"Chúng ta có dám mổ xẻ không?"
21:27' 26/10/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) -  Chiều nay (26/10), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại đoàn về báo cáo kinh tế xã hội với mong muốn lớn nhất là nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Trình bày của Thủ tướng Phan Văn Khải trước QH trong phiên khai mạc với sự đổi mới về hình thức và nội dung, đặc biệt là sự nhìn nhận thực tế một cách thẳng thắn đã khiến các ĐB mạnh dạn và tâm huyết hơn.

Soạn: AM 180143 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Thảo luận tại đoàn TP. Hồ Chí Minh.

"Lại chuyện quy hoạch - chúng ta có dám mổ xẻ không?"

Mở đầu phát biểu của mình, ĐB Mai Quốc Bình (đoàn TP.HCM) dẫn lời Thủ tướng Phan Văn Khải: "Khuyết điểm ai cũng biết nhưng dập bằng cách nào? Chnh phủ, các cấp, các ngành đều quyết tâm đột phá nhưng rồi...". Những lời tâm huyết của ông Bình khiến không khí phòng họp như nóng lên: "Nguồn thu của chúng ta chủ yếu là từ dầu thô, từ đất đai - làm  sao phát triển vững chắc được? Tôi lo là đến kỳ họp ta lại đánh giá rồi sau đó đâu lại vào đấy. Nên chăng là ta nên mổ xẻ?".

Và ông đã mổ xẻ nhiều nhất đến chuyện quy hoạch. "Quy hoạch của chúng ta chưa đúng tầm và còn nặng về quy hoạch theo hành chính dẫn đến sự phân cắt. Cũng vì quy hoạch chưa có tầm nhìn xa nên nhiều công trình xây dựng không có giá trị lâu dài. Có con đường mới làm xong vài ba năm đã lại sửa".

Theo ông Bình, quy hoạch không đúng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự lãng phí nghiêm trọng. Theo ông, nếu quy hoạch tốt, để không xảy ra tình trạng phân tán, manh mún, thì đất đai ở các đô thị lớn sẽ tạo ra nguồn siêu lợi nhuận. Việc dây dưa, kéo dài thời hạn thi công công trình theo cách phân tích của ông cũng là "lỗi quy hoạch". Ông đơn cử: "Tôi đi khảo sát thấy chuyện: một tuyến đường 12,5km mà người ta giải toả 3 năm 7 tháng mới xong. Lý do? Vì quy hoạch không tính đến đất tái định cư nên chỉ biết giao tiền cho dân theo giá đền bù của Nhà nước. Dân cầm số tiền đó làm sao họ mua nổi nhà. Thế là kiện tụng mãi, giải toả mãi mới xong. Nhà nước lãnh đủ..."

Và đề xuất của ông Bình được nhiều ĐB đồng tình: "Chúng ta nên mời những công ty chuyên về quy hoạch, thiết kế quốc tế làm quy hoạch cho từng vùng, từng tỉnh. Từ đó, biến cả nước thành vùng kinh tế trọng điểm. Quy hoạch tốt, việc thu hút vốn đầu tư không khó"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng (cũng là ĐB đoàn TP.HCM) hết sức tâm đắc với đề xuất này. Trao đổi bên hành lang QH, ông nói: "Anh Bình nói đúng. Quy hoạch là phải đón trước được xu thế phát triển... Không chỉ quy hoạch mà thiết kế những công trình lớn trong những lĩnh vực mà ta chưa có kinh nghiệm thì cũng nên thuê".

Nếu điều hành tốt hơn thì GDP còn cao hơn

Có thể thuê chuyên gia quốc tế làm quy hoạch Mặc dù nói: "Nếu Bộ trưởng Tài chính không lo tài chính mà lại đi lo quy hoạch thì..." nhưng ĐB Nguyễn Sinh Hùng vẫn rất hào hứng và tâm huyết khi trao đổi về quy hoạch. Theo ông, trong một số lĩnh vực, muốn đạt hiệu quả cao, ta nên thuê chuyên gia nước ngoài làm quy hoạch.

Đó là đánh giá của ĐB Đặng Ngọc Tùng tại đoàn TP.HCM. Sau khi nêu ra những điều mình tâm đắc với bản báo cáo của Thủ tướng ngày hôm qua, ĐB Tùng chuyển tới phòng họp những trăn trở của cử tri: "Một trong những nguyên nhân để nền kinh tế chưa phát triển như chúng ta mong muốn là bởi tình trạng tham nhũng. Vụ mua bán quota vừa rồi có dính đến con cái của một vị thứ trưởng khiến nhiều cử tri bức xúc lắm. Họ nói: tham nhũng đã trở thành quốc nạn rồi. Nếu chúng ta không chống được tham nhũng thì khiến dân mất lòng tin...".

Và ông hiến kế: "Một trong những biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế là tạo điều kiện để người dân và các công ty nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh".

