Sử dụng không hiệu quả vốn vay: nguy cơ phá vỡ tính bền vững!
Mặc dù có nhận định: "Số nợ hiện nay của Việt Nam so với các nước khác chưa thuộc loại cao và chưa tới giới hạn nguy hiểm", song theo cảnh báo của Chính phủ, số nợ đó "đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe doạ tính bền vững của sự phát triển trong tương lai, nhất là khi vốn vay chưa được sử dụng có hiệu quả".
Để tránh sa vào "vạch cấm" này, trong mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, Chính phủ đã chỉ rõ cho các Bộ ngành và địa phương: Mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế là đạt được sự tăng trưởng ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân, tránh được sự suy thoái hoặc trì trệ trong tương lai, tránh để lại gánh nặng nợ nần cho các thế hệ mai sau.
Đẩy mạnh quá trình chủ động hội nhập quốc tế và tự do hoá thương mại; duy trì sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô bằng cách hoàn thiện các chính sách tài chính, cân đối ngân sách, ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát; xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế, xã hội và môi trường hợp nhất (có ít nhất một hệ thống hạch toán phụ về tài nguyên thiên nhiên)... cũng là những yêu cầu được Chính phủ đặt ra trong định hướng.
Phát triển phải đảm bảo công bằng xã hội
Theo định hướng của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương còn phải đảm bảo quá trình phát triển đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại tới cuộc sống của các thế hệ tương lai.
Cho rằng con người phải là trung tâm của phát triển bền vững, Chính phủ chỉ đạo cần tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận tới những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích công cộng, tạo ra những nền tảng vật chất, trí thức và văn hoá tốt đẹp cho những thế hệ mai sau.
Theo đó, nhân dân - trong đó đặc biệt là phụ nữ, thanh niên, đồng bào thiểu số phải được tiếp cận thông tin và nâng cao vai trò đóng góp vào quá trình ra quyết định về các dự án đầu tư phát triển lớn, lâu dài của đất nước.
Nghèo đói là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng làm ô nhiễm môi trường, khai thác bừa bãi, sử dụng lãng phí, bất hợp lý tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến khả năng "tiêu dùng lấn vào phần tài nguyên của các thế hệ sau".
Từ đó, Chính phủ đưa ra những yêu cầu thực tế như: phải đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hoá, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hoà giữa con người và tự nhiên; tiếp tục thực hiện những chính sách hỗ trợ đồng bào, ưu tiên triển khai xoá đói giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống cho mọi nhân dân trong xã hội...
Cần một môi trường và nền hành chính "sạch"!
Ngoài mục tiêu phấn đấu thực hiện "công nghiệp hoá sạch" với quan tâm đặc biệt là "bảo vệ môi trường sạch, giữ gìn nguồn tài nguyên khan hiếm cho thế hệ sau", Chính phủ còn vạch ra định hướng phải tiến hành cải cách triệt để, nhằm từng bước hình thành một "nền hành chính có hiệu lực, trong sạch, có đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của phát triển bền vững".
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu phải phát huy tính dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực và đạo đức tốt...
Ngày 17/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt bút ký quyết định yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND TP và các tỉnh thành căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương mình, thực hiện nghiêm túc những định hướng chiến lược trên.
Phía Chính phủ cũng cho biết, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở VN là nội dung trong chương trình nghị sự 21 của VN. Việc triển khai những định hướng này có ý nghĩa đặc biệt trong việc thể hiện cam kết của VN đối với quốc tế về thực hiện phát triển bền vững đất nước trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
-
Như Quỳnh