"Chậm không phải do bỡ ngỡ"
Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương của Bộ Nội vụ, 6 tháng thực hiện cơ chế ''một cửa'' (từ 1/1/2004), 35% số sở (531/1.526 sở) và 74% số huyện (487/658 huyện) trên toàn quốc đã thực hiện cơ chế này. Đặc biệt một số nơi cấp xã đã làm trước, đạt 9,4%, trong khi thời hạn bắt đầu cho cấp xã thực hiện ''một cửa'' là từ 1/1/2005.
Nếu so sánh với con số 3 tháng đầu năm 2004, tiến trình ''một cửa'' dường như đi... thụt lùi. Cũng con số tổng hợp từ Bộ Nội vụ, quý I/2004, cấp sở thực hiện "một cửa" đạt 35%, cấp huyện đạt 76%. Lý giải vấn đề này, ông Đinh Duy Hoà, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cho biết, con số báo cáo 6 tháng ''thực chất, đúng hơn'' báo cáo của 3 tháng. Trong báo cáo 3 tháng, một số địa phương đã ''báo cáo thành tích'', như Hà Tây, Hưng Yên báo cáo thực hiện 100% nhưng ngay sau đó Bộ Nội vụ đi kiểm tra thì thực tế đạt... 0%!
Bao nhiêu sở bắt buộc đã thực hiện ''một cửa''? |
Theo Quyết định 181/2003 của Thủ tướng, các sở bắt buộc triển khai cơ chế ''một cửa'' là Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Như vậy, 256 sở bắt buộc (4x64 tỉnh) trong năm nay phải hoàn thành triển khai ''một cửa''. Kết quả tổng hợp 6 tháng có 531 sở thực hiện nhưng theo một quan chức Bộ Nội vụ, chưa rõ có bao nhiêu các sở bắt buộc đã thực hiện ''một cửa''? |
Cũng theo kết quả tổng hợp của Bộ Nội vụ, đáng lo ngại trong 6 tháng đầu năm, có 18 tỉnh chưa có sở nào thực hiện ''một cửa'', 3 tỉnh (Hưng Yên, Lai Châu, Thái Bình) thậm chí cả cấp huyện và sở đều chưa thực hiện. Hưng Yên và Thái Bình sau ''báo cáo thành tích'' 3 tháng đã bị nhắc nhở nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến. Còn Hà Tây nằm trong danh sách 18 tỉnh vừa nói trên, khiêm tốn mới chỉ có huyện Hoài Đức bắt đầu thực hiện cơ chế ''một cửa''.
Một quan chức Bộ Nội vụ đánh giá, triển khai ''một cửa'' còn chậm! Ông nói: ''Từ khi cơ chế này lần đầu tiên được thí điểm ở TP.HCM đến nay đã được 10 năm. Kinh nghiệm cách làm có rồi! Như vậy chậm không phải do bỡ ngỡ!''.
Được hỏi có khó khăn gì không? Vị quan chức này trả lời: ''Không nên nói là khó khăn mà là nguyên nhân! Đó là sự chỉ đạo của UBND tỉnh, cụ thể là chủ tịch tỉnh chưa sâu sát''. Vị này cũng cho biết: ''Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng về tình trạng này và hiện nay mới chỉ nhắc tên, chưa có hình thức xử lý".
Trong cuộc giao ban về cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã dành thêm 1 ngày để làm việc với giám đốc các Sở Nội vụ. Bộ đã yêu cầu các giám đốc các Sở Nội vụ báo cáo tình hình triển khai ''một cửa'' với UBND tỉnh, đồng thời đặt trách nhiệm các Sở Nội vụ phải tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai cơ chế ''một cửa''.
"Một cửa" phải đúng là "một cửa"
''Một vấn đề quan trọng hiện nay là đảm bảo thực chất ''một cửa'' đúng là ''một cửa'', chứ không phải treo biển hình thức'', ông Đinh Duy Hoà nhấn mạnh. Kiểm tra mới đây của Bộ Nội vụ cho thấy, một số nơi cán bộ, công chức ở ''một cửa'' chỉ làm việc 2-3 ngày trong tuần, những ngày còn lại dân phải tiếp xúc trực tiếp với các phòng chuyên môn (ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường của Lạng Sơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư của Bắc Giang...).
''Cần quy định trách nhiệm và mối quan hệ của cán bộ, công chức ở ''một cửa'' với người dân. Dân đến cán bộ phải trực tiếp giải quyết công việc cho dân'', ông Hoà kiến nghị.
Nhiều nơi tuy rõ ràng có phòng ''tiếp nhận và trả kết quả'' nhưng người dân đến đây còn bị cán bộ ''hành'' thêm các loại giấy tờ, thủ tục, ''ngâm'' hồ sơ... Nguyên nhân chính là tại phòng ''một cửa'' chưa công khai niêm yết thủ tục hành chính, biểu mẫu, các loại giấy tờ cần thiết, thời gian giải quyết, các loại phí và lệ phí. Công khai những nội dung này thì mới có cơ sở để giám sát thực hiện ''một cửa''. Người dân mới biết mình phải làm những gì, chuẩn bị giấy tờ gì, bao giờ giải quyết xong!
Người dân còn băn khoăn, cùng giải quyết một công việc, phòng ''một cửa'' này ''công khai, niêm yết'' các thủ tục, giấy tờ... khác với phòng ''một cửa'' khác. Ông Đinh Duy Hoà công nhận có thực tế này. Chẳng hạn ở TP.HCM, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi quận yêu cầu một kiểu trong khi TP.HCM đã ban hành thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ... thực hiện thống nhất. Theo Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã bức xúc: ''Hà Nội đã triển khai cơ chế một cửa đến tất cả các sở, quận, huyện. Tuy nhiên, cái khó nhất là danh mục thủ tục hành chính chưa được thống nhất cụ thể. Nơi thống kê 7 thủ tục, chỗ lên đến 20 thủ tục, thậm chí 40 thủ tục''. Thực tế này không riêng ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác. Giải pháp, theo ông Hoà, các cấp, các ngành phải rà soát lại, bãi bỏ những thủ tục bất hợp lý, không cần thiết. Sau đó ban hành thống nhất và giám sát thực hiện để không xẩy ra tình trạng tuỳ tiện như hiện nay.
Niêm yết thủ tục trong... gara ôtô |
Kết quả kiểm tra thực hiện ''một cửa'' của Bộ Nội vụ tại 20 tỉnh, thành thời gian qua cho thấy, phòng làm việc của bộ phận một cửa nhiều nơi còn chật hẹp, còn khó khăn. Đoàn của Bộ Nội vụ đi kiểm tra ở Lạng Sơn, có phòng ''một cửa'' chỗ cán bộ thì có quạt, chỗ dân ngồi chờ thì không! Đấy là những khoản chi nhỏ có thể khắc phục ngay được. Tuy nhiên, nhiều phòng ''một cửa'' chưa có máy vi tính, máy photocopy... Trong chuyến đi kiểm tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đoàn của Bộ Nội vụ bất ngờ thị sát một phòng ''một cửa''. Dưới cái nắng nóng gay gắt, phòng ''một cửa'' thì mát mẻ còn các thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ... lại được niêm yết ở một gara ôtô bỏ không, nóng nực. |
-
Trần Tiến