(VietNamNet) - "Dân thì nghèo mà công tơ treo ngược trên cành cây làm sao kéo điện vào nhà". Đây là một trong số những ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu về dự án Luật Điện lực sáng 4/6.
''Công tơ điện treo ngược cành cây''
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) phản ánh thực trạng hiện nay ở một số vùng nông thôn, miền núi: ''Tuy Nhà nước đầu tư đường dây dẫn điện 6 KV và trạm biến áp đến trung tâm xã nhưng hộ dân vẫn chưa được dùng điện. Lý do: xã chưa có kinh phí để xây dựng tiếp đường trục 0,4 KV, còn dân thì do quá nghèo nên không có tiền đóng góp cho xã. Các nhà dân lại ở cách nhau quá xa nên làm đường dây đã khó lại càng khó hơn''.
Đồng tình với ông Cuông, đại biểu Bùi Trung Chính (Lâm Đồng) nêu thêm một thực trạng: ''Đối với điều kiện thu nhập hiện nay thì có khi công tơ ở trước ''ngõ'' nhưng người dân ở miền núi không mắc được điện. Nếu đơn vị điện lực chịu trách nhiệm đầu tư đường dây dẫn điện đến công tơ điện và công tơ đặt cách nơi sử dụng điện tối đa 50m thì dân rất phấn khởi''.
Đại biểu Y Ly Niê KĐăm (Đăk Lăk) tỏ ra bức xúc: "Dân thì nghèo mà công tơ treo ngược trên cành cây làm sao kéo điện vào nhà". Vì như vậy, ông Nguyễn Thanh Phú (ĐB Thái Nguyên) than thở: ''Có hàng hàng triệu người mua điện không được kiểm tra. Không có nước nào bán điện như mình để để công tơ ở đầu ngõ cả?!''.
Hộ nghèo mua điện đắt hơn hộ giàu?
Một nghịch lý hiện nay là nhiều "hộ dân nghèo ở nông thôn đang phải trả tiền điện nhiều hơn so với hộ dân giàu ở thành thị". Ông Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) cho biết: "Ở đô thị trả 500 đồng/KWh thì bà con phải trả đến hơn 1.000 đồng/KWh''. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) cũng phản ánh, ở nhiều nơi giá điện cao hơn giá trần của Chính phủ, thậm chí người dân phải trả 1.500-2.000 đồng/KWh.
Nguyên nhân, theo ông Cuông, là do tỷ lệ tổn thất điện năng quá lớn, có nơi tới 20-30%, kết hợp với phương thức khoán thầu trong kinh doanh điện còn nhiều tiêu cực. ''Người tiêu dùng rất muốn ngành điện bán điện trực tiếp đến công tơ của từng hộ gia đình'', ông Cuông nói.
Bà Dương Kim Anh (ĐB Trà Vinh) đề nghị Nhà nước trích nguồn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng đường dây tải điện cho khu vực vùng cao, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội. Còn vùng nông thôn đồng bằng, miền núi thấp thì tuỳ khả năng của từng địa phương mà Nhà nước có sự hỗ trợ thích hợp để ''Nhà nước và nhân dân cùng làm''.
Bao giờ có cạnh tranh bán lẻ điện?
Theo ông Lê Văn Cuông, muốn có thị trường điện cạnh tranh tất yếu phải có nhiều thành phần kinh tế, nhiều đối tượng tham gia. Mà muốn có nhiều đối tượng tham gia phải có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và ổn định. Bên cạnh đó, cần quy định rõ phương thức, kể cả chế tài ở lĩnh vực truyền tải điện do Nhà nước độc quyền quản lý.
Dự thảo Luật Điện lực quy định bên bán điện phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây dẫn điện đến công tơ để bán cho người sử dụng điện. Quy định dường như đang làm hạn chế sự tham gia sản xuất và cung cấp điện của các thành phần kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Phú (ĐB Thái Nguyên) nói: ''Anh muốn sản xuất ra điện và bán điện thì phải đầu tư cả đường dây đến chỗ người ta mua. Chính vì thế, nhiều dự án đầu tư bị bỏ dở vì người ta không có sức đầu tư lưới điện''.
''Chúng ta chưa có sự cạnh tranh trong bán lẻ điện để người dân lựa chọn nguồn điện rẻ hơn, phục vụ tốt hơn. Dân chỉ biết có một người đưa điện về làng, cho thế nào dùng thế ấy'', đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) than thở.
Theo đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), dự thảo Luật Điện lực quy định xây dựng giá điện không chỉ căn cứ vào quan hệ cung cầu về điện mà còn căn cứ vào nhu cầu vốn đầu tư hoặc yêu cầu thu hồi vốn đầu tư. ''Như vậy dễ gây cho người ta suy diễn là khi nào cần tiền đầu tư, trả nợ thì ngành điện lại rục rịch đòi nâng giá điện hay sao'', ông Cảnh băn khoăn.
''Chốt'' thảo luận về dự án Luật Điện lực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh cho biết, có 25 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội. Các ý kiến này sẽ được UBTVQH xem xét, tiếp thu và dự án Luật Điện lực sẽ đưa ra để Quốc hội thảo luận, thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
-
Văn Tiến