(VietNamNet) - GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng - một Việt kiều trí thức đã định cư ở Bỉ hơn 43 năm - vui mừng nhận xét. Nghị quyết 36 là một trong những chính sách đúng đắn khiến không ít người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cảm thấy hài lòng và tin tưởng để quyết định quay trở về đóng góp cho quê hương. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với một số kiều bào là đại biểu tham gia ĐH MTTQ VN lần thứ VI.
Không phân biệt người Việt trong hay ngoài nước ngay từ ý thức hệ!
GS. TSKH Nguyễn Đăng Hưng |
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng là Việt kiều trí thức đã định cư ở Bỉ hơn 43 năm. Ông hiện đang là Chủ nhiệm các trường đào tạo Cao học của Bỉ ở Việt Nam.
- Hiện nay có rất nhiều Việt kiều trí thức muốn về nước cống hiến nhưng còn e ngại điều này, điều kia. Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút được nguồn chất xám to lớn này?
- Tiềm lực của kiều bào ta ở nước ngoài phải nói là rất lớn, chất xám của Việt Nam rất dồi dào. Cái giàu của Việt Nam hiện nay không phải chất xanh đâu, mà là chất xám. Nhưng những tiềm năng ấy vẫn chưa khai thác hết. Mong rằng chính sách mới, quyết tâm mới của Nghị quyết 36 và nhất là mục tiêu đổi mới phương thức hoạt động của MTTQVN, đặc biệt là có chủ trương đại đoàn kết dân tộc như hiện nay, chúng ta không phân biệt người trong và ngoài nước ngay từ ý thức hệ. Ngay cả với những người không đồng ý với đường lối, chủ trương của Đảng vẫn có thể tham gia xây dựng đất nước, miễn là dựa trên tinh thần đoàn kết, xây dựng.
Tức là, phải biến Nghị quyết thành hành động cụ thể. Nếu Nghị quyết được thực hiện tốt, nó sẽ có sức công phá rất lớn và nó sẽ tạo ra sự ràng buộc, gắn kết chặt chẽ giữa người cùng một nước, bất chấp khoảng cách về không gian, thời gian. Tôi đang chờ ở khâu thực hiện vì hiện nay theo tôi biết, từ khi Nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại.
Với tư cách là những Việt kiều luôn hướng về tổ quốc, chúng tôi muốn thẳng thắn nêu những suy nghĩ để góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tôi mong qua việc nêu ý kiến thẳng thắn, thậm chí tranh luận, sẽ làm rõ được vấn đề. Đến lúc đó, đoàn kết dân tộc sẽ được thực hiện. Nước Bỉ hiện có khoảng 10 triệu dân, trong đó Việt kiều ta khoảng 20.000 người.
- Theo ông, trong nhiệm kỳ tới đây, MTTQVN cần có động thái như thế nào để tăng cường sự mối quan hệ đoàn kết dân tộc, nhất là trong nước với kiều bào nước ngoài?
- Theo tôi nghĩ MTTQ nên có chương trình hành động ngắn gọn hơn. Tôi thấy ta không nên làm nhiều quá mà ta nên làm một vài số việc và làm đến nơi đến chốn, rốt ráo.
Thứ nhất là nên giám sát tốt. MTTQ nên giữ vai trò mà Nhà nước đã giao cho là giám sát tốt. Chúng ta ai cũng bức xúc về cái tham nhũng, về cái lãng phí, về nạn nhũng nhiễu. Tất cả mọi nơi đều có và chắc các anh, các chị cũng đồng ý với tôi. Với công tác này, nên đề cao nó và tạo cái cơ chế, tạo chính sách và tạo chương trình hành động rất cụ thể để có thể thực hiện được. Đồng thời, đề ra một thời gian có hạn để có thể kiểm tra được tiến độ. Tôi cho rằng, cái này chúng ta nên đặt ra hàng đầu.
879 đại biểu chính thức dự Đại hội MTTQVN lần VI
877 đại biểu chính thức đại diện cho các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong và ngoài nước sẽ tham dự Đại hội MTTQVN lần VI
Thứ hai là phản biện tốt. Phản biện tốt các vấn đề mà xã hội đang bức xúc đặt ra, ví như vấn đề xây dựng, cải tạo, vấn đề thuộc về tài nguyên đất nước. Đặc biệt là làm sao tập hợp được đội ngũ trí thức, chuyên gia để có thể phản biện tốt cũng như kịp thời chặn đứng những việc làm không hay sắp xảy ra, tiếp tục xảy ra. Ngay cả việc phản biện về vấn đề lịch sử, ví dụ như tình hình Hoàng Sa, có những chuyên gia Việt kiều rất giỏi, nắm rất rõ vấn đề lịch sử và cả ngay như vấn đề bàn thảo về biên giới, tôi nghĩ cũng nên tham khảo ý kiến của Việt kiều, chuyên gia giỏi về vấn đề này để mình khỏi bị thiệt thòi.
