221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
514674
Bộ GD-ĐT muốn áp dụng phương thức đào tạo "hình tháp"?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Bộ GD-ĐT muốn áp dụng phương thức đào tạo 'hình tháp'?
,

(VietNamNet) - Thừa nhận ''cánh cửa'' đại học chật hẹp là một nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong giáo dục, Bộ trưởng GD-ĐT vừa giới thiệu với UBTVQH mô hình đào tạo ''hình tháp'' - lỏng đầu vào, chặt đầu ra. Bộ trưởng cho biết, chủ trương này ''Bộ chưa dám làm vì còn chờ Quốc hội cho ý kiến''. 

Trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp thứ 22 (20/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về chất lượng giáo dục. Chủ đề này đã làm nóng lên bầu không khí trong hội trường...

Chất lượng giáo dục phó mặc cho... trời!

Sinh viên tại giảng đường.

Ông Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện cho biết có hàng loạt ý kiến của cử tri phản ánh thực trạng giáo dục còn yếu kém. Chỉ mới so sánh với nước láng giềng là Thái Lan, chất lượng giáo dục của Việt Nam tụt hậu, thấp hơn 50 bậc. Bằng cấp, trường đại học của ta chưa được quốc tế công nhận và nếu đưa ra nước ngoài làm việc phải dạy mới. Đến thời điểm 11/4/1999, ta còn 6,8 triệu người trên 10 tuổi chưa đến trường, trong đó 5,3 triệu người mù chữ.

Ngay trong cơ cấu đào tạo cũng thể hiện nhiiều bất cập. Đa số các nước có tỷ lệ: 1 người học đại học, 4 người học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 10 người học làm công nhân kỹ thuật. Nhưng ở ta thì ''lắm thầy, thiếu thợ'', tỷ lệ này tương ứng là 1/1,13/0,92. 

Phó Chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa cũng cảnh báo: ''Có sự mất cân đối giữa giáo dục đại học và dạy nghề. Đây là vấn đề Chính phủ cần phân tích kỹ để tìm giải pháp''.

Trong khi đó, giáo dục đại học được ví như phổ thông cấp 4, ''thầy đọc, trò ghi''. Giảng viên không đủ thời gian để giảng giải cụ thể, việc học, thi của sinh viên theo kiểu ''lo, khổ'', không được thực hành đầy đủ. ''Đại học trăm hoa đua nở nhưng việc quản lý còn lúng túng, chất lượng giáo dục phó mặc cho... trời'', ông Bình dẫn lời cử tri với gi ọng chua xót.

Giáo dục đại học: ''Lỏng đầu vào, thắt chặt đầu ra''?

Chia sẻ với Bộ Giáo dục về khó khăn trong quản lý giáo dục nhưng ông Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đã nói thẳng. Những bài toán bức xúc về chất lượng giáo dục, dạy học thêm tràn lan, thi cử tràn ngập phao... chưa có lời giải thuyết phục.

Mà nguyên nhân, theo ông, là mô hình giáo dục đại học của ta lỗi thời, chậm biến đổi: ''Các nước có bằng tú tài (tốt nghiệp phổ thông trung học) được ghi vào học đại học mà không phải thi, trừ một số trường đào tạo kỹ sư. Còn chúng ta, lượng học sinh tốt nghiệp hàng năm như một dòng sông chảy tới ''con đập'' đại học mà ''họng'' chắn 10 người lấy 1. Học thêm tràn lan từ cấp 3, xuống đến cấp 2, cấp 1 cũng chỉ để qua cái ''họng'' này''.

''Nên đổi mô hình để cho người dân tốt nghiệp cấp 3 được đăng ký học đại học mà không phải thi. Trong quá trình đào tạo sẽ thắt chặt việc sàng lọc. Nếu không làm theo cách này thì vấn nạn học thêm tràn lan, thi cử căng thẳng, tốn kém... sẽ không giải quyết được'', ông Trân bức xúc.

Trong quá trình đào tạo, ông Trân cho rằng cần có quy định thống nhất hình thức học xong môn nào thì thi cấp chứng chỉ cho môn ấy, chứ dồn vào một kỳ thi gây căng thẳng cho sinh viên. Hiện nay, tuy hình thức này đã được áp dụng nhưng ''nơi làm, nơi không''.

Thừa nhận ''cánh cửa'' đại học chật hẹp là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu cực trong giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đưa ra chủ trương đào tạo ''hình tháp'', lỏng đầu vào, chặt đầu ra; không làm ''hình ống'' như hiện nay, vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu. Theo ông Hiển, chủ trương này ''chưa dám làm vì còn chờ Quốc hội cho ý kiến''.

Bộ này cũng đưa ra một số giải pháp để cải thiện chất lượng giáo dục như giảm bớt thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành; trước khi tốt nghiệp ra trường phải qua lớp đào tạo kỹ năng; tăng tự chủ cho các trường trong thi cử, chương trình đào tạo...

Ngân sách dành cho giáo dục chưa đến đúng nơi, đúng chỗ!

Ngân sách hiện nay của Nhà nước dành cho giáo dục chiếm 17,1%, nhưng một số người cho là còn quá ít ỏi. Theo ông Nguyễn Ngọc Trân, đây không phải là vấn đề cốt yếu dẫn đến giáo dục yếu kém: ''Xã hội đầu tư cho giáo dục rất nhiều! Gia đình ở các nơi, vùng sâu, vùng xa cho con em đến Hà Nội, TP.HCM... ăn học rất nhiều! Hơn nữa, chủ trương xã hội hoá giáo dục sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước''.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội, còn phản ánh, ngân sách của Nhà nước cho giáo dục còn chưa đến đúng nơi, đúng chỗ. ''Điều này cũng giống như dành 16 triệu đồng cho bệnh viện nhưng chỉ 1-2 triệu đồng đến được với bệnh nhân điều trị'', bà nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho rằng, trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 tới, thuyết trình của Chính phủ về giáo dục cần ngắn lại, làm nổi bật yếu kém, nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh để tìm ra nguyên nhân, giải pháp. ''Làm sao nghe báo cáo thấy lối ra, tháo gỡ vướng mắc, bức xúc của thực trạng giáo dục'', Chủ tịch Nguyễn Văn An gợi ý.

Ngày 21/9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 2 dự án: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thương mại (sửa đổi).

UBTVQH sẽ thảo luận về thất thoát trong đầu tư XDCB

Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 29/9.

Ngoài chủ đề chất lượng giáo dục, Chính phủ và Đoàn giám sát của UBTVQH sẽ báo cáo về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo ngành và vùng lãnh thổ trong cả nước, kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Sau đó, UBTVQH sẽ thảo luận xung quanh vấn đề này.

Trong chương trình xây dựng luật, UBTVQH sẽ nghe và thảo luận về các dự án Luật Quốc phòng, Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Thương mại (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, Luật An ninh quốc gia, Luật Cạnh tranh, Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Điện lực, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đồng thời, UBTVQH sẽ thông qua Pháp lệnh Giám định tư pháp.

UBTVQH sẽ cho ý kiến về kế hoạch của UBTVQH triển khai Nghị quyết 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; xem xét, thông qua Nghị quyết của UBTVQH về thang bảng lương đối với đại biểu dân cử và các chức danh của ngành toà án, kiểm sát; cho ý kiến về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2005; về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI.

Cũng trong phiên họp lần này, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Các vấn đề xã hội sẽ lần lượt báo cáo với UBTVQH về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Uỷ ban này theo luật định từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

  • Văn Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,