(VietNamNet) - ''Ta đang hô hào cải cách hành chính, đơn giản bớt thủ tục nhưng tôi thấy một văn bản của HĐND ban hành mà còn phải qua tới vài "cửa". Ban soạn thảo nên tính ít ''cửa'' thôi!''
|
ĐB Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. |
Ông Lý Khai Phà (ĐB Lai Châu) tỏ ra khá bức xúc như vậy khi tham gia góp ý kiến về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND tại phiên họp của Quốc hội ngày 29/10.
''Về mặt lý, trước hết dự thảo văn bản trình ra HĐND đã được chỉnh lý và hoàn chỉnh tương đối chặt chẽ, tỷ mỉ, có vẻ hợp lý! Nhưng trong thực tế chưa phù hợp với cải cách hành chính, còn rườm rà'', ông Lý Khai Phà nói.
Ông đơn cử: ''Trước hết là ban soạn thảo phải soạn thảo. Sau khi soạn thảo xong phải đưa cho cơ quan tư pháp để thẩm định. Cơ quan tư pháp thẩm định xong phải chuyển cho Uỷ ban họp bàn. Sau khi Uỷ ban họp phải có ý kiến của Thường vụ Đảng uỷ, nếu là nghị quyết kinh tế xã hội phải qua Ban chấp hành. Có ý kiến của Thường vụ hoặc Ban chấp hành rồi, Uỷ ban quay lại sửa, thậm chí phải viết lại. Uỷ ban sửa xong chuyển văn bản cho thường trực HĐND, thường trực HĐND chuyển cho các ban và phân công việc cho các ban. Cuối cùng mới đưa ra HĐND. Tôi tính sơ sơ cũng phải tới 7 cuộc họp''.
''Nếu làm đúng quy trình mà không bảo đảm thời gian thì vi phạm luật! Vi phạm luật nhưng không nói là xử như thế nào? Xưa nay ta gửi tài liệu tới HĐND trước 5 ngày nhưng không gửi được cũng không sao!'', ông Phà phản ánh.
Theo dự thảo luật, thời gian để các ban HĐND thẩm tra văn bản chỉ có 1 tuần, bao gồm viết giấy triệu tập các thành viên của ban, dự thảo và họp. ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) chỉ ra bất cập: ''Có trường hợp các thành viên của ban không ở 1 nơi mà ở các huyện miền núi gửi giấy mời vài ngày mới tới! Cho nên, may ra các đồng chí họp để hợp thức hoá tờ trình của UBND là cùng chứ không có thời gian để đi thực tế, xem vấn đề đó đúng hay không?''.
Ông Cuông cũng phản ánh, nhiều cơ quan ban hành văn bản xong thì coi như hoàn thành nhiệm vụ, rất ít theo dõi, kiểm tra xem xét kết quả thực hiện thế nào, có sát thực tế hay không? ''Thậm chí có văn bản cử tri phát hiện có sai hoặc chưa sát với thực tế nhưng cơ quan ban hành cũng không chịu sửa, để cho dân tình ca thán'', ông nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu kết luận: Hai vấn đề còn nhiều tranh cãi sẽ được phát phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, trước ngày thông qua luật này (10/11). Đó vẫn là những vấn đề như Chủ tịch UBND có được ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không; bỏ hay không Chương II về nội dung văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND (vì có ý kiến cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND - NV).
|