Tôi rất là khâm phục khi vừa rồi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang đây và rất rành về Việt Nam. Ông nói tới truyện Kiều, nói tới Hồ Xuân Hương... Tất cả. Tại sao? Thẩm vấn Việt kiều trước khi ông đi. Đó cũng là cách cần tham khảo để mỗi khi có chính trị gia nào đó của Việt Nam sang thăm các nước, họ cũng cần tham khảo, cần sự tư vấn của các Việt kiều ở nước sở tại để am hiểu về tâm lý, sở học cũng như phong tục, tập quán, thói quen, lịch sử văn hoá nơi mình đến. Làm được vậy thì kết quả của những chuyến đi như thế sẽ có sức ảnh hưởng tích cực rất lớn đến hình ảnh Việt Nam cũng như đạt được các hiệu quả, mục đích như mình mong muốn.
- Theo ông, cần phải làm gì để hướng các bạn trẻ ở xa quê hương có ý thức về dân tộc hơn, muốn về đóng góp xây dựng quê hương?
- Tôi thì muốn nói ngược trở lại. Tôi muốn thu hút giới trẻ Việt Nam, giúp giới trẻ Việt Nam có được kiến thức khoa học ngang bằng quốc tế. Bằng các lớp dạy tại Việt Nam, tôi kéo bạn bè, chuyên gia quốc tế về tham gia đào tạo ở Việt Nam, mỗi năm khoảng 16 người. Từ những GS cao cấp của Âu châu, của Bỉ. Do vậy, tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đào tạo được khoảng 300 thạc sỹ cho Việt Nam.
- Những người VN ở Bỉ có nghe nói đến vụ kiện chất độc da cam mà Việt Nam đang theo đuổi không? Bà con bên đó có những hoạt động gì để ủng hộ các nạn nhân da cam trong nước?
- Đồng bào Việt kiều chúng tôi ở Bỉ cũng nghĩ rằng, đây là một nỗi đau chung nên muốn góp tay xoa dịu nỗi đau đó bằng sự đồng lòng, chia sẻ. Chúng tôi cũng đã tham gia ký ủng hộ vụ kiện da cam, đóng góp bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Tôi nghĩ các nạn nhân da cam Việt Nam có quyền kiện các công ty hoá chất của Mỹ. Không lý gì các nạn nhân da cam ở Mỹ được bồi thường sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam mà chúng ta lại không được...
- Sắp tới, tại trụ sở Bộ GD-ĐT sẽ có buổi đóng góp ý kiến chấn hưng nền giáo dục nước nhà, GS có muốn kiến nghị gì không?
- Ta không thể đi theo tư duy cũ, nghĩa là chạy theo số lượng, thành tích thay vì chú trọng chất lượng giáo dục. Nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, ta càng phải đề cao chất lượng để không bị tụt hậu quá xa so với thời đại.
Theo tôi, ta đã đi chệch hướng quá lâu trong giáo dục đào tạo. Sự chệch hướng ở đây biểu hiện ở chỗ ta chạy theo thành tích, coi nhẹ chất lượng, dạy nhồi nhét. Có một ví dụ điển hình như thế này. Tôi vẫn thường hay phỏng vấn học trò Việt Nam nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay cả lịch sử Việt Nam nhiều người cũng không biết. Bởi vì nhồi nhét nhiều quá nên họ không muốn học nữa. Từ đó nảy sinh tâm lý học cho qua chứ không phải học cho biết nên không cần thiết tư duy, sáng tạo. Giới trẻ Việt Nam hiện nay thiếu tinh thần tự học, thiếu sự tự tin, rất không tự tin. Có lần chúng tôi định mở một Công ty công nghệ mới tại Việt Nam, gởi 4 em sang Bỉ để họ thẩm tra. Sau khi thẩm tra, họ quyết định không mở. Vì sao? Vì các kỹ sư Việt Nam không có tinh thần tự lập, sáng tạo. Học thì rất giỏi nhưng trước nghịch cảnh lại không có tinh thần tư duy, sáng tạo. Người Bỉ cố ý đưa ra những bài toán sai thì sinh viên Bỉ họ sửa cái sai đó, trong khi sinh viên ta thì vẫn giữ cái sai đó và giải sai luôn. Đó chính là sự khác biệt.
Còn nữa, đưa ra chính sách là một chuyện nhưng cái khâu thực hiện mới là quan trọng. Muốn thực hiện cụ thể lại phải có kinh nghiệm. Tôi nghĩ trong khâu thực hiện phải có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, phải có sự cọ sát thực tế, phải có những GS người ta biết được ở nước tiên tiến người ta làm thế nào để tham gia vào khâu thực hiện. Chứ nếu cứ tiếp tục đưa những người cũ tập hợp lại, nghĩ ra điều gì đó cũng cũ như họ thì sẽ lạc hậu ngay.