Tại đoàn Hà Nội, các ĐB cũng rất sôi nổi khi phân tích mổ xẻ những yếu kém là lực cản của nền kinh tế. ĐB Nguyễn Mạnh Cường phân tích: "Cải cách hành chính hiệu quả không cao là do ''trên bảo dưới không nghe''. Nhiều giải pháp Chính phủ đã đưa ra từ những kỳ đầu của Quốc hội khoá XI, nhưng đến các năm 2003, 2004 vẫn chậm biến chuyển. Né tránh, vô cảm trở thành ''bệnh'' của một bộ phận cán bộ công chức đối với công việc của dân. Chính sách của chúng ta về kêu gọi đầu tư rất tốt. Nhà đầu tư nước ngoài, DN đều nói như vậy! (Chủ tịch tỉnh khi mời nhà đầu tư đều nói quyết tâm ủng hộ!). Chính sách tốt nhưng DN vào khó quá không hiểu tại sao?''.

''Quan trọng nhất vẫn là khâu điều hành, không chỉ riêng Chính phủ mà cả địa phương. Cần sớm ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời với việc công khai, minh bạch chính sách'', ông Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị.

"Nên cân nhắc việc thành lập cơ quan chống tham nhũng"!

Đại biểu QH Phương Hữu Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng các nhà DN trẻ Việt Nam, kiến nghị giảm con số bội chi ngân sách dự kiến cho năm 2005 từ 5% GDP xuống 4% GDP. Theo ông, kinh nghiệm từ hoạt động DN, nếu đầu tư kém hiệu quả thì phải dừng những đầu tư chưa cấp thiết. "Trong khi đó, nguồn chi của ngân sách có vay nợ của dân (trái phiếu, công trái) với lãi suất cao, hoặc vay nợ nước ngoài". Ông lo lắng.

ĐB Nguyễn Tiến Thắng một lần nữa đặt lên bàn kiến nghị của cử tri. ''Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ thành lập một bộ phận chống tham nhũng có đủ sức, đủ thẩm quyền'', ông nói. Theo ông, nếu không làm mạnh thì biện pháp chống lãng phí, đục khoét ngân sách hiện nay chỉ là''sách vở''.

Tuy nhiên, ĐB Quốc hội, Giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Chuyên lại đề nghị cân nhắc việc thành lập bộ phận chuyên trách chống tham nhũng. Ông có lý khi phân tích: "Bộ máy hành chính cồng kềnh, ''căng phình'' sẽ dẫn đến quan liêu, tham nhũng. ''Chúng ta mới thường nói cải cách hành chính chủ yếu là cải cách thủ tục mà ít nói đến tinh giản bộ máy hành chính. Cần thay đổi tư duy trong cải cách hành chính''.

"Cổ phẩn hoá chậm vì thủ tục của Bộ tài chính rắc rối quá"

Tại đoàn TP.HCM, quay sang phía Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, ĐB Đặng Ngọc Tùng nói: Tốc độ chậm vì thủ tục cổ phần hoá của Bộ tài chính rườm rà, rắc rối quá. Là cử tri phản ánh thế". Bộ trưởng Hùng cười, bình thản. Vì sao tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước chậm?

Có lẽ đó là câu chuyện dài mà các ĐB phải bàn thảo nhiều. Năm 2004 (tính cả 700 DN thuộc đối tượng cổ phần hoá năm 2003 chuyển sang) thì mới đạt 29% kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường (ĐB Hà Nội) thì "bây giờ không chỉ nói ''đẩy mạnh'' cổ phần hoá mà cần biện pháp mạnh". Ông dẫn chứng: ''Vừa qua, Hà Nội đã cho một giám đốc DN nghỉ vì cổ phần hoá chậm, đưa một phó giám đốc lên. Ngay sau đó, cổ phần hoá được đẩy nhanh và có tác dụng thúc đẩy cả với những DN nhà nước khác''.

Sáng mai, các ĐB tiếp tục thảo luận tại đoàn về chủ đề kinh tế - xã hội

  • Lương Bích Ngọc - Trần Tiến 

Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngành toà án, VKS chưa quan tâm đến yêu cầu chất vấn (26/10/2004)
Sẽ kiểm tra việc sử dụng đất đai KCN 4 địa phương (26/10/2004)
Sẽ hình thành cơ quan chỉ đạo chống tham nhũng (25/10/2004)
"Lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng phải đủ trí, dũng" (25/10/2004)
Hình ảnh khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI (25/10/2004)
Khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XI (25/10/2004)
Tụt hạng 15 bậc: Giờ G cho cải cách? (23/10/2004)
Báo chí sẽ không phỏng vấn bên hành lang hội trường QH! (21/10/2004)
Phụ nữ TP.HCM vận động 200 triệu đồng sửa nhà tình nghĩa (20/10/2004)
Học viện Chính trị Quốc gia đón nhận danh hiệu AHLĐ (20/10/2004)
Gặp bà Nguyễn Thị Bình - hậu duệ của Phan Chu Trinh (20/10/2004)
"Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến người cao tuổi" (19/10/2004)
"Nể nang thì chất lượng dự án luật thấp" (13/10/2004)
Ngày đầu Hội nghị gặp gỡ Thủ tướng và doanh nhân (13/10/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang