221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
541534
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án...
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án...
,

(VietNamNet) - Đây là lo lắng của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận (ĐB Quảng Bình) tại thảo luận tại tổ chiều 5/11 về dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng.

Ý tưởng làm đường này có từ thời Pháp

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã chứng minh tính đúng đắn của việc đầu tư cho con đường HCM bằng cả câu chuyện dài 20 phút bắt đầu từ việc khẳng định: "Ý tưởng xây dựng con đường song hành với Quốc lộ 1 có từ thời Pháp". Ông nói: "Đặc biệt, từ năm 1946, một thời gian sau khi giành chính quyền, Hồ Chủ tịch đến con đường này như là biểu hiện cho ý chí thống nhất đất nước... Hiện nay chúng ta đang bị mặc cảm xây dựng cơ bản là lãng phí lớn nhất nhưng thực ra đầu tư sai mới là lãng phí lớn nhất. Tôi cho rằng đầu tư xây dựng đường HCM là một quyết định đúng đắn. Nhưng vì đó là công trình quan trọng nên có giá của nó. Ít nhất sẽ có 30 tỉnh thụ hưởng hoặc chịu hậu quả của công trình. Công việc giám sát hiệu quả của nó thuộc về QH".

"Đừng để tình trạng vừa thi công vừa thiết kế như giai đoạn một"

Ông Vũ Trọng Kim, ĐB Quảng Trị, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM nhắc đi nhắc lại về tính hiệu quả của công trình. Theo ông, một trong những điều cốt yếu nhất để tránh lãng phí đồng vốn là phải hết sức chú trọng khâu quy hoạch và thiết kế. Ông không ngần ngại dẫn chứng tình trạng "vừa thi công vừa thiết kết" trong quá trình xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1: " Hồi đó bên Trung ương Đoàn có nhận một số km đường thì thấy có tình trạng vừa thi công vừa thiết kế... Sang giai đoạn 2 làm theo kiểu là không được".

Ông Kim cho rằng  dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh trình QH lần này thì vẫn chưa chú trọng đến khâu quy hoạch để khai thác triệt để đồng vốn bỏ ra: "Phải quy hoạch những điểm dân cư mới (nhưng không phải theo kiểu đường đi tới đâu nhà theo tới đó) với đầy đủ điện, đường, trường, trạm; Dự án chưa đặt ra việc đầu tư và khai thác du lịch. Ngoài chuyện đầu tư vốn cho công trình thì phải tính kèm theo số vốn để phát triển các nghành kinh tế khác "ăn theo" con đường".

Riêng về việc xây dựng những khu dân cư mới, ông Kim rất tâm đắc với mô hình "Làng thanh niên lập nghiệp" do của Trung ương Đoàn: "Vốn Nhà nước bỏ ra cho mỗi làng chỉ tốn có hơn chục tỷ nhưng sức phát triển rất khả quan".

Ông Kim đề nghị "rào đường" để đảm bảo an toàn: "Đường tốt thì xe càng phóng nhanh. Ở Quảng Trị vừa có chuyện vì một con bò mà chết mấy chục mạng người. Trên đường Hồ Chí Minh, lỡ có đàn dê thì chết nhiều nữa".

Xin ''đường'' cho địa phương!

Một đoạn đường Hồ Chí Minh bị lở đất!

Thảo luận tổ chung giữa ba đoàn Quảng Bình, Trà Vinh, Yên Bái về đường Hồ Chí Minh chiều 5/11 hết sức sôi nổi, thẳng thắn. Bộ trưởng Giao thông và Vận tải Đào Đình Bình (ĐB Quảng Bình), người vừa trình chủ trương xây dựng công trình này ra Quốc hội sáng nay, đã giải đáp rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của đại biểu.