Ta muốn đổi mới nhưng ta chưa tìm người mới, ta chưa tin người mới. Tôi mong Việt kiều sẽ được có nhiều cơ hội đóng góp và được tin dùng hơn nữa. Những chuyên gia Việt kiều, những GS Đại học Việt kiều đã có dịp cọ xát 20 năm, 30 năm hoặc hơn thế nữa ở những nước tiên tiến cần phải tận dụng ý kiến của họ và yêu cầu họ phân tích cụ thể, tham gia thực hiện thì kết quả sẽ tốt hơn nhiều.
- Ông có nhận xét gì về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài?
- Cá nhân tôi nhận thấy Việt Nam ngày càng có nhiều cải tiến thay đổi về thủ tục pháp lý. Nhưng theo phản ánh của một số Việt kiều, vẫn còn khá nhiều rào cản để có thể thuận lợi đầu tư về Việt Nam, nhất là ở các địa phương, các vùng nông thôn xa thành phố lớn. Cho nên tôi nghĩ, điều Việt Nam cần làm hiện nay là làm sao cho đồng bộ, làm sao cho đồng tâm. Tôi mong ngay cả chính sách đầu tư cũng như về các lĩnh vực khác sẽ không có sự phân biệt giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài.
Chính sách đại đoàn kết sẽ dẹp bỏ sự hiểu lầm, chống đối
"Tôi nghĩ tiến đến tinh thần đại đoàn kết tức là người trong nước cần mở vòng tay cho người ngoài nước để xoá bỏ mọi nghi ngờ, hiểu lầm, thậm chí cả sự nghi kỵ, chống đối" - đó là những trao đổi thẳng thắn của TS Nguyễn Văn Hào, hiện là Giám đốc Công ty Quản trị Đề án & Tư vấn kỹ thuật (PS Consultans) tại Úc với VietNamNet.
Quan liêu, rời dân sẽ đưa đến tổn thất khôn lường"
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ khai mạc Đại hội MTTQVN lần VI diễn ra sáng 22/9, tại Hội trường Ba Đình Hà Nội.
- Ông mang theo kiến nghị gì của gần 400 ngàn kiều bào ta ở Úc về tham dự Đại hội MTTQVN lần này?
- Chúng tôi luôn nung nấu dự định: nếu có cơ hội, sẽ về lại Việt Nam làm việc trong tinh thần vừa đóng góp, vừa xây dựng cho đất nước. Có lẽ, đó cũng là kiến nghị của chúng tôi tại ĐH MTTQVN lần VI này.
- Với mong muốn trở về đóng góp, xây dựng quê hương, ông quan tâm nhất đến vấn đề gì?
- Tôi nghĩ rằng Việt Nam mình cần phải đẩy mạnh phát triển về khoa học công nghệ. Tôi nghĩ người Việt Nam mình vốn có rất nhiều khả năng về khoa học nên dễ thu nhận những tiến bộ trong lĩnh vực này một cách nhanh chóng. Vì đó mới là chiều sâu của một quốc gia. Nếu chúng ta cứ chú trọng phát triển bằng cách như bấy lâu nay vẫn làm, nghĩa là lấy công làm lãi, chẳng hạn dệt may, da giày... thì chúng ta sẽ thiếu chiều sâu cần thiết để tạo nội lực tăng tốc phát triển.
- Ngoài việc thiếu một số chính sách cụ thể như ông đã nói, còn vấn đề gì khác khiến Việt kiều quan ngại khi trở về sống và làm việc tại Việt Nam?
- Ông nghĩ thế nào về chính sách đại đoàn kết dân tộc? Với tư cách là một người việt sống xa quê hương, theo ông, MTTQVN nhiệm kỳ tới đây cần phải làm gì để phát huy tốt hơn nữa mục tiêu này?
- Để tinh thần đại đoàn kết được nhân rộng trong nhân dân, theo tôi, người trong nước cần mở vòng tay rộng hơn nữa để tạo cơ hội cho người Việt Nam học tập sinh và sinh sống ở nước ngoài quay về đóng góp xây dựng quê hương. Ví như tôi trở về Việt Nam là do tôi mong muốn chứ không phải vì sự yêu cầu tha thiết của đất nước. Cho nên, khi người trong nước sẵn có tình cảm đón nhận này thì đây chính là cơ hội để người trong một nước có điều kiện hiểu rõ hơn về nhau, thông cảm cho nhau. Thậm chí, có thể sự nghi kỵ, chống đối cũng theo đó mà giảm dần hoặc biết mất. Tôi nghĩ, tinh thần đại đoàn kết nó chỉ thực sự đạt được kết quả tốt đẹp khi mà người ta có thể hiểu biết, thông cảm lẫn nhau.
- Xin cảm ơn ông!
-
Nguyệt Minh
thực hiện