(VietNamNet) - ''Thẩm phán xét xử oan sai phải bỏ lương của mình ra mà bồi thường. Chứ hiện nay lấy tiền từ ngân sách bồi thường là không được'' - ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đề xuất.
Quốc hội đã dành trọn một ngày 4/11 thảo luận về các báo cáo
công tác của ngành toà án, kiểm sát, về công tác thi hành án.Các đại biểu tỏ ra lo lắng về số án sửa, huỷ còn nhiều. Thời gian từ 1/10/2003 đến 31/8/2004, có khoảng 8.500 bản án, quyết định bị sửa và hơn 2.000 bản án quyết định bị huỷ. Riêng về vụ án dân sự, nếu trừ đi 20% số vụ hoà giải thành thì có đến 45-46% án bị sửa.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) nói: ''Người dân không yên tâm các vụ án không được tâm phục, khẩu phục!''. Ông cho biết đã từng tiếp một công dân về chuyện đất bị chiếm: ''Rõ ràng đất bị chiếm thật, nhưng chúng tôi phải giải thích là án tại hồ sơ, bà lại không chứng mình được đất là của bà!''
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), dư luận hết sức bất bình về những trường hợp điều tra dẫn đến vấn đề sai lạc, làm cho vụ án đưa ra xét xử thiếu chứng cứ. Như vụ án ở đường Láng - Hoà Lạc, nhiều ý kiến công luận đều cho rằng có hiện tượng đua xe, là tình tiết tăng nặng hơn nhưng khi đưa ra toà xét xử thì lại có những tình tiết giảm nhẹ.
''Ông nào xử sai phải đền, nhưng nếu quá nghiêm trọng phải ngồi thay vào đấy để người bị oan sai ra khỏi trại giam. 44,64% bản án ở Hải Phòng mà tuyên sai như thế, những ông thẩm phán xử lý đến đâu?'', ông Nguyễn Mạnh Đức lớn tiếng. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thì đề xuất: ''Thẩm phán xét xử oan sai phải bỏ lương của mình ra mà bồi thường! Chứ hiện nay lấy tiền từ ngân sách bồi thường là không được''.
''Nếu thiếu biên chế thì Quốc hội hội cho thêm biên chế, nếu trình độ thấp Quốc hội cho tiền học thêm, chăm lo đời sống chưa tốt thì cho thêm tiền lương. Nhưng nếu vẫn làm sai lần thứ nhất cảnh cảo, lần thứ hai bỏ tù thì mới được! Tôi thấy phía sau những bản án cải sửa không hề có một báo cáo đồng chí (TA, VKS) xử lý như thế nào?'', ông Đức tiếp tục nói.
ĐB Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) lưu ý đến tính độc lập của toà án: ''Liệu có phải kinh tế thị trường, hay tác động nhiều phía, dẫn đến sai lệch trong quá trình xét xử?''.
Sáng ngày 5/11, Quốc hội sẽ nghe tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh; dự án Luật Thương mại sửa đổi; dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005.
Cả năm chỉ có 9 vụ hối lộ? |
Những con số mà cơ quan điều tra, truy tố xét xử làm được không thuyết phục! ''Hối lộ năm 2004 chỉ khởi tố 13 vụ và truy tố 9 vụ, cả nước 82 triệu dân chỉ có 9 vụ hối lộ. Vô lý quá!'', ông Nguyễn Lân Dũng (ĐB Đắk Nông) thắc mắc. Còn ĐB Trần Mạnh Đĩnh, (Nam Định) nghi ngờ: ''Cả nước năm 2004 có 185 vụ tham nhũng, tính ra mỗi tỉnh chỉ có 2-3 vụ?!''
Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2004, cả nước xẩy ra hơn 13.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 9.100 người, nhưng số vụ đưa ra truy tố chỉ hơn 3.400 vụ, có đến gần 10.000 không chuyển truy tố về hình sự. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an kiểm tra có hiện tượng hành chính, dân sự hoá vụ án hình sự về tai nạn giao thông không? |
-
Văn Tiến