Đường Hồ Chí Minh chỉ ''ghé'' tỉnh Yên Bái. Chính vì thế, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề đạt Chính phủ nghiên cứu làm đường nhánh qua Yên Bái như đường nhánh ở khu vực Tây Nguyên. ''Nhân dân Yên Bái rất mong! Có đồng chí Đào Đình Bình ở đây, đề đạt của nhân dân Yên Bái sẽ đến Chính phủ nhanh hơn''. Chia sẻ tâm sự của ĐB Tuyết, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết, Yên Bái có đường dọc 70 (từ Đoan Hùng - Vĩnh Phúc đến Lào Cai) có kế hoạch nâng cấp thành đường 4 làn xe từ nguồn vốn trái phiếu. "Tuy nhiên, đường ngang Yên Bái chưa có!" Và Bộ trưởng Bình ủng hộ đưa vào dự án đường Hồ Chí Minh một nhánh phía Tây của Tây Bắc, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

''Tỉnh nào cũng muốn có đường giao thông đi qua, chắc điều đó không thể đáp ứng được! Ta đã thống nhất làm đường thẳng, ngắn, đẹp, tiện lợi, hiệu quả cao! Quanh co đi hết rất khó! Còn lại các tỉnh lẻ nên làm đường xương nhánh!'', ông Hoàng Bình Quân (ĐB Kon Tum), Bí thư thứ nhất TW Đoàn lớn tiếng. Đồng tình với ĐB Quân ''ai cũng muốn đường thẳng tắp'', nhưng bà Dương Kim Anh (Trà Vinh) cũng mong muốn có đường tại tỉnh nhà để thuận lợi cho giao thông, du lịch và đầu tư vào vùng miền núi.

''Quốc lộ 60 (từ Trà Vinh đi TP.HCM) dân nghe nói đã lâu! Nhưng đến bây giờ chưa thấy khởi động. Tôi kiến nghị đưa đường 60 vào dự án đường Hồ Chí Minh. Trà Vinh như cái đáy, vào ra khó nên khó phát triển'', bà Anh nói.

Đoàn xin trồng rừng cho đường Hồ Chí Minh!
Tạo việc làm cho thanh niên, ĐB Hoàng Bình Quân đề nghị giao cho thanh niên trồng rừng 2 bên đường Hồ Chí Minh. Theo ông, trồng rừng không chỉ lấy cảnh quan, môi trường mà là trồng rừng công nghiệp, khai thác cuốn chiếu. Bộ trưởng Đào Đình Bình lên tiếng: ''Nhưng quy hoạch trồng rừng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn''. Ông Quân tiếp lời: ''Bây giờ cứ ghi vào dự án! Có gì chúng tôi sẽ làm việc tiếp với Bộ Nông nghiệp''. Có đại biểu hỏi: ''Nếu địa phương cũng muốn làm thì sao?''. ''Trồng rừng thanh niên địa phương làm chứ thanh niên Hà Nội vào làm đâu!'', ông Quân trả lời.

Mấy nghìn căn nhà đã lấn chiếm lề đường?

Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết, Bộ đã đền bù đất tính cả cho việc nâng cấp lên nhiều làn xe sau này (4, 6 hoặc 8 làn xe), cắm cọc lộ giới, tránh tình trạng dân lấn chiếm. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đã đi trên đường Hồ Chí Minh phản ánh ''mấy nghìn căn nhà đã lấn chiếm''. ''Chúng ta đang sống với tư duy kinh tế đường! Mới có quy hoạch hướng tuyến, dân đã tràn lan lấn chiếm. Tai nạn giao thông gia tăng cũng do dân ở tinh tinh hai bên đường. Tôi đi nước ngoài nhiều nhưng không thấy nơi nào dân bám đường như mình'', ông gay gắt.

ĐB Nguyễn Văn Thuận hưởng ứng: ''Kinh tế mặt đường cách đây 200 năm, ta mới bắt đầu! Câu 'thứ nhất cận thị, thứ nhì cận quan'' cũ lắm rồi! Đường đi qua nhà chẳng sướng, 10 năm nữa mới biết là dại''. Với tình trạng hiện nay, ông dự báo 10-20 năm đường cao tốc sẽ biến thành... đường phố.

''Đường Hồ Chí Minh, dân tràn ra bám vào 2 mặt đường như thế nào, đề án nên làm rõ? Bộ Xây dựng làm quy hoạch, vậy khu dân cư cách đường bao nhiêu? Giao cho Bộ Thương mại cung cấp dịch vụ nhưng tôi đi từ đường Hồ Chí Minh (đoạn Quảng Nam - Quảng Trị) có tới 20 điểm bán xăng dầu tự phát của dân, rất lộn xộn! Trách nhiệm của địa phương cũng cần cụ thể hơn, không nêu chung. Ngay từ đầu phải đồng bộ chặt chẽ!'', ĐB Dũng kiến nghị.

