221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
500350
Sẽ thành lập Tổng cục quản lý chất lượng và VSATTP?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Sẽ thành lập Tổng cục quản lý chất lượng và VSATTP?
,

(VietNamNet) - Bức xúc trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, trong ngày mở đầu phiên họp thứ 21 của UBTVQH diễn ra sáng 16/8, nhiều đại biểu tỏ ra tán thành đề xuất quy việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) về một mối, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc", "quá nhiều cơ quan quản lý nhưng không quản lý được" như hiện nay.

''Tôi nghe phát run, không dám ăn gì nữa!''

Nghịch lý: vùng rau sạch lại có tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn.

''Thực trạng bảo đảm VSATTP là đáng lo ngại, các vi phạm pháp luật về VSATTP xẩy ra ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Do vậy, cần phải có sự quản lý chặt chẽ VSATTP ngay từ đầu nguồn nguyên liệu đầu vào và trong suốt quá trình sản xuất, lưu thông, kinh doanh thực phẩm''. Đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đánh giá như vậy khi trình bày báo cáo giám sát của Uỷ ban về vấn đề VSATTP trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8.

Qua báo cáo giám sát về VSATTP, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh bộc bạch: ''Tôi nghe mà phát run, không dám ăn gì nữa! Người ta cứ nói thực phẩm an toàn là chỉ nói thôi, không hẳn thực chất! Số liệu kiểm tra ở TP.HCM cho thấy, vùng rau an toàn lại có tỷ lệ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng an toàn (2,38%) cao hơn rau trong vùng sản xuất bình thường (2,21%)!''. Bà Hà Thị Liên, Trung ương MTTQ Việt Nam, thành thật: ''Người dân đi chợ không biết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay tồn dư hoá chất mà chỉ nhìn bằng mắt hoặc đưa lên mũi ngửi. Bản thân tôi cũng chịu!''

 VSATTP - quá nhiều cơ quan quản lý mà vẫn bất lực!

An toàn thực phẩm vẫn là mối lo ngại thường trực đối với người tiêu dùng.

Các đại biểu đã đi vào ''mổ xẻ'' nguyên nhân và tìm lối ra cho vấn đề VSATTP. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản phản ánh: ''DN không rõ tuân theo những tiêu chuẩn nào từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến; không biết sử dụng nhãn sinh thái hoặc chỉ dẫn địa lý để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Người sản xuất, chế biến không bảo đảm tiêu chuẩn thì không có chế tài cụ thể, cùng lắm bị phạt hành chính''.

Không những thế, theo bà Minh, việc tổ chức quản lý nhà nước VSATTP rất bất cập! ''Hiện nay mỗi bộ quản lý một tý, khâu sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thuỷ sản nắm, lưu thông, phân phối do Bộ Y tế nắm, tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Khoa học Công nghệ quản lý... Dẫn đến bất hợp lý là Bộ Y tế quản lý chất lượng VSATTP nhưng không nắm về khoa học!'' Ông Bùi Ngọc Thanh hưởng ứng: ''Chúng ta có quá nhiều cơ quan quản lý nhưng không quản lý được! Thủ tướng đã có tinh thần chỉ đạo không nên để một việc quá nhiều người làm hay một người ôm quá nhiều việc''.

Bà Minh đề xuất thành lập Tổng cục quản lý chất lượng và VSATTP thuộc Chính phủ. Trung Quốc đã thành lập Tổng cục này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chất lượng, VSATTP và để gia nhập WTO. Theo ông Bùi Mạnh Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, nhờ có Tổng cục này, Trung Quốc đã giảm bớt được các cơ quan cùng tham gia vào quản lý chất lượng, VSATTP nhưng làm tập trung, hiệu quả hơn!

Cho tư nhân lập phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng?

Thời gian qua có những lô hàng nông, thuỷ sản Việt Nam kiểm tra không có vấn đề gì nhưng khi xuất khẩu, nước ngoài kiểm tra hàm lượng kháng sinh lại vượt ngưỡng cho phép. Theo bà Minh, phương tiện kiểm tra chất lượng của Việt Nam không thiếu, thậm chí sử dụng lãng phí. Nhưng nguyên nhân ở chỗ không có tiêu chuẩn và phương pháp thử thống nhất, nên dẫn đến kết quả khác nhau. Bà Minh cho rằng, để việc kiểm tra và đánh giá chất lượng tốt hơn cần xã hội hoá. ''Nhiều nước cho phép tư nhân lập các phòng thí nghiệm, phòng thí nghiệm của nhà nước chỉ đối chứng hoặc làm mẫu. Nhật Bản có hiệp hội các nhà thanh tra thực phẩm'', bà Minh dẫn chứng.

Ông Bùi Mạnh Hải thừa nhận: ''Tiêu chuẩn của chúng ta rất bấp cập! Mỗi lần đi họp, chúng tôi lại xin vài chục tiêu chuẩn về để nghiên cứu''. Ông Bùi Mạnh Hải cho biết thêm, Bộ Khoa học Công nghệ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, để có thể ban hành vào cuối năm nay. Đồng thời, Bộ chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh về tiêu chuẩn hoá, trình UBTVQH vào năm 2005.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định VSATTP đang là vấn đề bức xúc, cấp thiết, thiết thân đối với người dân. Ông đề cao năng lực và trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành: ''Các đồng chí đi đến đâu rau sạch đến đó, nếu không thì dân phải gánh chịu''. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường hoàn thiện báo cáo giám sát để gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan và đại biểu Quốc hội.

Bộ Y tế hiện nay được coi là đầu mối quản lý VSATTP (có Cục Quản lý chất lượng VSATTP) nhưng không có mặt tại buổi họp này của UBTVQH bàn về VSATTP.

* Cũng trong buổi sáng 16/8, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Pháp lệnh gồm 6 chương, 29 điều, có hiệu lực từ 1/1/2005. Chiều 16/8, UBTVQH sẽ cho ý về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước.

  • Trần Tiến

333 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm!

Kết quả điều tra gần đây của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy: Số mẫu rau, quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chiếm 30-60%, trong đó số mẫu rau, quả có dư lượng thuốc BVTV vượt quá lượng tối đa cho phép chiếm 4-16%. Số lượng mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hạm lượng Asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm 22-33%; số mẫu rau có hàm lượng NO3 cao hơn mức báo động (100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại TP.HCM và Đồng Nai có dự lượng vượt quá giới hạn tối đa cho phép); một số thuốc BVTV cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau.

Tình trạng sử dụng phẩm mầu, hàn the và một số hoá chất bảo quản độc hại là khá phổ biến. Với nước giải khát đóng chai, tỷ lệ ô nhiễm vượt quá quy định là 6% đối với chất tạo ngọt; 27% sử dụng phẩm mầu ngoài danh mục đối với lạp xường, thịt quay; 10% hàn the đối với các loại chả. Qua kiểm tra lượng phẩm màu trong nước ngọt đóng chai ở Nam Định cho thấy có tới 86% số mẫu kiểm tra không đạt yêu cầu; kiểm tra phẩm mầu trong thực ăn chế biến sẵn ở TP.HCM cho thấy có tới 100% mẫu là sử dụng phẩm mầu ngoài Danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, từ năm 1999 đến 12/8/2004 trên toàn quốc đã xảy ra 1.245 vụ ngộ độc thực phẩm với 28.014 người mắc, trong đó có 333 trường hợp tử vong. (Trích báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,