221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
493182
"Một cửa" - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
'Một cửa' - người dân giám sát tham nhũng tốt hơn
,

(VietNamNet) - Đó là nhận định của ông Jan Olov Agrell, Công sứ phụ trách viện trợ và phát triển của ĐSQ Thụy Điển tại Hà̀ Nội về những nỗ lực của Chính phủ VN trong cải cách hành chính để chống tham nhũng. Cách đây 3 năm, Thuỵ Điển đã hỗ trợ VN tiến hành một dự án nghiên cứu về tham nhũng. Dự án này sẽ được công bố vào đầu năm 2005.

Ông Jan Olov Agrell.

Ông Agrell cho biết: Chúng tôi nhận thấy tham nhũng là một chủ đề thường trực tại Việt Nam trong khi rất khó để đo được mức độ tham nhũng ở VN vì hiện chưa có một thống kê chính thức nào về vấn đề này.

Ba năm qua, chúng tôi đã đi đến thống nhất triển khai một dự án mà trong đó Thuỵ Điển sẽ hỗ trợ Việt Nam điều tra, nghiên cứu về nạn tham nhũng cũng như tìm ra những phương thức chống tham nhũng một cách hiệu quả. Dự án thực hiện một cuộc nghiên cứu theo kiểu đa tầng về tham nhũng tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ̃ tìm hiểu tình hình tham nhũng tại một số ngành và một số địa phương để từ đó tìm ra nguyên nhân của tham nhũng và đề ra cách phòng chống.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Xử lý nghiêm những người mắc lỗi, phạm tội bất kể họ là ai

"Tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề bức xúc nhất của xã hội đang làm cản trở việc thực hiện  đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân, là một nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta", như Đại hội Đảng IX đã nhận định. Chúng ta đặt vấn đề đấu tranh chống tham nhũng lần này là đấu tranh  chống tham nhũng trong bộ máy Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, từ Trung ương tới cơ sở. Gắn chống tham nhũng với  chống lãng phí, quan liêu, buôn lậu, đặc biệt các hành vi lợi dụng chức quyền làm giàu bất chính; xử lý nghiêm những người sai phạm, xử lý trách nhiệm những người đứng đầu các địa phưng, đơn vị để xảy ra tham nhũng, gây hậu quả nghiêm trọng; giải quyết thoả đáng lương, thu nhập của cán bộ, công chức đi đôi với chống đặc quyền đặc lợi...

Trước hết giải quyết, xử lý những vụ việc nổi cộm, bức xúc nhất; những vụ việc đã rõ cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết những người mắc lỗi, phạm tội bất kể họ là ai, không ai được có các hành vi can thiệp vào qúa trình điều tra, xét xử các vụ án nhằm bao che, để lọt người, lọt tội; tiến hành kê khai nhà đất, cơ sở sản xuất kinh doanh của cán bộ, công chức; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện chủ trương này. Đối với những người được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, hoặc được giới thiệu bầu cữ vào các chức danh lãnh đạo các cấp phải được báo cáo minh bạch về vấn đề này nhằm làm rõ ràng các tài sản của cán bộ công chức, tạo điều kiện để các tổ chức và nhân dân  giám sát, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; nghiêm cấm lấy tiền của Nhà nước và tập thể để biếu xén cá nhân, xử lý kỷ luật những người vi phạm; sẽ sớm có quy định nhằm giảm đến mức thấp nhất việc hội họp, tổ chức các ngày kỷ niệm  thành lập, đón nhận các phần thưởng, danh hiệu, gây lãng phí tiền của của Nhà nước và gây bất bình trong nhân dân; tiếp tục đổi mới phong cách làm việc, luôn luôn gắn bó với nhân dân".

(Trích phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương IV khoá IX)            

Dự án nghiên cứu này, với sự hợp tác của các chuyên gia Thụy Điển và Việt Nam, sẽ̃ điều tra tình hình tham nhũng trên toàn quốc, xác nhận nguyên nhân và đề ra phương cách giải quyết.

