nền tảng ANQG là một sự bố trí thế trận của các lực lượng xã hội, ngoài cơ quan chức năng còn có tổ chức đoàn thể, chính quyền, quần chúng... Vì vậy phải có những quy định cụ thể trong Luật về cơ chế hoạt động, phối hợp để dễ áp dụng thực hiện. Và quan trọng nhất, là phải có một cơ quan đứng đầu chịu trách nhiệm trong việc trong việc tổ chức và triển khai các hoạt động phối hợp.

Được sử dụng vũ lực không cần cảnh báo?

Dự luật quy định cho phép lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia sử dụng vũ khí, vũ lực mà không cần cảnh báo trước trong trường hợp ''thực hiện quyết định hoặc mệnh lệnh của người có thẩm quyền''. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn: ''Cho phép sử dụng vũ khí không cần cảnh báo trước dễ bị tuỳ tiện, lạm dụng. Không làm chặt chẽ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường''. Đại biểu Nguyễn Văn Hiện, Chánh án TANDTC cho rằng, quy đình như vậy ''đơn giản quá''. ''Chỉ trong trường hợp cấp thiết, khẩn cấp thì mới được sử dụng vũ lực. Phải quy định sử dụng vũ khí vũ lực khi không còn biện pháp tốt hơn nữa'', ông Hiện nói.

''Trong trường hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, nhân viên cơ quan này có thể xuất trình giấy chứng minh an ninh nhân dân để thực hiện các quyền của mình hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp đỡ'', quy định cũng gây thắc mắc cho các đại biểu. Vì lực lượng này còn bao gồm cả những người làm công tác hậu cần, tổ chức, văn thư hành chính... cũng được cấp chứng minh an ninh. Theo đại biểu Hoàng Văn Nghiên, lực lượng chuyên trách ''rộng quyền'' như vậy nếu chuyên môn không đủ sẽ dẫn đến lạm quyền, xâm hại lợi ích của dân.

Một số đại biểu cũng băn khoăn về quy định cho phép cơ quan chuyên trách an ninh quốc gia được quyền ''kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, đồ vật, phương tiện của cá nhân và kiểm tra, tìm hiểu đối với cơ quan tổ chức, cá nhân; vào cơ quan, tổ chức của Việt Nam, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam'' là rất rộng, có thể gây tâm lý bất lợi đối với nhà đầu tư nước ngoài và nhân dân.

Luật hay là nghị quyết?

Vẫn có không ít ĐB cho rằng dự thảo Luật lần này chưa có gì mới mẻ và "chưa giống một bộ luật". Theo đại biểu Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP. Hà Nội, dự thảo luật này đã thừa hưởng các nghị quyết của Bộ Chính trị về bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Chuyên cho biết cảm giác dự luật này ''không ra luật không ra nghị quyết''.

Thông thường luật là cụ thể hoá từ chính sách thì trong dự thảo có quy định ''luật này quy định chính sách an ninh quốc gia''. Chẳng hạn, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, khái niệm ''xây dựng thế trận an ninh nhân dân'' quy định trong dự thảo luật rất rộng, khó xác định cụ thể quyền, trách nhiệm.

Có nhiều ý kiến của đại biểu không đồng ý với tên gọi của dự thảo luật là Luật An ninh quốc gia mà phải đổi thành Luật Bảo vệ An ninh Quốc gia. Bởi vì tên gọi thể hiện phạm vi điều chỉnh quá rộng trong khi Luật chủ yếu quy định về quyền và trách nhiệm của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Hơn nữa, theo tên gọi của luật thì không chỉ quy định bảo vệ mà còn phải ''phòng, xây dựng và củng cố'' để giữ vững an ninh quốc gia trong nhiều lĩnh vực.

  •  Đặng Vỹ - Trần Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,