Đường dở dang, kéo dài là chết dân!

''Băn khoăn và lo nhất là tiền'', ĐB Trương Thị Mai (Trà Vinh) lo lắng. ''Giá dầu tăng tôi thấy sốt ruột nghĩ đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất mấy nghìn tỷ đồng, vẫn chưa thấy đâu?''. ''Nay đường Hồ Chí Minh, tổng vốn hơn 33.000 tỷ đồng, nói đã có 17.000 tỷ đồng nhưng 11.300 tỷ phải huy động trái phiếu. Chính phủ vừa đồng ý Bộ Tài chính tiếp tục huy động công trái giáo dục. Bộ Y tế sắp tới cũng xin phát hành trái phiếu! Huy động nhiều thế, dân có chịu nổi không?''. Quay sang Bộ trưởng Đào Đình Bình, bà nói: ''Bộ trưởng có tính trượt giá đến năm 2010, số tiền sẽ không chỉ là 33.000 tỷ đồng! Mà đường dở dang, kéo dài là chết dân! Chính phủ cần giải trình thêm với Quốc hội về nguồn vốn''.

Bộ trưởng Bình trả lời: ''Số 11.000 tỷ đồng nắm trong kế hoạch của Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ. Số thiếu còn lại Bộ Tài chính thống nhất chủ yếu huy động từ phát hành trái phiếu!'' Còn công trái giáo dục giải ngân chậm (đạt 55%), ông Bình cho là: ''Bên chỗ giáo dục chủ yếu làm nghề giáo nên không sành bằng Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải''. Tháng 10 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành giải ngân 100% vốn ngân sách và ODA, riêng vốn trái phiếu chưa hết do dự án chưa chuẩn bị kịp. Ông Bình giải thích khó khăn làm công trình chậm: ''Bỏ thầu giá thấp dẫn đến 100% DN của Bộ bị lỗ. Vay ngân hàng thì ông Thuý (Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thuý) thắt chặt lại, công trình làm được 10 thì cho vay 3. Tôi đề nghị Chính phủ thanh toán cho địa phương thật nhanh''.

Đừng để mỗi công trình trọng điểm xẩy ra một vụ án...

Về chênh lệch vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ giữa hai lần trình Quốc hội (kỳ này và kỳ 4 vừa qua), ông Bình đã đưa ra nhiều lý do giải thích. Thứ nhất, giai đoạn 1 chỉ quy hoạch có 2 làn xe nhưng giai đoạn 2 quy hoạch 4 làn xe, giải phóng mặt bằng, cắm cọc mốc để mở rộng ra, tiền tăng thêm. Thứ hai, đầu tư giai đoạn 2 thêm các cầu lớn như Vàm Cống - Sông Hậu, Cao Lãnh- Sông Tiền..., mỗi cầu tăng chi hàng nghìn tỷ đồng. Thứ ba, giai đoạn 1 chủ yếu là làm ở miền Trung, đất đai dễ xử lý nhưng giai đoạn 2 làm xuống cả Đất Mũi Cà Mau, nền đất yếu, chi phí tăng. Cùng số tiền làm 1km trước đây nhưng nay chỉ làm được 0,5-0,6km. Thứ tư, hiện nay đường Hồ Chí Minh chỉ rải một lớp nhựa 7 phân, cần rải thêm một lớp 5 phân cho bằng quốc lộ 1. Ngoài ra, giá cả tăng cao cũng làm đội giá công trình...

ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) lo ngại thất thoát, lãng phí khi xây dựng đường Hồ Chí Minh. ''Chính phủ cần thường xuyên kiểm tra, giám sát! Tính toán thiết kế kỹ thuật không để như khí - điện - đạm Cà Mau, phát sinh xử lý túi bùn hàng triệu USD. Cũng cần phối hợp chặt chẽ, chứ vừa làm xong, ông điện, ông cấp thoát nước lại đào lên là không được'', bà nói. ĐB Nguyễn Văn Thuận ngồi đối diện với Bộ trưởng Bình, lên tiếng: ''Đừng để mỗi công trình trọng điểm lại xẩy ra một vụ án trầm trọng! Như công trình đường dây 500 KV, Bộ trưởng phải ra toà...''.

  • Văn Tiến - Bích Ngọc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,