Chính phủ VN đang tích cực đẩy lùi tham nhũng

- Đảng và Chính phủ Việt Nam đã nhận định "Tham nhũng, lãng phí đang là vấn đề bức xúc nhất của xã hội, đang làm cản trở việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân". Vậy sau gần 3 năm tiến hành dự án, ông nhận thấy tình hình tham nhũng ở Việt Nam như thế nào?

- Một thực tế là không quốc gia nào có thể nói mình đã loại trừ được hoàn toàn nạn tham nhũng. Bức tranh toàn cảnh về nạn tham nhũng ở Việt Nam khá phức tạp. Tham nhũng xảy ra không chỉ ở cấp cao mà ở cả cấp thấp. Không chỉ trong các dự án lớn mà trong cả những hoạt động hàng ngày như tệ mãi lộ của cảnh sát giao thông, nhận tiền hoa hồng của bác sĩ, “lót tay” cho cán bộ hải quan... mà báo chí Việt Nam gần đây đã đưa tin rất nhiều. Tuy nhiên, trong bức tranh đó đã có những tín hiệu tích cực. Đảng và Chính phủ Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam bắt nguồn từ những điều kiện xã hội, truyền thống và lịch sử, do đó việc giải quyết rất phức tạp.

- Ông nhận xét như thế nào về nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam?

- Một điều rõ ràng là Chính phủ Việt Nam đã có nhận thức sâu sắc về tác hại của tham nhũng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đến chất lượng sống của người dân nghèo cũng môi trường đầu tư. Có thể thấy Chính phủ đã nghiêm túc và tích cực tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa và đẩy lùi tệ tham nhũng.

Khi SIDA hỗ trợ dự án chống tham nhũng tại VN, chúng tôi cảm thấy dự án mà chúng tôi hỗ trợ được thực hiện một cách nghiêm túc. Dự án này đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác như Ban Nội chính Trung ương Đả̉ng cộng sản Việt Nam. Cạnh đó, chúng tôi còn có ban chỉ đạo gồm thành viên từ các Bộ như Kế hoạch Đầu tư, Tư pháp, hay Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, chống tham nhũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng và nhanh chóng. Đó là một cuộc chiến lâu dài và đòi hỏi những nỗ lực hết mình.

Lương thấp là một nguyên nhân của tham nhũng

- Như ông vừa nói, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam phức tạp do những điều kiện lịch sử, xã hội, truyền thống. Vậy theo ông, nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình trạng tham nhũng là gì?

- Quả thật rất khó để trả lời câu hỏi này. Dự án nghiên cứu về tham nhũng mới tiến hành được hai năm. Nhưng có một sự thực là chính nền kinh tế thị trường khiến cho tham nhũng trở nên dễ dàng và phổ biến hơn. Những cám dỗ vật chất xảy ra thường xuyên trong khi hệ thống công cụ hoạt động kém hiệu quả.

Các bạn có một nền hành chính chưa được cải cách đúng mức, hệ thống tiền lương thấp. Những yếu tố này tạo ra các cơ hội để cho cá nhân sử dụng vị trí của mình cho mục đích tư lợi. Một giáo viên, một bác sĩ, một vị giám đốc hay một cán bộ cấp cao đều có khả năng làm điều này. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát lại không thực sự mạnh, thiếu sự minh bạch trong thu nhập... Nền kinh tế càng tăng trưởng nhanh thì mọi người càng có nhiều cơ hội và phương thức làm giàu phi pháp.

- Vậy, cải cách tiền lương sẽ giúp giảm đáng kể nạn tham nhũng?

- Tôi chắc là cải cách tiền lương sẽ có hiệu quả phần nào nhưng sẽ là không đủ. Trên thực tế, việc cải cách này không thể đi xa và thoả mãn nhu cầu của mọi người bởi lẽ Ngân sách Nhà nước VN khó đảm đương nổi gánh nặng từ việc trả lương cao. Mặc dù vậy, rõ ràng cải cách tiền lương là cần thiết và là một cách thức phòng ngừa tham nhũng.

- Đúng như ông nói, quá trình cải cách tiền lương của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thực tế, nhiều khi lương chưa tăng mà giá đã tăng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người ví von: "đồng lương công chức lẽo đẽo chạy theo giá".

- Tôi nghĩ vấn đề này thuộc về chính sách kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tôi có cảm tưởng thế này: nền kinh tế của các bạn tăng trưởng rất cao với 7-8% mỗi năm, lẽ ra ngân sách nhà nước cũng có khả năng tăng gấp đôi con số đó với 15% năm. Thế nhưng, hệ thống thuế của Việt Nam lại hoạt động kém hiệu quả. Rất nhiều người giàu không phải đóng thuế. Cứ nhìn vào cuộc sống ở Hà Nội, TP.HCM thì rõ. Nền kinh tế càng tăng trưởng nhanh thì khoảng cách thu nhập giữa người giàu nhất và người nghèo nhất càng giãn rộng.

Một nguyên lý kinh tế giản đơn là bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn càng phải đóng thuế nhiều hơn. Thuế chính là công cụ điều chuyển thu nhập một cách hữu ích. Nhưng khi hệ thống đó hoạt động không hiệu quả thì ngân sách nhà nước chịu thiệt thòi và lúc đó, nguồn thu để trả lương công chức gặp nhiều khó khăn.

Một cửa - dễ giám sát và phát hiện tham nhũng

- Lại nói về cải cách hành chính, một trong những trụ cột của kế hoạch chống tham nhũng. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm triển khai cơ chế một cửa trong các dịch vụ hành chính. Với tư cách là một đối tác hỗ trợ tích cực Việt Nam trong lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực trên đặt trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng?

"Nền kinh tế càng tăng trưởng nhanh thì mọi người càng có nhiều cơ hội và phương thức làm giàu phi pháp".

- Tôi cho rằng, đây là một nỗ lực rất tích cực của Chính phủ Việt Nam trong cải cách hành chính. Cơ chế một cửa có nghĩa là khi người dân có việc phải đến hành chính, khác với trước kia, bạn chỉ cần phải qua một bộ phận hành chính, hay một công chức để thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết. Như thế, công việc trước kia phải do 20, 25 công chức thực hiện thì nay quy tụ về một người. Trong hệ thống cũ, nếu bạn muốn hối lộ công chức để công việc "thuận buồm xuôi gió" thì sẽ rất khó khăn để kiểm tra và giám sát tới 20, 25 cán bộ kia. Vì vậy, có thể nói, cơ chế một cửa trong cải cách hành chính sẽ giúp tăng khả năng kiểm soát cũng như tính minh bạch, hạn chế các cơ hội tham nhũng.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là làm sao thay đổi nhận thức và thái độ của các cán bộ công chức, để họ hiểu rằng họ là người phục vụ dân chúng và phải phục vụ dân chúng với một thái độ tích cực, sẵn sàng giúp đỡ.

Như tôi đã nói, cải cách hành chính mạnh mẽ để bộ máy Nhà nước hoạt động hữu hiệu hơn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chống tham nhũng. Tôi có nghe một số người nói về chuyện "một cửa nhưng nhiều khoá" nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, điều này không thực sự là vấn đề. Quan trọng hơn cả là cửa đã mở và bạn bước vào đó. Với cơ chế một cửa, quy trình hành chính trở nên minh bạch hơn và do đó người dân dễ bề giám sát hơn.

Tăng cường tính thực tế của giám sát cộng đồng

- Đề cập đến vai trò giám sát của người dân, gần đây, Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu thảo luận về vai trò giám sát của cộng đồng trong các dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, tham nhũng. Một số đại biểu cho rằng dân khó có thể vào giám sát các dự án lớn vì họ làm sao có đủ thông tin để mà giám sát?

- Tôi lấy ví dụ như một dự án xây trường học ở một xã. Khi mọi thứ được dán lên tường, ví dụ ai là chủ thầu, đầu tư bao nhiêu, được nhận bao nhiêu...Khi đó, dân làng sẽ giám sát quá trình xây dựng và dễ phát hiện thất thoát. Vai trò giám sát cộng đồng đã được thực hiện rất tốt trong nhiều dự án. Đối với các dự án lớn thì cần một cơ chế khác hơn là sự giám sát của nhân dân bởi có những vấn đề thuộc về chuyên môn mà không phải người dân bình thường nào cũng nắm được. Ở đây, vai trò thuộc về hệ thống kiểm toán và các kiểm toán viên nhiều hơn. Nói cách khác, đối với các dự án kinh tế lớn, chúng ta cần có một đội ngũ chuyên gia thẩm định và kiểm tra, đánh giá.

- Vậy theo ông, vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội ở Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng cần được đề cao và thực hiện như thế nào?

- Trong tất cả các xã hội phát triển tôi nghĩ rằng làm cho người dân địa phương nhận thức được về quyền lợi của họ trước pháp luật của họ và luật pháp cũng phải công khai tất cả dự án chi tiết tại địa phương và các khoản thanh toán trong việc mua sắm sẽ rất hiệu quả. Một hệ thống dành cho người dân địa phương giám sát các hoạt động của các nhà thầu và các quan chức là hết sức quan trọng.

Theo thiển ý của tôi thì cần phải làm cho người dân hiểu được hệ thống và nên học cách lắng nghe  tiếng nói của dân, hiểu được dân cảm thấy gì, muốn biết điều gì và cần gì để triển khai luật lệ, giám sát  hệ thống hành chính, quan liêu.

- Được biết, những năm qua, Thuỵ Điển đã hỗ trợ QH VN nâng cao năng lực giám sát. Theo ông, năng lực giám sát của Quốc hội và vấn đề chống tham nhũng có mối liên hệ như thế nào? QH có thể đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng?

- Đây là một câu hỏi rất khó. Chúng ta không nên pha trộn những vấn đề do QH giám sát với cuộc chiến chống tham nhũng bởi vì chức năng giám sát của QH rộng lớn hơn nhiều. QH giám sát những gì? Đó là cách thức điều hành, quản lý của chính phủ, triển khai các hoạt động kinh tế, thực thi các điều luật... Tuy nhiên, QH có thể đưa ra một tuyên bố hết sức rõ ràng trong cuộc chiến chống tham nhũng bằng việc xây dựng và thông qua các điều luật chống tham nhũng.

Báo chí VN ngày càng quan tâm đến "sứ mệnh" chống tham nhũng

Ký bản Kế hoạch chống tham nhũng - VN phải làm gì?

"Đảm bảo chế tài ngăn ngừa hành vi hối lộ; tính khả thi của luật chống rửa tiền; hệ thống lương bổng tương xứng, phù hợp với trình độ nền kinh tế; tuyển dụng công chức minh bạch...".

- Tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam tháng 12 năm ngoái, Đại sứ Thuỵ Điển có đưa ra chương trình nghị sự 6 điểm chống tham nhũng ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến vai trò của báo chí. Vậy, theo ông, báo chí Việt Nam thời gian vừa qua đã có vai trò như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng và cần làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò này?

- Một hệ thống báo chí có năng lực, phẩm chất, độc lập với đội ngũ nhà báo có khả năng điều tra giỏi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường vai trò chống tham nhũng.

Theo tôi được biết, thời gian qua, một số tờ báo của Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điển hình như vụ Năm Cam, một số tờ báo đã có công đầu trong việc phanh phui, đưa ra trước công luận những tội ác của tập đoàn xã hội đen này cũng như hành vi tham ô, nhận hối lộ, bao che của một số quan chức, kể cả cao cấp. Hay như vụ tham ô lớn gần đây trong ngành dầu khí Việt Nam cũng đã được báo chí đăng tải rất nhiều.

Tôi có cảm nhận rằng dường như báo chí Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm nhiều hơn đến "sứ mệnh" tham gia chống tham nhũng của mình.

___________________

Có cần lập một cơ quan chống tham nhũng riêng?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thanh, Viện trưởng Viện khoa học thanh tra, chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp tham gia trong đoàn của Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu của Việt Nam đi ký bản cam kết "Kế hoạch chống tham nhũng các nước Châu Á-Thái Bình Dương” đã dành cho VietNamNet cuộc phỏng vấn xung quanh vấn đề chống tham nhũng

- Thưa ông, trong những biện pháp xử lý và chống tham nhũng của các nước cùng tham gia, Việt Nam có thể học tập được kinh nghiệm chống tham nhũng nào hiệu quả?

TS. Nguyễn Văn Thanh.

- Một trong những mục tiêu tham gia của Chính phủ ta là để học tập kinh nghiệm. Chúng tôi đang phân tích kinh nghiệm của một số nước, bước đầu có một số kinh nghiệm tốt mà ta có thể học tập. Ví dụ như cơ quan thanh tra của Philipines họ chủ yếu chỉ thanh tra trong khu vực hành chính. Đây cũng là ý tưởng ban đầu của Bác Hồ khi thành lập Ban thanh tra đặc biệt năm 1945. Họ chỉ thanh tra bộ máy hành chính thực thi công vụ như thế nào? Đó là kinh nghiệm rất tốt mà ta có thể học tập.

Thứ hai, nếu qua thanh tra mà họ có hồ sơ đầy đủ, khẳng định có dấu hiệu hình sự là cơ quan này có thể truy tố thẳng quan chức tham nhũng ra toà. Còn ở ta, khi thanh tra đã tập hợp đủ hồ sơ lại phải chuyển qua cơ quan điều tra, sau đó cơ quan điều tra lại có quyền cân nhắc từ đầu, sau đó mới quyết định khởi tố vụ án để điều tra lại, rồi mới huyển hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố.

Tôi nghĩ cơ quan thanh tra của ta không cần thiết phải có quyền truy tố, nhưng chí ít nên có quyền chuyển thẳng hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố, nếu quá trình thanh tra thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự. Như thế sẽ hợp lý hơn, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đồng thời thể hiện hiệu lực của nhà nước.  Tới đây, khi tổng kết năm năm thực hiện Pháp lệnh chống tham nhũng, chúng tôi sẽ có những đề nghị sửa đổi về vấn đề này.

- Ở ta bấy lâu khi phát hiện tham nhũng thì tài sản của nhà nước đã bị mất và mất luôn cả cán bộ. Kế hoạch hành động của các nước cũng đặt ra vấn đề các quốc gia cần có những biện pháp để “rung chuông, báo động” mang tính chất phòng ngừa tham nhũng?

- Đối với nước ta, về nguyên tắc, trước khi có một bản án kêt tội quan chức nào đó đã phạm tội tham nhũng theo quy định của pháp luật hình sự thì chúng ta phải tuân thủ các quy định của pháp luật: từ trình tự phát hiện, điều tra, truy tố, buộc tội và kết tội. Tính rủi ro trong quá trình thực hiện những trình tự đó là có thể tài sản đã bị thất thoát. Và đến khi có kêt luận rõ ràng của toà án thì chúng ta đã mất luôn cả cán bộ rồi. Bởi chúng ta luôn tôn trọng nguyên tắc đã được hiến định lá “suy đoán vô tội”. Dù chúng ta rất sốt ruột về việc chống tham nhũng, bảo vệ tài sản công và bảo vệ cán bộ thì vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc đó, chứ không thể khác được.

Nên vấn đề đặt ra hiện nay là phải hoàn thiện thể chế trên một số lĩnh vực đặc thù để ngăn ngừa tham nhũng. Ví dụ, những quy định pháp lý về phòng ngừa thất thoát trong mua sắm tài sản công. Mặt khác, cần hoàn thiện thể chế để ngăn ngừa và giảm thiểu cơ hội đưa và nhận hối lộ. Các nước OECD họ đã ký với nhau một công ước về chống hối lộ. Trong phiên họp tới đây, sẽ bàn sâu về nội dung này để có thể chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước.

- Kinh nghiệm cho thấy các nước chống tham nhũng hiệu quả đều có cơ  quan chống tham nhũng riêng. Việt Nam có cần một cơ quan như vậy, thưa ông?

- Tôi cho rằng không cần thiết phải có sự đảo lộn lớn về trật tự của các cơ quan nhà nước có chức năng chống tham nhũng hiện nay, mà cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của những cơ quan đang có. Tuy nhiên, trong công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, có đặt vấn đề mỗi quốc gia thành viên khi phê chuẩn hiệp ước cần phải có cơ quan chống tham nhũng. Nếu Việt Nam phê chuẩn công ước, có thể thành lập một cơ quan chống tham nhũng trong thanh tra nhà nước, cũng có thể lập một đơn vị ở Viện kiểm sát.

  • Việt Lâm - Hà Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,